(VnMedia) - Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm qua (9/5) đã lên tiếng bác bỏ khả năng nước này tham gia vào hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ đứng đầu, nói rằng Seoul sẽ tập trung vào việc phát triển hệ thống của riêng mình để đối phó với mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên.
Việc có gia nhập hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ bao gồm các tên lửa đánh chặn mặt đất và ra-đa X-band hay không là một vấn đề hóc búa đối với Hàn Quốc. Lý do là bởi động thái của Hàn Quốc có thể gây ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, trong đó có cả sự tham gia của Trung Quốc, điều này sẽ góp phần làm gia tăng chi phí đối với chương trình tên lửa quốc gia.
Vấn đề này nóng trở lại sau khi Tổng thống Mỹ - Barack Obama đưa ra một tuyên bố hôm 7/5 tại một cuộc họp báo chung với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye rằng, hai bên đã nhất trí cùng hợp tác phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa đế đối phó với Triều Tiên.
Tên lửa PAC-3 |
Phản hồi trước những thông tin mà báo chí địa phương đưa ra, cho rằng tuyên bố của Tổng thống Mỹ ám chỉ việc Hàn Quốc sẽ tham gia hệ thống tên lửa phòng thủ của Mỹ, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, quân đội nước này đã và đang hợp tác với quân đội Mỹ trong chương trình phòng thủ tên lửa, nhưng quy mô chỉ giới hạn ở việc chia sẻ thông tin tình báo.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc – ông Kim Min-seok cho biết: “Hàn Quốc có hệ thống phòng thủ tên lửa của riêng mình, có khả năng tiêu diệt tên lửa ở giai đoạn cuối cùng, thích hợp để đối phó với mối đe dọa tên lửa ngày một lớn từ phía Triều Tiên”.
“Trước tình hình hiện tại, chúng tôi đã hợp tác với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ để chia sẻ thông tin tình báo cũng như tìm cách thúc đẩy sự hợp tác này”, ông nói thêm.
Người phát ngôn này nhấn mạnh thêm rằng, mặc dù vậy, Seoul không phản đối chương trình tên lửa của Mỹ mà hai bên đang hợp tác để giám sát và theo dõi các động thái tên lửa của Triều Tiên nhưng không cần thiết lập thêm các cơ sở tên lửa mới.
“Hàn Quốc và Mỹ đã hợp tác với nhau để theo dõi hoạt động của tên lửa Triều Tiên với các nguồn lực có sẵn”, ông Kim nói, đồng thời bác bỏ việc thiết lập các tên lửa và ra-đa tối tân, liên quan đến hệ thống tên lửa của Mỹ.
Phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa độc lập
Hàn Quốc đang từng bước phát triển hệ thống lá chắn tên lửa độc lập, được gọi là Hệ thống Phòng thủ Tên lửa và Phòng Không Triều Tiên (viết tắt là KAMD) kể từ năm 2006 tới nay bằng việc triển khai tên lửa Patriot và ra-da cảnh báo sớm tầm xa.
KAMD bao gồm một hệ thống ra-đa cảnh báo sớm cùng với hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất và tên lửa tầu đối không. Với hệ thống này, Seoul có khả năng truy lùng và bắn hạ các loại tên lửa tầm trung và tầm ngắn đang bay thấp của Triều Tiên với sự hỗ trợ của vệ tinh cảnh báo sớm của Mỹ.
Seoul vẫn đang trong quá trình đẩy mạnh khả năng phòng thủ nhằm đối phó với một nhà nước Triều Tiên ngày một lớn mạnh về quân sự, quốc gia được cho là đang sở hữu trên 1000 quả tên lửa với rất nhiều khả năng, tuy nhiên, kế hoạch trung hạn này đang được đẩy lên tới mức cấp bách sau khi Bình Nhưỡng tiến hành phóng thử thành công một quả tên lửa đạn đạo tầm xa hồi tháng 12 năm ngoái.
Vụ phóng tên lửa trên của Bình Nhưỡng vấp phải sự phản đối gay gắt của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là hai quốc gia láng giềng Nhật Bản và Hàn Quốc cùng với đồng minh là Mỹ, cho rằng đó là một vụ thử công nghệ tên lửa đạn đạo trá hình. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng khẳng định, vụ phóng tên lửa trên chỉ nhằm mục đích đưa một vệ tinh quan sát Trái đất lên quỹ đạo.
Hiện Hàn Quốc đang triển khai các khẩu đội tên lửa Patriot PAC-2, có khả năng tấn công các tên lửa đang bay tới gần ở độ cao 30 km so với mặt biển. Hồi cuối tháng 4 vừa qua, quân đội Hàn Quốc đã thông qua một kế hoạch, theo đó sẽ nâng cấp hệ thống PAC-2 lên phiên bản PAC-3.
Bên cạnh đó, hồi đầu tháng 5, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng cho biết, cơ quan đang xem xét đề nghị của Hải quân nước này về việc mua loại tên lửa SM-3 dành cho các tàu chiến có trang bị hệ thống đánh chặn Aegis để tăng cường năng lực chống tấn công bằng tên lửa của Triều Tiên.
SM-3 là loại tên lửa có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo của đối phương từ độ cao 150 km trong bầu khí quyển, cao hơn nhiều so với loại tên lửa mặt đất PAC-3 mà quân đội Hàn Quốc đang sử dụng.
Theo đề nghị của hải quân Hàn Quốc, để tăng cường khả năng đánh chặn các vụ tấn công bằng tên lửa Rodong của Triều Tiên, thế hệ tên lửa SM-3 là rất cần thiết bởi loại tên lửa PAC-3 hiện nay có tỷ lệ đánh chặn thất bại khá cao và chỉ có khoảng từ 5-7 giây để can thiệp vào quỹ đạo của tên lửa Triều Tiên.
Một nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc cho biết, tên lửa SM-3 có thể được triển khai trên các tàu chiến có hệ thống đánh chặn tên lửa hiện đại Aegis như Sejong ngay sau khi nâng cấp phần mềm trên đó.
Tên lửa SM-3 là thành phần vô cùng quan trọng trong các hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ nhưng nhiều chuyên gia quân sự lại đặt vấn đề, liệu SM-3 có phù hợp với việc đánh chặn tên lửa của Triều Tiên hay không bởi lẽ các loại tên lửa của Bình Nhưỡng thường bay ở độ cao thấp và tầm bắn ngắn.
Ý kiến bạn đọc