Bằng chứng chấn động về phe nổi dậy Syria

10:19, 07/05/2013
|

(VnMedia) - Một quan chức Liên Hợp Quốc hôm qua (6/5) tuyên bố, họ có bằng chứng chứng tỏ phe nổi dậy Syria đã dùng vũ khí hóa học. Đây sẽ là một tiết lộ chấn động trong bối cảnh phương Tây do Mỹ dẫn đầu đang ra sức cáo buộc quân của Tổng thống Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học chống lại người dân và đang định dùng cái cớ này để can thiệp vào cuộc nội chiến ở đất nước Trung Đông.

 

 Ảnh minh họa

 
Liên Hợp Quốc cho rằng, chính phe nổi dậy mới là lực lượng sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến ở đất nước Syria.


Phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây trên đài truyền hình Italia - Thụy Sỹ, bà Carla Del Ponte – một thành viên trong ủy ban của Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm điều tra những cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Syria, cho biết, có một số bằng chứng cho thấy phe nổi dậy đã sử dụng vũ khí hóa học.

 

"Theo những bằng chứng mà chúng tôi thu thập được, phe nổi dậy đã dùng đến vũ khí hóa học. Đó là chất sarin”, vị quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc cho biết.

 

Bà Del Ponte cho biết thêm, bằng chứng mà ủy ban của Liên Hợp Quốc có được là từ những lời kể của các nạn nhân, bác sĩ cũng như của các bệnh viện chiến trường ở những nước láng giềng xung quanh. Nữ quan chức Liên Hợp Quốc không cung cấp thông tin cụ thể về việc phe nổi dậy đã sử dụng khí độc sarin ở đâu và khi nào.

 

Tuy nhiên, bà Del Ponte – một cựu chưởng lý Thụy Sỹ và hiện đang là công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế, nói thêm rằng, cuộc điều tra về những cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Syria “còn lâu mới có kết luận cuối cùng”.

 

“Chúng tôi cần phải củng cố, điều tra sâu hơn nữa đồng thời xác minh và chứng thực những bằng chứng mới. Tuy nhiên, theo những gì mà chúng tôi điều tra được đến thời điểm này thì chính các phần tử đối lập với chính quyền Syria mới là lực lượng sử dụng khí độc sarin”, bà Del Ponte đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn.

 

Sarin là một loại khí cực kỳ độc hại đối với hệ thần kinh trung ương. Nó gây co giật rồi đến tử vong cho các nạn nhân hít phải thứ khí độc này. Sarin thường được dùng trong các cuộc chiến tranh hóa học. Chất độc Sarin lần đầu tiên được dùng cho mục tiêu quân sự là trong cuộc chiến tranh Iran–Iraq những năm 1980. Cuộc tấn công bằng khí độc sarin đáng sợ và được nhiều người biết đến nhất cho đến nay là do các thành viên của nhóm Aum Shinrikyo gây ra trên tàu điện ngầm Tokyo . Khi đó, đã có 13 người chết và hàng chục người bị thương.

 

Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc bắt đầu thành lập Ủy ban Quốc tế Độc lập về nước Cộng hòa Ả-rập Syria để điều tra về những cáo buộc vi phạm nhân quyền trong nước này từ hồi tháng 8 năm 2011. Bà Carla Del Ponte được bổ nhiệm làm Cao ủy của ủy ban trên vào tháng 9 năm ngoái.

 

Mỹ nghi ngờ bằng chứng của Liên Hợp Quốc?

 

Phản ứng trước bằng chứng chấn động mà Liên Hợp Quốc vừa đưa ra, các quan chức Mỹ hôm qua đã bày tỏ sự “hoài nghi sâu sắc” về thông tin phe nổi dậy sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến chống lại quân đội trung thành với Tổng thống Assad.

 

Phát ngôn viên Nhà Trắng – ông Jay Carney hôm qua phát biểu: “Chúng tôi cho rằng, khả năng cao là bất kỳ hành động sử dụng vũ khí hóa học nào đều là do chính quyền của ông Assad gây ra. Và đó vẫn là lập trường của chúng tôi.

 

Trong thời gian qua, chính phủ của Tổng thống Assad và phe nổi dậy thường xuyên đổ lỗi cho nhau đã sử dụng vũ khí hóa học.

 

Tháng trước, Nhà Trắng vừa tuyên bố, tình báo của họ dưới sự giúp đỡ của phe nổi dậy Syria đã thu thập được những bằng chứng chứng tỏ chính quyền của ông Assad sử dụng vũ khí hóa học ở quy mô nhỏ.

 

Cả ông Carney và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell hôm qua đều lên tiếng cho biết, Mỹ vẫn tin rằng, lực lượng trung thành với chính quyền Tổng thống Assad đứng đằng sau các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học.

 

“Bất kỳ vụ sử dụng vũ khí hóa học nào ở đất nước Syria đều có nhiều khả năng là do quân của ông Assad gây ra”, ông Ventrell đã nói như vậy tại một cuộc họp báo. Trong khi đó, một quan chức cấp cao khác của Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm, họ “không có thông tin gì” cho thấy phe nổi dậy “hoặc có khả năng hoặc có ý định sử dụng hay đã sử dụng loại vũ khí đó”.

 

Cuộc nội chiến ở Syria chứng kiến mâu thuẫn sâu sắc giữa hai phe cường quốc, một bên là phương Tây do Mỹ dẫn đầu và bên kia là Nga, Trung Quốc. Trong vấn đề vũ khí hóa học, hai phe này cũng có quan điểm đối lập với nhau.

 

Khi Mỹ tuyên bố có bằng chứng chứng tỏ chính quyền của ông Assad sử dụng vũ khí hóa học thì các quan chức Nga cũng ngay lập tức lên tiếng phản đối. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng nói, chính quyền Syria không thể sử dụng vũ khí hóa học bởi đó là một “cuộc tự sát chính trị” đối với họ.

 

Theo lời nhà ngoại giao hàng đầu của Nga, chính quyền Syria đang chuyển kho vũ khí hóa học của họ từ nhiều địa điểm khác nhau về hai khu vực “để đảm bảo nó được bảo vệ một cách nghiêm ngặt”.

 

Moscow cũng lên tiếng cảnh báo, phương Tây không được vin vào cái cớ vũ khí hóa học để can thiệp quân sự vào tình hình Syria .

 

Cũng giống như Nga, lần này khi Liên Hợp Quốc đưa ra thông tin về việc phe nổi dậy Syria sử dụng vũ khí hóa học, Mỹ cũng đã “nhảy dựng đứng” lên để phủ nhận và khăng khăng cho rằng, chỉ có khả năng là quân của ông Assad sử dụng đến thứ vũ khí hủy diệt đó. Rõ ràng, Nga và Mỹ vẫn đứng trên hai chiến tuyến đối lập trong cuộc chiến ở đất nước Syria .


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc