Khám phá tên lửa chống tăng đắt ngang xe sang

06:32, 24/05/2013
|

FGM-148 Javelin là tên lửa chống tăng vác vai hiện đại nhất của Quân đội Mỹ với giá rất đắt (80.000 USD/quả - tương đương với "xế" sang BMW X6).

 

Năm 1996, Quân đội Mỹ chính thức đưa vào trang bị tổ hợp tên lửa chống tăng cá nhân FGM-148 Javelin để thay thế cho loại Dragon. Khi ra đời, FGM-148 Javelin được xếp loại tên lửa chống tăng thế hệ thứ 3 đầu tiên trên thế giới với công nghệ dẫn đường tiên tiến, vượt trội so với tên lửa Nga.

 

 Ảnh minh họa

Hệ thống tên lửa chống tăng cá nhân FGM-148 Javelin được đánh giá tốt về công nghệ dẫn đường tiên tiến đảm bảo độ chính xác cao.

 

Tổ hợp gồm 2 thành phần chính: khối điều khiển CLU và đạn tên lửa. Trong chiến đấu, chỉ cần 2 người để triển khai hệ thống gồm một người bắn và một người vác đạn. Đạn tên lửa nặng 11,8kg, dài 1,1m, đường kính thân 127mm đặt trong ống phóng để bảo vệ khỏi sự hư hỏng từ môi trường. Nó được lắp đầu đạn kiểu 2 đầu nổ chuyên trị giáp phản ứng nổ (ERA) trang bị trên xe tăng hiện đại (nghĩa là, đầu nổ thứ nhất sẽ kích hoạt khối giáp ERA bên ngoài để lộ ra lớp giáp chính xe tăng để đầu nổ 2 xuyên phá).

 

Tên lửa dùng cơ cấu phóng “mềm”, dùng liều phóng phụ đưa quả đạn ra khỏi ống phóng. Ở cự ly an toàn cho xạ thủ, động cơ chính tên lửa mới kích hoạt bay tới mục tiêu. Với cơ cấu phóng này, luồng phản lực khi quả đạn rời bệ phóng rất nhỏ, đảm bảo an toàn hơn cho xạ thủ và người xung quanh. Tên lửa đạt tầm bắn hiệu quả 75m tới 2.500m, tầm bắn tối đa gần 5.000m.

 

Điểm nhấn của tên lửa Javelin ở hệ thống dẫn đường, đây là đạn tên lửa chống tăng đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ đầu tự dẫn ảnh nhiệt. Với công nghệ này, sau khi ấn nút phóng, đạn tên lửa tự động bay tới mục tiêu mà không cần xạ thủ “theo sát” (từ khi rời bệ tới khi đánh trúng mục tiêu) như thế hệ tên lửa chống tăng 1,2.

 

Nhưng với công nghệ sử dụng đầu tự dẫn lắp trên quả đạn, xạ thủ sau khi ấn nút phóng kịp rút lui ẩn nấp ở vị trí an toàn tránh địch phản kích. Còn khối điều khiển CLU nặng 6,4kg được tích hợp thiết bị để tìm kiếm, phát hiện và khóa mục tiêu. Khối điều khiển này được dùng đi dùng lại nhiều lần.

 

Trong chiến đấu, xạ thủ sẽ sử dụng hệ thống ngắm hồng ngoại trên khối điều khiển CLU để tìm kiếm, xác định mục tiêu sau đó chuyển sang hệ thống hồng ngoại độc lập của tên lửa để thiết lập khóa mục tiêu.

 

Đặc biệt, xạ thủ có thể chọn 2 cách bắn gồm: bắn thẳng trực diện mục tiêu hoặc bắn bổ bổ nhào 45 độ tấn công nóc xe tăng - xe bọc thép (đấy là nơi bọc giáp mỏng nhất trên xe tăng). Liều phóng phụ đưa quả đạn trị giá 80.000 USD rời ống phóng với luồng phản lực sinh ra khá nhỏ.

 

Ngoài ra, việc triển khai tên lửa khá dễ dàng chỉ có khối điều khiển và đạn tên lửa. Sau khi bắn, xạ thủ chỉ cần giữ lại khối điều khiển. Trong khi đó, một số hệ thống chống tăng của Nga còn bao gồm cả giá đỡ ba chân, khối điều khiển, khối thiết bị ngắm nên việc triển khai, thu hồi mất nhiều thời gian hơn.

 

Tuy nhiên, FGM-148 Javelin không phải là không có nhược điểm. Toàn bộ hệ thống nặng chừng 22,3kg được cho là khá nặng với lính bộ binh trong hành quân chiến đấu.

 

Đầu tự dẫn nhiệt ảnh cũng có nhược điểm, nếu trên chiến trường có 3 xe tăng cơ động, một chiếc bị bắn và bốc cháy sẽ tạo ra nguồn nhiệt lớn làm những quả đạn sau có thể bị thu hút và thay vì bắn vào mục tiêu tiếp theo, nó sẽ ngắm lại mục tiêu cũ. Ngoài ra, trước khi bắn đầu tự dẫn nhiệt ảnh trên tên lửa phải được làm lạnh từ 20-30 giây.

 

Vấn đề cuối cùng, hệ thống tên lửa Javelin có một cái giá quá đắt. Theo đó, khối điều khiển CLU có giá khoảng 125.000 USD (rất may có thể dùng lại nhiều lần), nhưng đạn tên lửa có giá lên tới 80.000 USD. Giá này đắt hơn gấp nhiều lần so với đạn tên lửa chống tăng của Nga.


(Kienthuc.net.vn)

Ý kiến bạn đọc