Italia trình làng chính phủ mới

06:44, 03/05/2013
|

Thủ tướng được chỉ định của Italia, Enrico Letta, đã trình làng thành phần chính phủ mới hoàn toàn khác so với những chính phủ trước đây. Đây là một nỗ lực của ông Letta nhằm mang lại sinh khí mới cho chính trường Italia.

Ông Enrico Letta, Phó Chủ tịch đảng Dân chủ Italia (PD), được Tổng thống tái nhiệm Giorgio Napolitano chỉ định làm Thủ tướng mới của Italia thay thế cho ứng viên Pier Luigi Bersani từ nhiệm ngay trước đó. Ông có trách nhiệm thành lập một chính phủ liên hiệp để chấm dứt những tháng ngày giằng co giữa các đảng phái chính trị.

Theo báo chí Italia, nội các chính phủ mới của ông Letta bao gồm thành phần khác hẳn trước đây, có đến 7 nữ bộ trưởng, đa số bộ trưởng đều trẻ tuổi và nhiều người xuất thân ngoài hệ thống chính trị.

Tuy tuổi đời còn khá trẻ, 47 tuổi (sinh năm 1966), Letta đã là một chính khách kỳ cựu trên chính trường, là người cũ của một đảng chính trị từng tạo nền tảng chính trị cho cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi. Ông lấy bằng tiến sĩ luật cộng đồng châu Âu trước khi tham gia lãnh đạo cánh thanh niên của đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo giai đoạn 1991-1995.

Khi ông Berlusconi tham gia chính trường vào năm 1994, đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo bị phân hóa và tách thành hai phe, Letta theo về phe của cựu Thủ tướng Romano Prodi, đối nghịch với ông Berlusconi. Letta làm việc trong Bộ Tài chính trong thời gian Italia chuẩn bị gia nhập khu vực đồng tiền chung euro, đến năm 1998 được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao khi tuổi đời còn rất trẻ, mới 32 tuổi - bộ trưởng trẻ tuổi nhất trong lịch sử Italia sau chiến tranh.

Sau chức Bộ trưởng Ngoại giao, Letta còn đảm nhận thêm chức Bộ trưởng Công nghiệp và Bộ trưởng Ngoại thương trước khi đảng trung tả của ông mất thế cầm quyền vào năm 2001. Khi đảng Dân chủ (PD) quay trở lại cầm quyền và ông Romano Prodi làm Thủ tướng Italia giai đoạn 2006-2008, Letta lại được trọng dụng, làm Thư ký nội các cho Thủ tướng.

Tham vọng chính trị đã thôi thúc Letta tham gia vào cuộc đua giành chức lãnh đạo đảng PD mới và nếm mùi thất bại, chỉ giành được 11% phiếu, nhưng đổi lại đã tạo được cơ sở chính trị quan trọng đầu tiên, là nền tảng ủng hộ cần thiết cho những cuộc đua tranh chính trị sau này. Năm 2009, Letta được bầu làm Phó chủ tịch đảng PD.

Với bề dày lý lịch như trên, Letta được xem là một chính khách kỳ cựu của hệ thống chính trị Italia. Nhưng Letta vẫn có những hành động thể hiện một phong cách chính trị mới. Những hành động tuy nhỏ, như việc ông tự lái xe đến Dinh Tổng thống Italia hôm 24/4 để nhận mệnh lệnh thành lập chính phủ từ Tổng thống Napolitano, đã đủ cho thấy ông khác so với những người trước đây, dám khước từ những đặc quyền dành cho Thủ tướng, như đi xe có tài xế riêng và có đội môtô hộ tống, những thứ chỉ khiến cho công chúng thấy chướng mắt và chán ghét giới chính trị tham nhũng, chỉ quen "nói nhiều hơn làm".

Sau cuộc bầu cử Quốc hội Italia cách đây 2 tháng, ai cũng nghĩ rằng người làm Thủ tướng Italia phải là Chủ tịch đảng PD Pier Luigi Bersani. Nhưng, nội bộ đảng PD đã chia rẽ từ lâu, và khi ông Bersani giới thiệu đến 2 ứng cử viên chức tổng thống Italia và cả 2 đều đã bị ngay chính các thành viên đảng PD gạt bỏ (chính vì thế ông Napolitano mới được bầu lại nhiệm kỳ thứ 2 ở tuổi 87, một trường hợp hy hữu trong chính trường Italia). Điều đó đã khiến ông Bersani cảm thấy bị bẽ mặt, tự ái nên đã từ chức Chủ tịch đảng PD ngay trước khi Tổng thống Napolitano chọn người giao trọng trách Thủ tướng Italia. Với tư cách Phó chủ tịch đảng PD, Letta đã được chọn thay ông Bersani.

Giới phân tích cho rằng, với tình hình chia rẽ nội bộ của đảng PD, bản thân ông Letta cũng sẽ gặp không ít khó khăn trong việc đưa ra các chính sách điều hành đất nước, nhất là chương trình cải cách chính trị toàn diện mà ông hứa sẽ thực hiện cho bằng được. Tuy nhiên, Letta cũng có được trợ lực quan trọng từ phía Tổng thống Napolitano, và điều trớ trêu là ông lại có được sự ủng hộ của đảng Nhân dân Tự do của ông Berlusconi - đối thủ chính trị của đảng PD và là người mà ông Bersani đã thề không hợp tác trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Có ý kiến cho rằng Letta sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi ý muốn của cá nhân ông Berlusconi khi chấp nhận hợp tác với đảng Nhân dân Tự do. Thực tế, để có được thỏa thuận thành lập chính phủ liên hiệp thỏa mãn yêu cầu của tất cả các đảng phái nhằm chấm dứt khủng hoảng chính trị, sớm đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế, ông Letta đã phải nhượng bộ khá nhiều và đã ưu ái dành cho đảng của ông Berlusconi nhiều vị trí bộ trưởng trong nội các mới, đồng thời cũng hứa với đảng này là sẽ hủy bỏ thuế nhà ở và hoàn trả lại tiền thuế đã thu của người dân trong năm 2012.

Đối với đất nước Italia, và châu Âu nói chung, việc ông Letta được chọn làm Thủ tướng là một tín hiệu tốt. Thủ tướng mới Letta đã đưa ra lời tuyên bố sẽ cải cách mạnh mẽ hơn nữa nền kinh tế Italia, cổ xúy, thúc đẩy việc đầu tư cho tăng trưởng sản xuất, kinh doanh, xem xét lại chính sách thắt lưng buộc bụng khắt khe đã khiến cho đời sống người dân Italia gặp nhiều khó khăn trong hơn một năm qua, làm chậm tiến trình hồi phục của nền kinh tế sau khủng hoảng nợ công.

Thực tế, việc áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng đã gây ra nhiều hệ lụy hơn là giúp Italia khắc phục được hậu quả khủng hoảng kinh tế. Vì thế, mọi người đều kỳ vọng ông Letta sẽ làm thay đổi chiều hướng đó để đưa Italia quay trở lại quỹ đạo phát triển, và cũng là cứu cho khu vực đồng euro khỏi phải lún sâu hơn vào khủng hoảng.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc