Triều Tiên: Thêm đòn "tăng nhiệt" với hàng xóm

08:21, 05/04/2013
|

(VnMedia) - CHDCND Triều Tiên đã chuyển một tên lửa có “tầm bắn đáng kể" đến bờ biển phía đông của nước này. Động thái quân sự mới nhất của Bình Nhưỡng đang khiến Hàn Quốc và Nhật Bản “nín thở” vì lo lắng bởi hai nước này nằm trọn trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên.

 

Ảnh minh họa
(Ảnh minh họa)


Thông tin gây giật mình trên được đưa ra vài giờ sau khi quân đội Triều Tiên lớn tiếng cảnh báo, họ đã nhận được sự phê chuẩn cho kế hoạch tấn công vào Mỹ bằng vũ khí hạt nhân “nhỏ hơn, nhẹ hơn và đa dạng hóa hơn”. Đây là lời cảnh báo mới nhất trong một loạt những lời cảnh báo sắc lạnh mà Bình Nhưỡng “tung” ra trong thời gian gần đây nhằm vào Mỹ. Diễn biến này không khỏi khiến Mỹ lo ngại trong bối cảnh Triều Tiên được cho là đang đạt được những tiến bộ nhất định trong công nghệ vũ khí hạt nhân.

 

Theo báo chí Nhật Bản đưa tin, tên lửa mà Triều Tiên triển khai ở bờ biển phía đông là loại tên lửa KN-08. Đây là tên lửa tầm xa có thể bắn đến lãnh thổ Mỹ nếu nó hoạt động được.

 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc - ông Kim Kwan-jin đã bác bỏ thông tin trên. Ông này nói với các nghị sĩ tại một cuộc họp của ủy ban quốc hội rằng, tên lửa mà Bình Nhưỡng đưa đến bờ biển phía đông là một loại có “tầm bắn tương đối” nhưng không đủ để chạm tới lục địa Mỹ.

 

Theo miêu tả về tầm bắn của tên lửa Triều Tiên mà Bộ trưởng Kim đưa ra thì có nhiều khả năng, đó là tên lửa di động Musudan. Tên lửa loại này có tầm bắn 3.000km. Như vậy, cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều có thể là mục tiêu tiềm năng của tên lửa Triều Tiên. Người ta không rõ độ chính xác của tên lửa Musudan ở mức độ nào.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Kim Kwan-jin cho hay, ông không biết lý do gì khiến Triều Tiên đưa một tên lửa có "tầm bắn đáng kể" đến khu vực bờ biển. Có thể, tên lửa đó “được dùng cho một cuộc thử nghiệm hoặc một cuộc tập trận”, ông Kim phỏng đoán.

 

Các chuyên gia cho biết, Triều Tiên chưa chứng minh được nước này sở hữu tên lửa tầm xa hoặc tên lửa có độ chính xác cao. Một số tỏ ra hoài nghi về những tên lửa tầm xa mà Bình Nhưỡng trưng ra tại một cuộc diễu binh hồi năm ngoái. Họ cho rằng, đó rất có thể là những mô hình giả.

 

"Theo như tôi biết về kho vũ khí hiện nay của Triều Tiên thì nước này đang sở hữu những tên lửa tầm ngắn và tầm trung có khả năng làm phức tạp tình hình trên bán đảo Triều Tiên (và có lẽ là có thể vươn tới Nhật Bản). Tuy nhiên, tôi chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy, Triều Tiên có tên lửa tầm xa có thể bắn tới lục địa Mỹ, Guam hoặc Hawaii," ông James Hardy – Tổng biên tập của tờ tạp chí IHS Jane's Defence Weekly, đã viết như vậy trong một bài phân tích gần đây.

 

Triều Tiên không định gây xung đột toàn diện


Theo đánh giá của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin, Triều Tiên không có ý định phát động một cuộc xung đột toàn diện. Nếu Triều Tiên chuẩn bị cho một cuộc xung đột toàn diện thì sẽ phải có những dấu hiệu như việc huy động một số đơn vị quân đội, trong đó có việc huy động quân bổ sung và tiếp viện. Tuy nhiên, các quan chức quân sự Hàn Quốc không phát hiện ra bất kỳ dấu hiệu nào như thế, ông Kim cho biết.

 

"Những đe dọa của Triều Tiên vẫn chỉ là những đe dọa trên lời nói. Tôi tin, khả năng xảy ra một chiến dịch khiêu khích toàn diện là nhỏ", Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc cho hay. Tuy nhiên, ông này cũng nói thêm rằng, vẫn có khả năng Triều Tiên tiến hành những hành động khiêu khích trên quy mô nhỏ, ở cấp địa phương nhằm vào Hàn Quốc. Điều này đã từng xảy ra năm 2010 khi Triều Tiên bắn cơn mưa đạn pháo vào một hòn đảo của Hàn Quốc khiến 4 người thiệt mạng.

 

Bình Nhưỡng luôn thể hiện sự tức giận cao độ trước mỗi cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc. Việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua một gói biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên cùng với hai cuộc tập trận rầm rộ chung Mỹ-Hàn gần đây đã khiến cho Bình Nhưỡng nổi giận thực sự. Ngoài những lời đe dọa, cảnh báo, Triều Tiên cũng đã có một loạt động thái quân sự đáng lo ngại như hủy bỏ hiệp ước đình chiến, ra lệnh các đơn vị tên lửa vào vị trí chiến đấu, họp an ninh khẩn thông qua kế hoạch tấn công Mỹ....

 

Các nhà phân tích nhận định, những hành động gây chú ý của Bình Nhưỡng trong thời gian qua có thể là nỗ lực của nước này nhằm buộc Hàn Quốc phải có chính sách mềm dẻo hơn với họ đồng thời buộc Washington ngồi vào bàn đàm phán với họ. Ngoài ra, Triều Tiên cũng muốn thông qua những bước đi cứng rắn gần đây để củng cố hình ảnh cho Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un.

 

Mặc dù những lời đe dọa đáng sợ của Triều Tiên vẫn chỉ là trên lời nói nhưng đôi khi nước này cũng có những hành động thực sự. Hôm nay (4/4), Triều Tiên được cho là đã chặn không cho người Hàn Quốc vào làm việc tại các nhà máy trong khu công nghiệp chung ở thành phố Kaesong . Một ủy ban của chính phủ Triều Tiên còn đe dọa sẽ rút các công nhân nước này ra khỏi khu công nghiệp Kaesong . Trước đó, hôm 2/4, Bình Nhưỡng đã thông báo sẽ tái khởi động một lò phản ứng hạt nhân mà nước này đã đóng cửa cách đây 5 năm. Lò phản ứng này có thể sản xuất pluton cho bom nguyên tử.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc