Lực lượng quân sự đáng sợ nhất của Syria

14:57, 04/05/2013
|

(VnMedia) - Nếu các cường quốc phương Tây quyết định phát động một chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria với cái cớ vũ khí hóa học, thì họ sẽ phải đối diện với thách thức đáng dè chừng từ một trong những lực lượng phòng không đáng sợ nhất khu vực Trung Đông. Lực lượng này đã được gia tăng sức mạnh trong những năm gần đây bằng một loạt vũ khí hạng nặng tối tân từ Nga.

 

 Ảnh minh họa

 Hệ thống phòng không hàng đầu khu vực của Syria sẽ là một thách thức to lớn đối với phương Tây nếu họ muốn can thiệp quân sự vào đất nước Trung Đông này.


Tuần trước, Mỹ cho biết, lực lượng tình báo nước này đã phát hiện ra một số dấu hiệu chứng tỏ chính quyền Syria có thể đã sử dụng vũ khí hóa học ít nhất hai lần trong cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 năm qua ở nước này. Thông tin trên được đưa ra đã gia tăng sức ép lên Tổng thống Barack Obama đòi ông này phải có phản ứng mạnh mẽ hơn đối với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Ông chủ Nhà Trắng trước đó từng đe dọa, nếu Syria dùng vũ khí hóa học thì điều đó đồng nghĩa với việc họ đã bước qua “lằn ranh đỏ” và sẽ phải đối diện với “hậu quả to lớn”.

 

Mặc dù Tổng thống Obama tuyên bố chưa muốn đưa ra bất kỳ quyết định vội vã nào về vấn đề Syria vì còn cần bằng chứng “chắc chắn và thuyết phục”, nhưng ông này cũng nhấn mạnh, đang có một loạt sự lựa chọn được đặt trước mặt ông.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - ông Chuck Hagel hôm qua cho biết tại một cuộc họp báo rằng, chính quyền nước này đang cân nhắc khả năng vũ trang cho phe nổi dậy. Đây là một trong những lựa chọn đang được các nước phương Tây đưa ra nhằm can thiệp vào tình hình Syria .

 

Năm 2011, Mỹ và các nước đồng minh phương Tây đã áp đặt vùng cấm bay ở Libya sau khi chính quyền của ông Muammar Gaddafi đàn áp quyết liệt cuộc nổi dậy. Được sự ủng hộ của Liên Hợp Quốc, chiến dịch không kích của liên quân đã đóng một vai trò quyết định trong chiến thắng của phe nổi dậy trước quân của ông Gaddafi trong cuộc nội chiến kéo dài 8 tháng.

 

Trong khi NATO nhanh chóng hạ gục được các hệ thống phòng không của Libya thì các chuyên gia cảnh báo, năng lực của Syria sẽ mạnh hơn, tinh vi hơn rất nhiều so với các hệ thống của ông Gaddafi.

 

"Trong trường hợp của Libya, hệ thống phòng không của nước này gần như đã bị suy yếu hoàn toàn trước khi cuộc xung đột nổ ra do thực tế là ông Gaddafi không hề đầu tư nhiều vào hệ thống vũ khí này. Tuy nhiên, trong trường hợp của Syria, mọi việc lại hoàn toàn khác", ông Pieter Wezeman - một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, nhận định.

 

Theo các chuyên gia đánh giá, Syria sở hữu một trong những mạng lưới phòng không mạnh nhất trong khu vực với rất nhiều tên lửa đất đối không tạo thành nhiều lớp bảo vệ chồng lên nhau ở các khu vực quan trọng cùng với hàng ngàn súng phòng không có khả năng tham gia vào các cuộc tấn công máy bay bay ở tầm thấp.

 

Cách đây 6 năm, hệ thống phòng không Syria đã phải đối mặt với sự thất bại do sự lơ là của chính quyền. Cụ thể, vào năm 2007, hệ thống phòng không già cỗi do Liên Xô cung cấp cho Syria đã gặp phải một cú sốc lớn khi máy bay Israel ném bom xuống một cơ sở được cho là lò phản ứng hạt nhân của Syria nằm dọc Sông Euphrates, phía đông bắc đất nước. Cuộc tấn công này đã khiến chính quyền của Tổng thống Assad chao đảo và rơi vào tình trạng lúng túng, bổi rối. Từ sau sự kiện mất mặt này, chính quyền Syria đã ra sức nâng cấp, tăng cường sức mạnh cho hệ thống phòng không của mình bằng cách tìm đến với nhà cung cấp vũ khí truyền thống Nga.

 

Moscow  - nơi cung cấp phần lớn vũ khí cho Syria kể từ thời cha của ông Assad vẫn còn đương nhiệm, tất nhiên là rất sẵn lòng thực hiện những hợp đồng béo bở từ đất nước Trung Đông.

 

Thâm nhập kho vũ khí phòng không của Syria

 

Nga đã cung cấp cho Syria một loạt hệ thống phòng không mới như 36 tên lửa đất đối không di động Pantsyr và ít nhất 8 hệ thống phòng không uy lực Buk-M2E. Tên lửa Pantsyrs được xem là một thứ vũ khí đặc biệt hiệu quả trong các cuộc tấn công nhằm vào máy bay trên bầu trời. Pantsyrs được trang bị súng đại bác cỡ 30mm cùng với một hệ thống radar và cá tên lửa phòng không trên cùng một phương tiện.

 

Cùng với đó, các hệ thống tên lửa SA-3 cũ của Syria được nâng cấp thành hệ thống Pechora-2M mới và thiện chiến hơn rất nhiều.

 

Ngoài ra còn có tin cho rằng, Syria  đang sở hữu cả những hệ thống tên lửa tối tân cực mạnh của Nga mà nhiều nước thèm muốn, đó là S-300. Hệ thống vũ khí này sở hữu công nghệ đánh chặn máy bay hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, người ta vẫn còn hoài nghi về việc liệu Damascus đã thực sự đã có được trong tay thứ vũ khí đáng gờm này hay chưa.

 

Moscow đến nay vẫn bác bỏ thông tin trên nhưng có nhiều nguồn tin chưa được xác định khẳng định, các nước khác có thể đã cung cấp tên lửa S-300 cho Syria . Thực tế này sẽ khiến cho một chiến dịch can thiệp từ trên không của phương Tây vào Syria trở nên khó khăn hơn, tốn kém hơn và nhiều nguy cơ hơn rất nhiều so với thời ở Libya trước đây.

 

"Đó chắc chắn là một hệ thống vũ khí mà nếu được tung ra sẽ gây nguy cơ cho cả Israel , Mỹ hoặc bất kỳ nước nào muốn can thiệp quân sự vào Syria ”, ông Wezeman nhận định.

 

Chưa hết, Syria cũng được Nga cung cấp cho một loạt hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển di động do Nga phát triển và chế tạo - Bastion-P, bao gồm cả tên lửa chống hạm Yakhont có khả năng đánh chìm những con tàu lớn, thậm chí là cả tàu sân bay bá chủ của đại dương.

 

Trong suốt hơn 2 năm qua, Nga cùng với Trung Quốc vẫn kiên định trong lập trường ủng hộ chính quyền của Tổng thống Assad. Hai nước này đã 3 lần dùng quyền phủ quyết bác bỏ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm lên án chính quyền Syria .

 

Hồi tháng 2 mới đây, ông Anatoly Isaikin - người đứng đầu tập đoàn xuất khẩu vũ khí quốc gia Nga - Rosoboronexport, cho biết, họ không áp dụng lệnh cấm vận vũ khí đối với Syria và Nga vẫn tiếp tục thực hiện các hợp đồng cung cấp vũ khí cho Syria.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc