(VnMedia) - Bày tỏ quan ngại trước sự xâm nhập của lính Trung Quốc vào vùng Ladakh, Bharatiya Janata Yuva Morcha (BJYM) (Mặt trận Thanh niên Nhân dân Ấn Độ) - một tổ chức chính trị có uy tín của Ấn Độ, đã lên tiếng kêu gọi chính phủ nước này hãy áp dụng hành động quân sự đối với nước láng giềng.
BJYM là một chi nhánh trẻ của Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP). BJYM là nơi tập hợp các thanh niên trẻ tài năng muốn cống hiến, giúp sức cho đất nước.
|
"Trung Quốc đang gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh và chủ quyền quốc gia của chúng ta. Chính phủ nên áp dụng hành động quân sự”, người đứng đầu BJYM - anh Ravinder Raina đã cho biết như vậy.
Tuy nhiên, Liên minh Tiến bộ thống nhất (UPA) của Ấn Độ, do đảng Quốc đại đứng đầu, đã đầu hàng trước Trung Quốc, Raina nói. “UPA đã hoàn toàn đầu hàng trước Trung Quốc và không có bất kỳ hành động nào nhằm chống lại họ”, Raina cáo buộc.
Thủ lĩnh của BJYM cho rằng, "đây là thời điểm thích hợp để thể hiện sức mạnh quân sự của chúng ta trước Trung Quốc".
Trước đó, hôm 15/4, một trung đội gồm 50 binh lính thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) đã xâm nhập vào khu vực Daulat Beg Oldi (DBO) ở phía đông Ladakh và dựng trại tại khu vực nằm sâu trong lãnh thổ Ấn Độ 10km.
Ngày hôm qua (25/4), Bắc Kinh tiếp tục nhấn mạnh, binh lính Trung Quốc không gây ra bất kỳ hành động “khiêu khích” nào bằng việc xâm phạm Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) đồng thời tuyên bố, lùm xùm hiện nay xung quanh cuộc tranh chấp lãnh thổ ở biên giới không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai nước hay phá vỡ hòa bình trong khu vực.
"Tôi không đồng ý với lời cáo buộc của các bạn cho rằng lính Trung Quốc đang khiêu khích ở khu vực biên giới. Binh lính của chúng tôi chưa bao giờ xâm phạm đường LAC. Trung Quốc, Ấn Độ là láng giềng với nhau và đường biến giới của chúng ta chưa được phân định”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying đã nói như vậy.
Mặc dù không thừa nhận sự xâm nhập của mình nhưng trong cuộc đối thoại với phía Ấn Độ gần đây, Trung Quốc đã đưa ra yêu cầu về việc quân đội Ấn Độ phải phá hủy những đồn lính của họ ở khu vực tranh chấp phía đông Ladakha làm điều kiện để PLA hạ trại và rút quân.
Các nguồn tin đáng tin cậy cho biết, cuộc gặp gỡ thứ hai ở cấp thiếu tướng giữa Trung Quốc và Ấn Độ hôm 23/4 đã thất bại sau khi Trung Quốc đưa ra điều kiện trên và phía Ấn Độ không chấp nhận. Vì thế, cuộc khủng hoảng ở khu vực biên giới Trung-Ấn hiện nay đang rơi vào bế tắc. Binh lính Trung Quốc tiếp tục cắm chốt ở khu vực nằm sâu trong lãnh thổ Ấn Độ 10km. Trong khi đó, New Delhi cũng dựng trại ở khu vực đối diện cách đó 300m. Đây là một tình huống giáp mặt ẩn chứa nhiều nguy cơ.
Gần đây, máy bay Trung Quốc còn xâm phạm sâu vào không phận Ấn Độ. Thậm chí, trực thăng quân sự Trung Quốc còn ngang nhiên lượn lờ trên đầu một căn cứ quân sự nước này. Mặc dù miêu tả tình hình hiện nay ở khu vực biên giới là cuộc “đối mặt trực diện” nguy hiểm, nhưng New Delhi vẫn bày tỏ hy vọng tìm được một giải pháp hòa bình.
Quan hệ giữa hai nước láng giềng đồng thời là hai siêu cường mới nổi của Châu Á, Ấn Độ-Trung Quốc rất phức tạp.
Tuy nhiên, Trung Quốc và Ấn Độ lại có mối quan hệ kinh tế đang phát triển mạnh mẽ. Thương mại song phương giữa hai nước phát triển với tốc độ chóng mặt, với giá trị trao đổi thương mại từ mức 3 tỉ USD cách đây một thập kỷ nhảy vọt lên mức 75,5 tỉ USD hàng năm hiện nay. Theo dự đoán, đến năm 2015, giá trị trao đổi thương mại hai chiều Trung-Ấn sẽ leo lên con số 100 tỉ USD, tăng gần gấp đôi so với con số 66,4 tỉ USD đạt được năm 2012.
Ý kiến bạn đọc