(VnMedia) - Giới lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc có lẽ đã không thể ngồi yên trước tình trạng căng thẳng ngày một leo thang ở ngay trước cửa ngõ nước này. Tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 7/4 đã ngầm chỉ trích Triều Tiên - nước láng giềng cũng đồng thời là đồng minh của mình, về việc đã khuấy đảo căng thẳng khu vực. Ông này tuyên bố, không nước nào được phép đẩy khu vực vào sự hỗn loạn. Cùng với đó, Ngoại trưởng Trung Quốc cũng cảnh báo, Bắc Kinh sẽ không cho phép bất kỳ hành động gây rối nào xảy ra ngay trước cửa ngõ của họ.
Binh lính Triều Tiên tập bắn ở khu vực biên giới
Trong một phát biểu gián tiếp nhưng rõ ràng là ám chỉ đến cuộc khủng hoảng Triều Tiên, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng, hòa bình thế giới không nên bị đặt vào tình trạng nguy hiểm vì bất kỳ một nước riêng lẻ nào.
“Không ai được phép ném khu vực và thậm chí là toàn bộ thế giới vào vòng hỗn loạn vì lợi ích riêng ích kỷ của bản thân”, ôngTập Cận Bình đã nói như vậy trong một bài phát biểu trước diễn đoàn kinh doanh hàng năm ở Boao. Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình không chỉ đích danh bất kỳ nước nào hay bất kỳ cuộc khủng hoảng nào nhưng trong một phát biểu riêng rẽ khác, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhắc lại “sự quan ngại sâu sắc” của họ trước tình hình căng thẳng leo thang một cách đáng báo động trên bán đảo Triều Tiên.
Những phát biểu trên của ông Tập Cận Bình được cho là phản ứng mạnh mẽ nhất của phía Trung Quốc kể từ khi cuộc khủng hoảng Triều Tiên nổ ra hơn một tháng nay. Cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc – ông Jon Huntsman nhận định, lời cảnh báo của Chủ tịch Tập Cận Bình là chưa từng có trước đây.
"Tôi đã theo dõi sự bực tức của giới lãnh đạo Trung Quốc với Triều Tiên trong nhiều năm qua và những phát biểu chưa từng có của ông Tập Cận Bình cho thấy, lãnh đạo Trung Quốc có thể đang chạm tới mức sôi 212 độ", ông Huntsman đã nói như vậy trên CNN.
Phương Tây tin rằng, Trung Quốc đang ngày càng mất kiên nhẫn và khó chịu với Bình Nhưỡng.
Bắc Kinh đã đồng ý để Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua gói lệnh trừng phạt hà khắc hơn nhằm vào Triều Tiên và cho biết họ muốn những biện pháp này được thực hiện. Gói lệnh trừng phạt mới thắt chặt thêm sự kiểm soát về tài chính đối với Triều Tiên, tăng cường kiểm soát các chuyến hàng đáng nghi ngờ ra vào Triều Tiên đồng thời cấm đưa hàng hóa xa xỉ vào nước này.
"Chúng tôi phản đối những lời nói và hành động khiêu khích từ bất kỳ phía nào trong khu vực và không cho phép ai gây rối ở ngay trước cửa ngõ của Trung Quốc”, Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết.
Hôm qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc” trước tình hình căng thẳng leo thang trong khu vực và yêu cầu Bình Nhưỡng “phải bảo đảm an toàn cho các nhà ngoại giao Trung Quốc đang làm việc ở Triều Tiên theo đúng Công ước Vienna cũng như luật pháp và thông lệ quốc tế”.
Trung Quốc hết kiên nhẫn nhưng không thể làm gì với Triều Tiên?
Hầu hết các chuyên gia đều tin rằng, Trung Quốc sẽ không bỏ rơi Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nhưng rõ ràng, Bắc Kinh đang mất hết kiên nhẫn với Bình Nhưỡng sau nhiều năm mất nhiều công sức, tâm huyết mà không thể thay đổi được đồng minh của họ.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John McCain, một thành viên của Ủy ban Vũ trang Thượng viện Mỹ, hôm qua đã liên tiếng chỉ trích Trung Quốc về việc đã “không kiểm soát được tình hình nguy hiểm” hiện nay ở bán đảo Triều Tiên. Ông McCain cho rằng, Bắc Kinh có thể tăng cường áp lực bằng cách sử dụng ảnh hưởng của nước này đối với nền kinh tế Triều Tiên.
"Cách hành xử của Trung Quốc thật rất đáng thất vọng. Đã hơn một lần, chiến tranh được châm ngời bởi những hành động bột phát, tình cờ và tình hình bán đảo Triều Tiên hiện rất nghiêm trọng”, ông McCain đã nói như vậy trên chương trình “Face the Nation” của đài truyền hình CBS.
Rõ ràng, phương Tây rất mong chờ và đặt nhiều hy vọng vào hành động của Trung Quốc bởi nước này được tin là nước duy nhất có ảnh hưởng đủ lớn với chính quyền Triều Tiên. Trung Quốc là đồng minh chính trị thân thiết nhất cũng là nhà tài trợ, đối tác kinh tế lớn nhất của Triều Tiên.
Tuy nhiên, bất chấp sức ép ngày một tăng lên của các cường quốc đòi hỏi Trung Quốc phải hành động với đồng minh cũng là nước láng giềng của nước này, Bắc Kinh vẫn chỉ dừng lại ở những phát biểu, chỉ trích có phần mạnh mẽ hơn trước. Trên thực tế, Bắc Kinh không dám có những hành động chọc giận chính quyền của ông Kim Jong Un. Triều Tiên là vùng đệm an toàn chiến lược và vô cùng quan trọng của Trung Quốc. Một Triều Tiên bất ổn sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn cho Trung Quốc. Đây là lý do giải thích cho hành động cầm chừng của Bắc Kinh trước Bình Nhưỡng.
Trung Quốc cũng hiểu rất rõ, tình hình Triều Tiên đặc biệt nhạy cảm dưới thời của Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un. Ông Kim Jong Un tỏ ra là một vị tổng chỉ huy quyết liệt, mạnh tay, táo bạo và khó lường. Bản thân Mỹ cũng cảm nhận được điều đó. Đây là lý do khiến Mỹ phải tuyên bố từ bỏ một vụ thử tên lửa để làm dịu tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Ý kiến bạn đọc