(VnMedia) - Bình Nhưỡng hôm qua (16/4) lại “tung” ra những lời đe dọa mới, trong đó nước này tuyên bố sẽ giáng “đòn búa tạ” để trả đũa nếu Hàn Quốc không xin lỗi về những cuộc biểu tình chống Triều Tiên diễn ra hôm 15/4 khi Bình Nhưỡng tiến hành kỷ niệm ngày sinh nhật của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành.
|
Trước đó, hôm 15/4, chính quyền của Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un đã đem lại hy vọng về một sự giải tỏa căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên khi không tiếp tục đưa ra thêm những lời đe dọa đáng sợ nào như những ngày trước đó.
Tuy nhiên, một ngày sau (tức là hôm qua – 16/4), quân đội Triều Tiên đã ra tối hậu thư cho Hàn Quốc yêu cầu nước này phải xin lỗi về các hành động chống lại Triều Tiên. Cụ thể, đúng dịp kỷ niệm sinh nhật cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, tại Hàn Quốc đã diễn ra những cuộc biểu tình trong đó người ta đốt chân dung của các nhà lãnh đạo Triều Tiên.
"Hành động trả đũa của chúng tôi sẽ bắt đầu ngay từ bây giờ mà không cần phải thông báo trước”, hãng thông tấn KCNA dẫn lời các nhà lãnh đạo quân sự của Triều Tiên cho biết.
Sau tối hậu thư trên, Bình Nhưỡng tiếp tục đe dọa sẽ trả đũa bằng những “đòn búa tạ” nếu Seoul không xin lỗi họ.
Ngoài đe dọa nước láng giềng Hàn Quốc, Triều Tiên cũng bác bỏ đề nghị đàm phán của Mỹ. Bộ Ngoại giao Triều Tiên miêu tả đó là “âm mưu xảo quyệt” khi vừa đưa ra đề xuất đàm phán vừa triển khai các loại vũ khí có thể tấn công hạt nhân vào nước họ.
"Chúng tôi không phản đối đối thoại nhưng chúng tôi sẽ không bẽ mặt ngồi vào bàn đàm phán theo sự chỉ đạo của những đối thủ đang nhăm nhe giơ ra cây gậy hạt nhân”, một phát ngôn viên giấu tên của Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã nói như vậy trong tuyên bố được đăng tải trên KCNA.
Trước đó, khi đến thăm Seoul hồi tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã phát biểu, Washington để ngỏ khả năng đàm phán với Bình Nhưỡng với điều kiện các cuộc đàm phán này sẽ dẫn đến việc xóa bỏ kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Không chỉ bác bỏ lời đề nghị đàm phán của Mỹ, chính quyền của Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un cũng thẳng thừng khước từ đề xuất đối thoại của nữ Tổng thống Hàn Quốc. Một phát ngôn viên của Ủy ban Thống nhất Hòa bình Triều Tiên cho rằng, đề xuất của bà Park thực chất cũng chỉ là một “thủ đoạn xảo quyệt”.
Tia hy vọng
Tuy nhiên, trong một loạt những lời đe dọa được đưa ra ngày hôm qua của chính quyền Triều Tiên cũng có một tia hy vọng lóe lên. Song song với những phát biểu cứng rắn mới nhất, Bình Nhưỡng cũng đã đưa ra khả năng ngồi vào bàn đàm phán.
"Nếu giới chức bù nhìn muốn đối thoại và đàm phán, họ nên xin lỗi về tất cả những hành động thù địch lớn nhỏ nhằm chống lại Triều Tiên đồng thời thể hiện với người đồng xứ thiện chí của họ trong việc chấm dứt tất cả những hành động kiểu như vậy”, hãng thông tấn KCNA dẫn lời quân đội Triều Tiên cho biết.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc sau đó đã phát biểu tại một cuộc họp báo rằng, tối hậu thư mà Bình Nhưỡng đưa ra không đáng là câu trả lời và Seoul đang chờ đợi Bình Nhưỡng đưa ra “một quyết định khôn ngoan”.
Tia hy vọng về khả năng ngồi vào bàn đàm phán của Triều Tiên không chỉ xuất hiện trong câu trả lời của nước này cho đề xuất đàm phán của Tổng thống Park Geun-hye mà còn ẩn chứa đâu đó trong phản ứng đối với đề xuất của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mới đây. Cụ thể, Bình Nhưỡng tuyên bố, họ không phản đối đối thoại mà chỉ phản đối việc họ bị buộc ngồi vào đàm phán theo sự chỉ đạo của Mỹ.
Theo kế hoạch dự kiến, nữ Tổng thống Hàn Quốc sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng vào ngày 7/5 tới để thảo luận về các vấn đề an ninh, kinh tế, trong đó có việc “chống lại mối đe dọa từ Triều Tiên”, Nhà Trắng cho biết.
Trong lúc này, giới chức quân sự Mỹ tin rằng, Triều Tiên có thể sẽ tiến hành phóng thử tên lửa trong thời gian sắp tới nhưng nước này cũng sẽ tìm cách làm dịu tình hình.
Bất chấp Triều Tiên trong mấy tuần qua liên tiếp “tung” ra những lời đe dọa, cảnh báo cùng với những động thái quân sự gây giật mình, khiến bán đảo Triều Tiên “sôi sùng sục”, hầu hết các nhà phân tích đều tin rằng, nước này không hề có ý định đẩy khu vực vào một cuộc chiến tranh thực sự. Mục đích gây sóng gió của Bình Nhưỡng chỉ là nhằm để củng cố vị thế và quyền lực của Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un đồng thời để buộc Hàn Quốc có chính sách mềm dẻo hơn đối với nước này. Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng muốn Mỹ phải đàm phán trực tiếp với họ và tìm kiếm một hiệp ước hòa bình, chính thức kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953.
Ông Kim Jong Un được cho là đang rất muốn ký được một hiệp ước hòa bình với Mỹ và Hàn Quốc để ghi dấu ấn cho bản thân trong thời kỳ ông này nắm quyền lãnh đạo đất nước. Nếu đạt được một hiệp ước hòa bình, đây sẽ là thành tích đột phá của ông Kim Jong Un bởi cả ông và cha của vị Tổng chỉ huy trẻ tuổi này đều không thể làm được điều đó.
Ý kiến bạn đọc