Trong một bài xã luận mới đây, báo Đài Loan China Post bình luận, Bắc Kinh đang chứng tỏ cho cả thế giới thấy một “Trung Quốc mới” – tự tin, quyết đoán và táo tợn hơn bao giờ hết. Và họ đã lập kế hoạch sẵn để gây hấn với các nước láng giềng.
Trong tranh chấp chủ quyền với Manila và Tokyo, Bắc Kinh kiên quyết giữ vững lập trường cứng nhắc và quyết đoán, tỏ rõ tham vọng đảo ngược nguyên trạng. Ngược lại, trong cuộc xung đột với Ấn Độ, Trung Quốc chọn cách xử lý thực dụng hơn.
Trung Quốc ngày càng táo tợn trong các xung đột với những nước láng giềng
Đối với tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc cáo buộc Nhật Bản phá vỡ nguyên trạng, thông qua việc quốc hữu hóa 3 hòn đảo từ chủ sở hữu tư nhân.
Tiếp đó, Trung Quốc nhanh chóng đưa ra hàng loạt kế hoạch rõ ràng đã được nghiên cứu, hoạch định trong một thời gian dài – trong đó có việc ráo riết tuần tra trên biển và trên không quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trung Quốc cũng trao cho Liên Hợp Quốc một hải đồ cũng như các tọa độ của đường ranh giới mà nước này tự vẽ.
Trong tranh chấp với Philipines ở bãi cạn Scarborough, Trung Quốc lập mưu cáo buộc Manila triển khai tàu hải quân tới vùng phụ cận hòng bắt giữ trái phép ngư dân nước này. Ngay sau cáo buộc, tàu tuần tra Trung Quốc nhảy vào can thiệp, với cái cớ ban đầu là đáp trả một động thái khiêu khích của Philipines.
Chưa hết, Bắc Kinh còn yêu sách buộc New Delhi dỡ bỏ đài quan sát tiền tiêu ở Chumar, với lý do nó có khả năng quan sát rõ các quốc lộ của Trung Quốc và có thể phát hiện các động thái chuyển quân ở đây.
Trước đó, tháng 6 năm ngoái, binh sĩ Ấn Độ đã bắt quả tang 2 người Trung Quốc nỗ lực cắt các đường dây cameras giám sát của Ấn Độ ở đài quan sát Chumar.
Trong khi đó, về phía Trung Quốc, Bắc Kinh bị cáo buộc, trong những thập kỷ qua không ngừng tăng cường cơ sở hạ tầng biên giới dọc theo đường ranh giới dài 4.000 km. Chỉ một vài năm gần đây, Ấn Độ mới có động thái tăng cường các cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới với Trung Quốc.
Tuy nhiên, rõ ràng với một vụ tranh chấp đã kéo dài hơn nửa thế kỷ, rất khó xác định bên nào gây gổ trước, bên nào chỉ đơn giản đáp trả. Khi Ấn Độ nỗ lực đảo ngược thế yếu hơn về mặt quân sự khi đối mặt với sự tăng cường cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở biên giới tranh chấp, Bắc Kinh rõ ràng thông qua việc ra yêu sách đòi New Delhi dỡ bỏ bất cứ gì cái gì mà họ đã dựng lên, muốn đảm bảo chiếm thế thượng phong trong bất cứ cuộc xung đột tương lai nào.
Cho đến thời điểm này, Trung-Ấn đã đạt được thỏa thuận chấm dứt bế tắc và rút binh sĩ của họ khỏi các khu vực đã chiếm đóng hôm 15/4 – ngày quân đội Trung Quốc lén lút triển khai cuộc xâm nhập sâu vào lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ.
Bề ngoài, người Trung Quốc bằng cách chấp thuận rút quân, có vẻ như đã chứng tỏ sự nhượng bộ. Trước đó, Bắc Kinh kiên quyết khẳng định, binh sĩ của họ chốt tại đường kiểm soát thực tế về phía Trung Quốc. Tuy nhiên, gần như không ai quan tâm đến những nhượng bộ của Ấn Độ, chẳng hạn phá hủy các công sự, thậm chí, dỡ bỏ đài quan sát Chumar.
Sau tất cả các khả năng có thể xảy ra, thỏa thuận vừa đạt được giữa Trung-Ấn được xem là bước dọn đường cho chuyến công du của Thủ tướng Lý Khắc Cường tới Ấn Độ vào ngày 20/5 tới. Chuyến công du của ông Lý rõ ràng rất quan trọng vì đây là lần đầu tiên ông này ra nước ngoài trên cương vị là tân Thủ tướng Trung Quốc. Mâu thuẫn Trung-Ấn liệu có nổi lên và trở nên căng thẳng trong tương lai nữa hay không có thể phụ thuộc ít nhiều vào các cuộc đàm phán sắp tới giữa Thủ tướng Lý và Thủ tướng Manmohan Singh.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã cho thấy họ sẽ đáp trả các động thái của Ấn Độ tại đường kiểm soát thực tế. Đây là một hình thức “ngoại giao phản động” mà Trung Quốc đã áp dụng rất hiệu quả. Rõ ràng, Trung Quốc đã tạo ra các chiến lược để ứng phó với nhiều tình huống khác nhau. Do đó, bất cứ ai “chơi” với Trung Quốc đều nên nhận thức rằng, trước bất cứ động thái nào, Bắc Kinh đều có thể đã lập sẵn các biện pháp đối phó hoàn chỉnh, rất đáng nể về mục tiêu, qui mô và cường độ.
Ý kiến bạn đọc