Trung Quốc lần đầu tiết lộ cấu trúc quân đội

06:34, 17/04/2013
|

(VnMedia) - Trong bản Sách Trắng quốc phòng vừa được công bố ngày hôm qua (16/4), Trung Quốc đã lần đầu tiên công bố cấu trúc và các thành phần tạo nên Lực lượng Vũ trang của nước này, trong đó có cả lực lượng răn đe hạt nhân.

 

 Ảnh minh họa

 
Trung Quốc trong nhiều năm trở lại đây đang tăng cường củng cố sức mạnh quân sự


Đây là bản Sách Trắng quốc phòng thứ 8 của Trung Quốc kể từ năm 1998 nhưng đây là lần đầu tiên Bắc Kinh công khai các con số và những thông tin liên quan đến cấu trúc của Lực lượng Vũ trang nước này.

 

Theo Sách Trắng, Lực lượng Vũ trang Trung Quốc bao gồm Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA), Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân và Lực lượng dân quân.

 

Trong đó, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa bao gồm Không quân, Lục quân, Hải quân và Lực lượng Pháo binh Số 2 – thành phần nòng cốt trong sức mạnh răn đe hạt nhân của Trung Quốc.

 

Lục quân bao gồm 18 quân đoàn với tổng số binh lính lên tới 850.000 người. Số binh lính này được triển khai tại 7 Bộ Tư lệnh quân khu gồm Bắc Kinh, Thẩm Dương, Lan Châu, Tế Nam, Nam Kinh, Quảng Châu và Thành Đô.

 

Hải quân Trung Quốc bao gồm 3 hạm đội: Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Nam Hải với tổng số lính thủy là 235.000 quân.

 

Không quân Trung Quốc có tổng số 398.000 binh lính và tại mỗi Bộ Tư lệnh quân khu đều có một Bộ Chỉ huy không quân.

 

Lực lượng Pháo binh Số 2 chủ yếu bao gồm các lực lượng tên lửa thông thường và hạt nhân cùng với các đơn vị hỗ trợ chiến dịch. Lực lượng này chủ yếu “chịu trách nhiệm về việc ngăn chặn các nước sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Trung Quốc và tiến hành những cuộc phản công bằng hạt nhân hay các cuộc tấn công chính xác với tên lửa thông thường”, bản Sách Trắng quốc phòng của Trung Quốc đã viết như vậy.

 

Lực lượng Pháo binh Số 2 của Trung Quốc sở hữu một loạt tên lửa đạn đạo Đông Phong và tên lửa hành trình Trường Kiếm.

 

Theo Sách Trắng quốc phòng, “Trung Quốc ủng hộ một khái niệm an ninh mới dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau, cùng có lợi, bình đẳng và phối hợp với nhau đồng thời cùng theo đuổi an ninh toàn diện, an ninh chung và hợp tác an ninh”.

 

Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng nhấn mạnh, nước này đang phải đối mặt với “rất nhiều mối đe dọa an ninh phức tạp” và vì vậy, họ phải xây dựng quân đội mạnh để bảo vệ “sự thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích phát triển”.


Kiệt Linh - (theo RIA)

Ý kiến bạn đọc