Thế giới nín thở theo dõi tên lửa Triều Tiên

08:15, 15/04/2013
|

(VnMedia) - Tất cả mọi con mắt dường như đều đang đổ dồn vào Triều Tiên để xem liệu nước này có kỷ niệm ngày sinh nhật của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành bằng một vụ phóng tên lửa mới trong ngày hôm nay (15/4) hay không.

 

 Ảnh minh họa

 (Ảnh minh họa)


Bình Nhưỡng vốn có “truyền thống” tiến hành các vụ thử nghiệm vũ khí vào những ngày diễn ra các sự kiện quan trọng của nước này nhằm tăng thêm sự chú ý của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước đang đối đầu với họ như Mỹ, Hàn Quốc. Năm ngoái, lễ mừng sinh nhật lần thứ 100 của Chủ tịch Kim đã được đón chào bằng một vụ thử nghiệm tên lửa tầm xa nhưng vụ thử này đã thất bại.

 

Giới tình báo Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã đưa hai tên lửa tầm trung lên bệ phóng từ gần một tuần nay và sẵn sàng bắn đi bất kỳ lúc nào. Giới chuyên gia và phân tích đang tập trung vào khả năng, Bình Nhưỡng sẽ tiến hành phóng tên lửa trong ngày hôm nay – 15/4, đúng dịp kỷ niệm sinh nhật cố Chủ tịch Kim Nhật Thành – người sáng lập ra đất nước Triều Tiên và cũng là ông của Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un.

 

Sự kiện chào mừng ngày sinh nhật của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành hôm nay chắc chắn sẽ có màn phô trương sức mạnh quân sự bằng một cuộc diễu binh lớn. Bình Nhưỡng thường nhân dịp này “khoe” các vũ khí của họ trước thế giới.

 

Vũ khí mà Bình Nhưỡng được cho là sẽ đem là “khoe” trong dịp này là tên lửa Musudan – một loại tên lửa tầm trung hiện đại có tầm bắn lên tới 4.000km. Với tầm bắn xa như vậy, tên lửa Musudan có thể bao phủ toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc, Nhật Bản và thậm chí có thể nhắm tới mục tiêu ở tận đảo Guam ở Thái Bình Dương của Mỹ.

 

Trước dự đoán trên, cả thế giới giờ này dường như đang đổ mọi con mắt về phía Triều Tiên, nín thở chờ đợi từng động thái nhỏ nhất diễn ra ở khu thử tên lửa của nước này. Nếu Triều Tiên phóng một quả tên lửa tầm trung trong ngày hôm nay thì căng thẳng trong khu vực sẽ tiếp tục bùng phát.

 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang có chuyến công du cấp tập đến Châu Á nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân đang leo thang nghiêm trọng ở bán đảo Triều Tiên. Sau khi ở thăm Trung Quốc và Hàn Quốc, ông Kerry hiện đang có mặt ở Nhật Bản. Khi ở thủ đô Seoul, ông Kerry đã cảnh báo, một vụ phóng tên lửa mới của Triều Tiên sẽ là một “sai lầm to lớn”.

 

Bán đảo Triều Tiên đã rơi vào một “cơn sóng gió” đáng sợ kể từ khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba hồi tháng 2 vừa rồi. Bị “chọc tức” bởi các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc và hai cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, chính quyền của Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Ung trong mấy tuần nay liên tiếp “tung” ra những lời đe dọa về một cuộc chiến tranh hạt nhân hay một cuộc tấn công bằng tên lửa.

 

Trong chuyến thăm đến Seoul, Bắc Kinh và Tokyo, Ngoại trưởng Kerry đã thể hiện một lập trường cứng rắn trước những lời đe dọa, cảnh báo mà ông miêu tả là “không thể chấp nhận được” từ phía Triều Tiên. Tuy nhiên, nhà ngoại giao hàng đầu của nước Mỹ cũng tìm cách “hạ nhiệt” căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bằng cách ủng hộ một cuộc đối thoại với Bình Nhưỡng. Ông Kerry cho biết, Mỹ sẵn sàng chìa tay ra với Triều Tiên.

 

Ngoại trưởng Kerry kêu gọi ông Kim Jong Un đưa đất nước Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán. “Chúng tôi sẵn sàng chìa tay nhưng chúng tôi cần thời điểm thích hợp, hoàn cảnh thích hợp”, ông Kerry hôm qua đã nói như vậy.

 

Ở thủ đô Seoul, ông Kerry đã khen ngợi đề xuất đối thoại mà tân Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đưa ra chophía Bình Nhưỡng. Bà Park tuyên bố, Seoul để ngỏ khả năng đối thoại và sẵn sàng “lắng nghe những gì Triều Tiên nghĩ”.

 

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã ngay lập tức có câu trả lời tiêu cực trước đề xuất đối thoại của nữ Tổng thống Hàn Quốc. Một phát ngôn viên của Ủy ban Thống nhất Hòa bình Triều Tiên cho rằng, đề xuất của bà Park thực chất chỉ là một “thủ đoạn xảo quyệt”.

 

Một số nhà phân tích tin rằng, Bình Nhưỡng sẽ chưa dịu lại khi chưa đạt được mục đích của họ. Thứ mà chính quyền Kim Jong Un muốn là một chính sách mềm dẻo hơn đối với họ từ phía Hàn Quốc, một hiệp ước hòa bình kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953, và một cuộc đàm phán trực tiếp với Mỹ.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc