Đáng sợ “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc

19:33, 13/05/2013
|

(VnMedia) - Bất kỳ khi nào Trung Quốc muốn xác định những thứ mà nước này coi là quan trọng đủ để họ có thể gây chiến nhằm giành giật bằng được về mình thì họ đều dùng đến cụm từ rất hay ho là “lợi ích cốt lõi”. 
 

 Ảnh minh họa

 Màn phô trương sức mạnh của Trung Quốc nhằm uy hiếp Nhật Bản ở biển Hoa Đông hôm 23/4 vừa rồi.


Cụm từ “lợi ích cốt lõi” ban đầu chỉ được giới hạn đối với vấn đề Vùng lãnh thổ Đài Loan – một hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng dùng vũ lực để hợp nhất vào đại lục. Cách đây khoảng 5 năm, giới lãnh đạo Trung Quốc đưa thêm vào “lợi ích cốt lõi” của họ hai vùng Tây Tạng và Tân Cương. Đây là hai tỉnh đang có phong trào đòi tự trị và khiến Bắc Kinh phải nỗ lực tìm cách củng cố quyền kiểm soát.
 
Sẽ không có gì đáng nói nếu như cái mà Bắc Kinh gọi là “lợi ích cốt lõi” của họ là Vùng lãnh thổ Đài Loan và hai tỉnh Tây Tạng, Tân Cương.
 
Người ta chỉ bắt đầu cảm thấy quan ngại và đáng sợ với cụm từ “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc khi phạm vi bao trùm của cụm từ đó đang bị kéo dài, mở rộng một cách quá đà, lấn sang cả lợi ích của các nước khác.

Vạch trần "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc 
 
Năm 2009, các quan chức Trung Quốc lần đầu tiên lên tiếng tuyên bố Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của họ. Kể từ đó, Bắc Kinh bắt đầu khuấy lên cùng lúc một loạt các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với các nước láng giềng ở vùng biển chiến lược này. Sau khi gây gổ với Philippines ở bãi cạn Scarborough, Trung Quốc tiếp tục quấy nhiễu, gây hấn với Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa. Mới đây nhất, Trung Quốc đưa tàu chiến đến áp sát bờ biển của Malaysia.
 
Trong một năm qua, Trung Quốc đã dùng rất nhiều hình thức từ phi quân sự đến bán quân sự và thậm chí là cả quân sự để uy hiếp, doạ dẫm các nước có tranh chấp với họ ở Biển Đông.
 
Trung Quốc đang ngày càng thực hiện nhiều bước đi hung hăng, ngang ngược nhằm thiết lập sự hiện diện thường xuyên, cố định ở những vùng tranh chấp như quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam hay bãi cạn Scarborough và một loạt đảo nhỏ, bãi đá, bãi san hô khác.

Trung Quốc liên tiếp đưa những đội tàu cá lớn đến đánh bắt hải sản phi pháp ở những vùng tranh chấp đồng thời triển khai tàu thuyền quân sự dưới vỏ bọc các tàu dân sự để quấy nhiễu, uy hiếp tàu thuyền của các nước khác. Cùng với đó, Trung Quốc cũng thường xuyên đưa lực lượng tàu vũ trang đi tuần tra vùng biển tranh chấp. Chưa hết, nước này cũng liên tục tổ chức các cuộc tập trận hải quân với sự tham gia của các tàu chiến nhằm phô trương sức mạnh.
 
Song song với những bước đi hiếu chiến kiểu như trên, Bắc Kinh cũng tiến hành một loạt các bước đi trên các mặt trận chính trị, kinh tế, văn hoá, ngoại giao... để nhắm tới một mục tiêu duy nhất là phá vỡ thế nguyên trạng hiện nay và dần độc chiếm Biển Đông. Có thể kể ra một số bước đi của Trung Quốc trong thời gian qua như thiết lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” có phạm vi quản lý bao trùm một loạt đảo lớn, đảo nhỏ và bãi đá của các nước láng giềng, ngấm ngầm tung các sản phẩm có in hình bản đồ đường lưỡi bò phi pháp của nước này vào thị trường của các nước có tranh chấp, đưa bản đồ sai trái nói trên vào hộ chiếu mới của họ hay gần đây là trắng trợn mở tour du lịch đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.....
 
Sau Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục mở rộng “lợi ích cốt lõi” sang biển Hoa Đông. Trung Quốc lần đầu tuyên bố về “lợi ích cốt lõi” mới này là vào hồi tháng trước khi các quan chức quân sự cấp cao hàng đầu của nước này có cuộc gặp với Tướng Martin Dempsey – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ ở thủ đô Bắc Kinh. Một ngày sau cuộc gặp trên, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – bà Hua Chunying đã phát biểu với các phóng viên rằng, “quần đảo Điếu Ngư là vấn đề liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Vì thế, tất nhiên, nó là thuộc lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”.
 
Và cũng giống tương tự như ở Biển Đông, Bắc Kinh đang có cuộc đối đầu quyết liệt và kéo dài với Tokyo vì tranh chấp một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và Nhật Bản gọi là Senkaku. Cuộc đối đầu này mỗi lúc một căng thẳng và tiềm ẩn ngày càng nhiều nguy cơ bùng nổ xung đột.
 
Mặc dù Nhật Bản đã nắm quyền kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hơn một thế kỷ nay nhưng Trung Quốc gần đây liên tiếp đòi chủ quyền đối với quần đảo này. Nước này thường xuyên phái tàu thuyền, trong đó có cả tàu vũ trang và máy bay đến vùng tranh chấp với Nhật Bản để tìm cách phá vỡ thế nguyên trạng ở đây. Kịch bản ở biển Hoa Đông không khác là mấy so với ở Biển Đông nhưng độ nóng và độ căng thẳng có vẻ cao hơn rất nhiều.
 
Trung Quốc từng chĩa radar điều khiển tên lửa về phía tàu khu trục và máy bay Nhật Bản. Mới đây nhất, hồi cuối tháng 4, Trung Quốc đưa số lượng tàu và máy bay chiến đấu lớn nhất từ trước đến nay đến vùng lãnh hải quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, khiến khu vực “nổi sóng dữ dội”.
 
Tất cả những hành động hung hăng, hiếu chiến nói trên của Trung Quốc trong thời gian qua ở Biển Đông và biển Hoa Đông đều được nước này thực hiện dưới quân bài “lợi ích cốt lõi”.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc