Trung Quốc triển khai số lượng tàu lớn chưa từng có

08:29, 24/04/2013
|

(VnMedia) - Căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á vì tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông lại có dịp bùng phát trở lại sau khi Trung Quốc triển khai một số lượng tàu lớn nhất trong nhiều tháng nay đến vùng tranh chấp để đối phó với đội tàu cũng hùng hậu không kém từ phía Nhật Bản.

 

 Ảnh minh họa

 Trong thời gian qua, tàu thuyền Trung Quốc và Nhật Bản thường xuyên có những cuộc vờn đuổi, gầm ghè nhau đầy căng thẳng trên vùng biển tranh chấp.


Một đội gồm 10 tàu chở theo khoảng 80 nhà hoạt động thuộc nhóm Ganbare Nippon (tạm dịch là Hãy cứng rắn, Nhật Bản) đã đi vào khu vực xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư buổi sáng ngày hôm nay (23/4). Mục đích của chuyến đi này được tuyên bố là để thăm dò các ngư trường đánh cá trong khu vực.

 

Đáp lại, Trung Quốc cũng đưa 8 tàu hải giám của mình ồ ạt đổ vào vùng lãnh hải của Nhật Bản gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là lần đầu tiên trong một ngày, Trung Quốc huy động số lượng tàu lớn như vậy đến khu vực kể từ khi Tokyo tiến hành mua lại 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9 năm ngoái, chính phủ Nhật Bản cho biết.

 

Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản xác nhận thông tin trên. Theo tuyên bố vừa được phát ra từ Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản, 8 tàu hải giám của Trung Quốc đã đi vào khu vực 12 hải lý của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư lúc khoảng 8h sáng nay theo giờ địa phương.

 

Trong khi đó, một phát ngôn viên hàng đầu của chính phủ Nhật Bản ghi nhận, đây là số tàu kỷ lục mà Trung Quốc triển khai trong một ngày ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư kể từ cuộc đối đầu giữa hai nước bùng phát dữ dội từ hối cuối năm ngoái đến giờ.

 

Trung Quốc tuyên bố, họ triển khai một loạt tàu như vậy là để giám sát các hoạt động của tàu thuyền Nhật Bản đang thực hiện một cuộc thăm dò các ngư trường đánh cá trong khu vực.

 

Trước sự có mặt của các tàu Trung Quốc, tàu thuyền của phía Nhật Bản sau đó đã rút đi theo lệnh của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển. 13 con tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đã đi theo bảo vệ và che chắn cho đội tàu chở các nhà hoạt động của nước này.

 

Trong suốt nhiều tháng qua, các tàu thuyền của nhà nước Trung Quốc thường xuyên và liên tục lượn lờ xung quanh 5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Gần đây, Trung Quốc thậm chí còn đưa cả máy bay đến bầu trời vùng tranh chấp.

 

Nhật phản ứng

 

Ngay sau khi 8 tàu hải giám Trung Quốc rầm rập đi vào khu vực tranh chấp, giới chức Nhật Bản đã ngay lập tức bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ, hãng thông tấn Kyodo cho biết.

 

"Đó là một hành động tồi tệ và không chấp nhận được khi tàu của chính phủ Trung Quốc liên tục xâm nhập vào vùng lãnh hải của Nhật Bản. Quần đảo Senkaku rõ ràng thuộc lãnh thổ của chúng tôi. Chúng tôi đã thể hiện sự phản đối quyết liệt ở cả Bắc Kinh và Tokyo ”, Tổng thư ký nội các Nhật Bản – ông Yoshihide Suga cho phóng viên biết.

 

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản nhanh chóng triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại thủ đô Tokyo – ông Cheng Yonghua đến để trao công hàm phản đối và yêu cầu tàu thuyền Trung Quốc ngay lập tức rút khỏi khu vực.

 

Vụ đối đầu giữa tàu thuyền hai nước ở vùng biển tranh chấp diễn ra chỉ một ngày sau khi Bắc Kinh bày tỏ sự tức giận trước việc một số quan chức cấp cao Nhật Bản đến thăm đền thờ chiến tranh.

 

Trò chơi “mèo vờn chuột”

 

Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản bắt đầu trở nên xấu đi nghiêm trọng từ hồi tháng 9 năm ngoái khi chính phủ Nhật mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ tay một người chủ sở hữu tư nhân.

 

Đã có một loạt những diễn biến, động thái căng thẳng diễn ra. Trong số những hành động làm leo thang căng thẳng trong khu vực là việc tàu thuyền hai nước Trung Quốc, Nhật Bản thường xuyên chơi trò “mèo vờn chuột” với nhau. Tàu chính phủ Trung Quốc liên tục xâm nhập vào khu vực, gầm ghè và vờn đuổi tàu thuyền Nhật Bản. Chưa hết, Trung Quốc còn phái máy bay, thậm chí là máy bay chiến đấu đến bầu trời trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khiến Nhật Bản nhiều lần phải ra lệnh cho chiến đấu cơ của mình cất cánh khẩn cấp để đối phó.

 

Cả hai nước đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư còn Nhật Bản gọi là Senkaku. Đây là khu vực được cho là giàu tài nguyên và có những tuyến đường biển quan trọng.

 

Tokyo hiện đang nắm quyền kiếm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhưng Bắc Kinh không chấp nhận điều này và đang tìm cách phá vỡ sự nguyên trạng ở đấy.

 

Để thực hiện mục tiêu trên, Trung Quốc thường xuyên cho tàu thuyền tiến hành các chuyến tuần tra định kỳ ở vùng biển tranh chấp. Và tất nhiên, các chuyến đi này đều vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Tokyo .

 

Sự thay đổi bộ máy lãnh đạo ở hai nước Trung Quốc và Nhật Bản cũng chẳng làm cho tình hình dịu đi. Thay vào đó, Trung Quốc dưới thời của Chủ tịch Tập Cận Bình và Nhật Bản dưới thời của Thủ tướng Shinzo Abe lại tỏ ra cứng rắn hơn và quyết liệt hơn trong cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông.

 

Cả ông Tập Cận Bình và ông Shinzo Abe đều thừa hưởng một tình hình cực kỳ phức tạp của cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Cuộc tranh chấp này có nguy cơ vượt ra khỏi tầm kiểm soát.

 

"Bất chấp việc chính phủ Trung Quốc và Nhật Bản đều khẳng định họ mong muốn tránh được một cuộc chiến tranh nhưng khả năng tình hình leo thang là rất cao và cả hai nước đều ngày càng bi quan về triển vọng tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông”, Nhóm Khủng hoảng Quốc tế đã đưa ra nhận định như vậy trong một bản báo cáo vừa được công bố trong tháng này.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc