Lý giải sự gây hấn ra tứ phía của Trung Quốc

07:20, 04/05/2013
|

(VnMedia) - Trong những ngày qua, người ta liên tục chứng kiến những hành động ngày một hung hăng, lấn tới của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với một loạt nước láng giềng. Diễn biến này khiến nhiều người đặt câu hỏi, vì lý do gì mà Trung Quốc ngày một hiếu chiến như vậy?

 Ảnh minh họa

 Trung Quốc vừa đưa số lượng tàu và máy bay lớn nhất từ trước đến nay đến uy hiếp Nhật Bản ở vùng tranh chấp.


8 con tàu lớn của Trung Quốc rầm rập đi vào vùng lãnh hải quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang nằm trong sự kiểm soát của Nhật Bản trong cùng một ngày vào tuần trước. Cùng với đó, khoảng 40 máy bay quân sự gầm rú xung quanh. Tờ Tân Hoa xã – cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc, tuyên bố, đó là hành động đáp trả việc các nhà hoạt động Nhật Bản tìm cách đổ bộ lên quần đảo tranh chấp dù cho Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đã ngăn cản điều đó. Ngày hôm sau, Tân Hoa xã tiếp tục đưa tin, Cục Hải dương Nhà nước đã “chặn đứng” một hành động xâm phạm chủ quyền Trung Quốc.

 

Trước đó một tuần, ở nơi cách khu vực xảy ra cuộc đối đầu căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản khoảng hơn 4.000km, quân đội Ấn Độ phát hiện hàng chục binh lính Trung Quốc táo tợn xâm nhập vào sâu lãnh thổ do New Delhi kiểm soát 19km và ngang nhiên dựng trại ở đây. Ấn Độ gần đây đã củng cố các căn cứ quân sự của mình trong khu vực bằng việc tạo ra những chiếc boongke và trong ba cuộc họp giữa các tướng lĩnh địa phương của hai nước, Trung Quốc luôn khăng khăng đòi Ấn Độ dỡ bỏ các hầm boongke trước khi họ rút quân đi. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục xây thêm một con đường mới đi vào khu vực này.

 

Những sự việc xảy ra ở trên là một phần trong một chiến lược lớn hơn. Trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, các lực lượng Trung Quốc đang ngày càng trở nên hung hăng hơn, quyết liệt hơn và sẵn sàng sử dụng mọi cái cớ để tìm cách thay đổi nguyên trạng theo hướng có lợi cho họ.

 

Hồi tháng trước, Trung Quốc bắt đầu đưa tàu chở khách du lịch đến quần đảo Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam . Trước đó nữa, hôm 20/3, Trung quốc còn ngang ngược bắn cháy cabin tàu cá của Việt Nam . Hai ngày sau, 4 tàu hải quân Trung Quốc còn ngang nhiên tiến hành tập trận xung quanh bãi cạn James – nơi đang là tâm điểm tranh chấp giữa Malaysia và Trung Quốc. Việc Trung Quốc đưa tàu chiến đến khu vực bãi cạn James chỉ cách bờ biển Malaysia có 80km và cách đại lục Trung Quốc đến 1.800km đã phơi bày rõ nhất tham vọng lấn chiếm Biển Đông của quốc gia đông dân nhất thế giới.

 

Sau khi Tokyo gần đây tiết lộ, nước này đã buộc phải ra lệnh cho chiến đấu cơ cất cánh khẩn cấp 306 lần để đi đối phó với máy bay Trung Quốc xâm nhập vào không phận của họ, phản ứng của Bắc Kinh là đổ lỗi cho Nhật Bản đã làm leo thang căng thẳng. Bắc Kinh luôn bào chữa, biện minh cho các hành động khiêu khích liên tiếp của họ bằng “lá bài” bảo vệ chủ quyền.

 

Vì sao Trung Quốc ngày một hung hăng?

 

Tất cả những diễn biến trên đã làm dấy lên một cuộc tranh luận nóng bỏng về việc có điều gì đang xảy ra đằng sau những bức tường cao ở Trung Nam Hải – nơi ở của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Phóng viên John Garnaut của tờ Sydney Morning Herald cho rằng, ông Tập Cận Bình – người vừa được bầu làm Tổng Bí thưĐảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Trung Quốc, đang tìm cách củng cố quyền lực theo cái cách mà ông Đặng Tiểu Bình đã làm năm 1979. Khi đó, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đã được lệnh xâm lược Việt Nam . Xung đột là cách dễ dàng để áp đặt kỷ luật và cho phép nhà lãnh đạo mới thăng cấp cho những tướng lĩnh của ông này.

 

Giả thuyết trên có thể đúng phần nào nhưng rõ ràng, sự hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc diễn ra trước khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền. Chính sách đó bắt đầu nổi lên rõ nét từ năm 2009 khi các quan chức Trung Quốc lần đầu tiên lên tiếng tuyên bố Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của họ. Bắc Kinh bắt đầu khuấy lên cùng lúc một loạt các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với các nước láng giềng. Điều đó đã khiến một số nhà quan sát Trung Quốc tin rằng, nước này đã vứt bỏ câu châm ngôn “giấu mình chờ thời” của ông Đặng Tiểu Bình.

 

Tuy nhiên, ý nghĩa thực sự của năm 2009 không chỉ nằm ở phía Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ và làm ảnh hưởng đến những nhà cải cách Trung Quốc – những người lập luận rằng Trung Quốc vẫn có những bài học cần học từ Mỹ. Cuộc khủng hoảng cũng khiến cho nhu cầu hàng hóa Trung Quốc trên khắp toàn cầu sụt giảm, dẫn đến tình trạng thất nghiệp tăng cao.Điều này khiến Trung Quốc phải dựa nhiều hơn vào “chiêu chính trị” là khuấy động lên chủ nghĩa dân tộc.

 

Ngoài các lý do trên, một số nhà phân tích cho rằng, sự lấn tới của Trung Quốc có một phần xuất phát từ phía Mỹ. Sau khi Tổng thống Barack Obama lên cầm quyền, ông này đưa ra quyết tâm rút các lực lượng Mỹ ra khỏi hai cuộc chiến tranh và tránh đưa quân đội nước này dính líu thêm vào bất kỳ mớ bòng bong nào ở bên ngoài. Bắc Kinh đã lợi dụng sự rút lui của siêu cường số 1 thế giới để thể hiện mình theo một cách mà Manila miêu tả là “hung hăng và quá đà”.

 

Bất chấp những phát biểu “đao to búa lớn” của Mỹ về chính sách hướng trọng tâm vào Châu Á-Thái Bình Dương, chính quyền Obama được cho là vẫn tiếp tục phát đi tín hiệu yếu ớt về việc trợ giúp cho các đồng minh như Philippines, Nhật Bản và ngăn chặn Trung Quốc dọa dẫm, bắt nạt các nước khác trong khu vực. Kết quả là sự hung hăng của Bắc Kinh cứ ngày một leo thang.


Kiệt Linh - (theo WSJ)

Ý kiến bạn đọc