(VnMedia) - Một học giả Trung Quốc mới đây kêu gọi nước này nên tấn công nếu thấy rằng đó là biện pháp cần thiết để giải quyết những tranh chấp ở một số bãi cạn thuộc Biển Đông mà ông này nói là bị “các nước khác chiếm đóng”.
Philippines gần đây đã đưa tàu chiến ra đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông |
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây trên đài phát thanh ở Thượng Hải, ông Han Xudong – một giáo sư thuộc trường Đại học Quốc phòng thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa, đã đưa ra lời kêu gọi đầy hiếu chiến trên với lập luận rằng, rất khó để giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở khu vực thông qua quyền lực mềm như “vận động ngoại giao”. Vì thế, Trung Quốc “nên tấn công bất kỳ khi nào thấy cần thiết để chống lại mọi nỗ lực của các nước khác nhằm giành quyền kiểm soát những hòn đảo nhỏ đó”, giáo sư Han kêu gọi.
"Ngoại giao chỉ giành được lợi thế khi được hậu thuẫn bởi sức mạnh quân sự”, ông Han nói. Ông này thậm chí còn đặt câu hỏi, tại sao Trung Quốc không thể áp dụng động thái quân sự khi mà bãi cạn Second Thomas và bãi cạn Scarborough là “vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của Trung Quốc?” Bãi cạn Second Thomas (Trung Quốc gọi là Renai) vốn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và hiện do Philippines chiếm đóng. Sau khi chiếm bãi cạn Scarborough, Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động nhằm giành quyền kiểm soát nốt bãi cạn Second Thomas.
Giáo sư Han còn hung hăng cho rằng, vì sức mạnh hải quân của Trung Quốc bây giờ đã đủ để bảo vệ các lợi ích và quyền của quốc gia họ nên Trung Quốc nên áp dụng cả biện pháp quân sự và ngoại giao để đạt được mục đích.
Cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Philippines ở bãi cạn Second Thomas hồi tuần trước đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế sau khi Manila cáo buộc tàu chiến Trung Quốc lượn lờ quanh khu vực "một cách bất hợp pháp và đầy khiêu khích”.
Philippines sau đó đã phái tàu chiến của họ đến bãi cạn Second Thomas để đối phó với tàu Trung Quốc.
Theo lời giáo sư Han, Philippines từ lâu đã “thèm muốn các bãi cạn ở Biển Đông và đã giành quyền kiểm soát chúng kể từ sau khi nước này giành được động lập sau thế chiến II, đúng thời điểm Trung Quốc đang mắc kẹt trong một cuộc nội chiến và lực lượng hải quân của Trung Quốc không có sức mạnh”.
Thậm chí cho đến những năm 1980, Hải quân Trung Quốc vẫn yếu và những bãi cạn ở Biển Đông vẫn nằm ngoài tầm với của lực lượng này, ông Han cho biết.
Những gì ông Han nói ở trên cho thấy, Trung Quốc rõ ràng đã có sự chuẩn bị trong suốt thời gian nhiều thập kỷ qua trước khi nước này áp dụng chính sách hiếu chiến nhằm tìm cách độc chiếm khu vực Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên.
Kiệt Linh -
(theo CNA)
Ý kiến bạn đọc