Trung Quốc tiếp tục hung hăng ở Biển Đông

08:30, 18/04/2013
|

(VnMedia) - Đã tròn một tháng kể từ khi Trung Quốc tiến hành kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa 12, bầu ra bộ máy lãnh đạo mới, hoàn thành êm xuôi cú chuyển giao quyền lực 10 năm một lần. Nhiều người chờ đợi, hy vọng giới lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ làm dịu tình hình Biển Đông nhưng thực tế đi ngược lại với sự chờ đợi của họ. Sau kỳ họp Quốc hội, Trung Quốc vẫn tập trung các hoạt động quấy rối, gây nhiễu ở Biển Đông.

 

 Ảnh minh họa

 
Ông Tập Cận Bình trong chuyến đi thị sát đến Hạm đội Nam Hải hôm 9/4


Trước đó, hồi năm ngoái, Trung Quốc đã gây căng thẳng trên mọi mặt trận trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Về ngoại giao, nước này đã tìm cách gây cản trở đối với “Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông” tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 20 ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Về chính trị, Bắc Kinh tuyên bố Biển Đông là “lợi ích quốc gia then chốt” và là vấn đề “không thể đàm phán”. Về mặt quân sự, Trung Quốc lập đơn vị đồn trú ở đảo Phú Lâm với nhiệm vụ được giao là quản lý hơn 200 đảo lớn nhỏ và 2 triệu km vuông biển nằm trong phạm vi cái gọi là “đường 9 đoạn” ở Biển Đông. Đường 9 đoạn phi pháp được Trung Quốc đưa ra nhằm độc chiếm Biển Đông và nó đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của cộng đồng quốc tế. Theo “đường 9 đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò”, Trung Quốc đòi chủ quyền một cách phi lý đối với những vùng lãnh thổ, lãnh hải nằm sát biên giới các nước trong khu vực.

 

Tiếp tục chuỗi những hành động hung hăng, hiếu chiến ở Biển Đông trong suốt nhiều tháng qua, sau đại hội đảng, Trung Quốc đã “tung” thêm một loạt động thái nhằm từng bước tiến tới mục tiêu độc chiếm khu vực biển chiến lược và giàu tài nguyên này.

 

Trung Quốc tiếp tục gây “sóng gió” ở Biển Đông

 

Đáng chú ý, hồi đầu tháng 4 này, Trung Quốc đã tổ chức Diễn đàn Châu Á Bắc Ngao thường niên lần thứ 12 (BFA). Diễn đàn có sự tham gia của 2.500 nhà tư bản công nghiệp và cộng đồng kinh doanh đến từ hơn 30 quốc gia này diễn ra ở tỉnh Hải Nam . Đây là tỉnh tham gia tích cực vào các hoạt động quấy rối ở Biển Đông trong thời gian vừa qua. Việc Trung Quốc chọn tỉnh Hải Nam làm nơi diễn ra Diễn đàn Châu Á Bắc Ngao đã khiến cộng đồng quốc tế hoài nghi về ý đồ của nước này. Và Bắc Kinh đã không bỏ qua cơ hội để “vận động” vấn đề Biển Đông tại diễn đàn vắng mặt các nước có tranh chấp với họ.

 

Trong khi hội nghị diễn ra, Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố mở tuyến du lịch đến Hoàng Sa, bắt đầu từ tháng 5 tới. Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam và trong thời gian qua, Trung Quốc liên tiếp vi phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này. Hành động tuyên bố mở tuyến du lịch là bước đi xâm phạm chủ quyền mới nhất của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam . Ngay sau khi tuyên bố này được đưa ra, một loạt tờ báo quốc tế đã lên tiếng vạch trần âm mưu của Trung Quốc trong việc dùng “chiêu” phi quân sự để dần chiếm lĩnh Biển Đông. Tiếp đó, cũng tại diễn đàn Châu Á Bắc Ngao, Bắc Kinh thông báo, “một đội gồm 5 tàu giám sát hàng hải sẽ giám sát an toàn hàng hải, điều tra tai nạn hàng hải, phát hiện ô nhiễm và tiến hành các nhiệm vụ khác trong thời gian 24/24 khi diễn đàn Châu Á Bắc Ngao diễn ra”. Trung Quốc tuyên bố, đây là một phần trong cuộc tập trận an ninh trong khuôn khổ diễn đàn. Chưa hết, Trung Quốc còn cấm máy bay bay thấp trong khu vực nhưng không chỉ ra phạm vi rõ ràng.

 

Những bước đi trên của Trung Quốc là nhằm thể hiện rằng, việc họ quản lý các khu vực tranh chấp ở Biển Đông là “việc làm hiển nhiên”. Tuy nhiên, chẳng ai không nhận ra rằng, âm mưu của Bắc Kinh là ngang nhiên thực hiện các hành động phi pháp tại những vùng tranh chấp như là trên vùng đất, vùng biển của họ để dần phá vỡ sự nguyên trạng và tiến tới việc chiếm lĩnh những vùng đó.

 

Hôm 19/3, một đội gồm 4 tàu chiến và các tàu hỗ trợ do tàu đổ bộ Jinggangshan dẫn đầu đã tiến hành một chuyến đi biển kéo dài tới 8.000km ở khu vực Biển Đông và Tây Thái Bình Dương. Nhóm tàu trên đã đi đến các khu vực theo “đường lưỡi bò” nhằm thể hiện một cách trắng trợn tham vọng chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Cụ thể, đội tàu chiến của Trung Quốc đã ngang nhiên đi vào bãi cạn James – nơi cách Trung Quốc tới 1.800km và chỉ cách bờ biển Malaysia có 80km. Bãi cạn James rõ ràng nằm trong thềm lục địa của Malaysia. Các tàu của Trung Quốc còn tiến tới Đá Vành Khăn – khu vực nằm cách Trung Quốc cũng tới tận 1.800km và nằm hoàn toàn trong chủ quyền của Việt Nam . Trước khi trở về cảng, đội tàu của Trung Quốc còn tiến hành các cuộc diễn tập ngoài khơi xa ở khu vực Eo biển Bashi nằm giữa Philippines và Vùng lãnh thổ Đài Loan.

 

Tại bãi cạn James, Trung Quốc còn để các thủy thủ thực hiện lễ tuyên thệ trung thành với đất nước, “bảo vệ Biển Đông, duy trì chủ quyền quốc gia và phấn đấu xây dựng một đất nước Trung Quốc hùng mạnh”. Hành động này thể hiện sự hiếu chiến, kích động chủ nghĩa dân tộc. Chỉ huy đội tàu – Đô đốc Jiang Weillie thừa nhận, gần đây, những hoạt động tập trận, thề bồi kiểu như trên diễn ra thường xuyên hơn, từ mức “vài năm một lần đến mức vài lần một năm với mục đích là để xác lập sự hiện diện tích cực của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa ở Biển Đông. Ngoài ra, trong khuôn khổ cuộc tập trận, lực lượng thủy quân lục chiến Trung Quốc đã tham gia diễn tập các chiến dịch đổ bộ và tấn công tàu đối phương trên biển.

 

Nhiều nhà phân tích nhận định, những bước đi đầy bất thường trên đã phơi bày rõ tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc và nó cũng cho thấy, Trung Quốc đang tích cực đẩy mạnh việc thực hiện tham vọng này. Ông Gary Li - một nhà phân tích cấp cao ở IHS Fairplay, London, cho rằng việc đội tàu chiến Trung Quốc tiến tới những vùng biển cách xa nước này và sát bờ biển của nước khác ở Biển Đông để tập trận đã phát đi “một thông điệp mạnh mẽ đến bất ngờ” từ giới lãnh đạo Trung Quốc .

 

Bước đi mang tính biểu tượng cao nhất là chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Hạm đội Nam Hải hôm 9/4. Trong chuyến thăm thị sát đơn vị quân đội này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi binh lính chuẩn bị tốt hơn để sẵn sàng cho một cuộc đấu tranh quân sự. Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình được cho là cũng đã kêu gọi Hải quân khắc sâu trong tâm trí mục đích xây dựng một lực lượng quân đội mạnh. Ông này kêu gọi “thống nhất các mục đích cá nhân vào mục đích tối cao là xây dựng quân đội mạnh” và hải quân cần phải “nuôi dưỡng tinh thần chiến đấu”.

 

Kể từ khi lên cầm quyền từ hồi tháng 11 năm ngoái, ông Tập Cận Bình thường xuyên thực hiện các chuyến thăm, thị sát các đơn vị hải quân, không quân và lục quân. Lần nào, ông cũng kêu gọi quân đội sẵn sàng cho một cuộc chiến đấu.

 

Chuyến thị sát của ông Tập Cận Bình diễn ra chỉ một ngày sau khi ông này bất ngờ đến thăm các ngư dân thường xuyên làm việc ở các khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Động thái này được xem là một thông điệp mà ông Tập Cận Bình muốn gửi đến các nước láng giềng có liên quan đến tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc.

 

Các nhà phân tích nhận định, dưới thời ông Tập Cận Bình, Trung Quốc trở nên hung hăng và hiếu chiến hơn, đặc biệt trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

 

Nói tóm lại, Trung Quốc tiếp tục theo đuổi tham vọng độc chiếm Biển Đông, phối hợp tất cả các bộ ngành quân sự, chính trị và ngoại giao cùng thực hiện những hành động được lên kế hoạch từ trước. Tất cả đều nhằm để tiến dần tới việc chiếm các vùng lãnh thổ, lãnh hải đang nằm trong tranh chấp với các nước láng giềng. Quan trọng hơn, thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc đã thể hiện sự ủng hộ nhiệt thành cho báo giới lên tiếng về vấn đề tranh chấp bằng những bài viết thể hiện sự hung hăng, hiếu chiến chưa từng có và nước này cũng cho thấy họ tiếp tục theo đuổi chính sách “không đàm phán” về vấn đề liên quan đến đường 9 đoạn hết sức phi pháp của họ. Chính sách này được cho là sẽ hung hăng và hiếu chiến hơn theo thời gian bởi giới chính quyền Trung Quốc đã đẩy cuộc tranh chấp lên cao. Họ sợ, nếu quay về động thái dịu nhẹ sẽ bị đánh giá là yếu đuối và điều đó gây tổn hại đến hình ảnh của giới chức cầm quyền trong bối cảnh họ đang phải củng cố quyền lực ở giai đoạn đầu.


Kiệt Linh - (theo IDSA)

Ý kiến bạn đọc