(VnMedia) - Theo báo chí Trung Quốc, hai tàu khu trục tên lửa Lanzhou và Hengshui thuộc Hạm đội Nam Hải của nước này vừa đi qua Eo biển Miyako vào biển Hoa Đông tối hôm thứ Ba (16/4) để thực hiện chuyến tuần tra trong khuôn khổ một cuộc tập trận.
|
Hai chiếc tàu chiến của Trung Quốc đã thực hiện tuần tra vùng lãnh hải gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trong buổi sáng ngày hôm qua (17/4), hãng tin Tân Hoa Xã đưa tin.
Trong khi đó, đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết, lúc khoảng 10h sáng hôm qua theo giờ địa phương, hai tàu chiến của họ đã có chuyến đi tuần tra ở vùng lãnh hải cách quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư về phía bắc khoảng 100km.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày hôm qua cũng đã xác nhận, hai tàu chiến của Trung Quốc đi qua vùng lãnh hải nằm giữa đảo chính Okinawa và đảo Miyako tối hôm 16/4 nhưng không đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải ở quần đảo Senkaku, hãng tin Kyodo đưa tin.
Hoạt động triển khai hai tàu khu trục tên lửa ở biển Hoa Đông là một phần trong cuộc huấn luyện ngoài khơi xa của Hạm đội Nam Hải. Trong 3 ngày qua, hai tàu khu trục mang tên lửa Lanzhou và Hengshui đã tiến hành các bài diễn tập phòng thủ và tấn công nhằm bảo vệ vùng tranh chấp. Các tàu của Hạm đội Nam Hải còn diễn tập bài chặn và lục soát “tàu bất hợp pháp” ở vùng biển Tây Thái Bình Dương.
Trước đó, Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc hôm qua cho biết, các tàu hải giám của họ cũng đã tiến hành tuần tra vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhóm tàu gồm tàu Hải giám 51, Hải giám 23 và Hải giám 46 đã tuyên bố, Điếu Ngư/Senkaku là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và yêu cầu tàu thuyền Nhật Bản rời đi.
Kể từ khi chính quyền Nhật Bản “quốc hữu hóa” quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc thường xuyên và liên tiếp đưa tàu hải giám và tàu ngư nghiệp vào vùng biển tranh chấp để thực hiện các cuộc tuần tra định kỳ, gây ra biết bao sóng gió cho vùng biển này.
Ông Hu Lingyuan, một phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản ở trường Đại học Fudan, cho tờ Thời báo Hoàn Cầu biết, tàu chính phủ Trung Quốc hiện giờ có thể ra vào vùng lãnh hải xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư bất kỳ lúc nào và ở lại bao lâu tùy ý. Ông này dẫn nguồn tin từ giới chức ngư nghiệp địa phương.
Theo ông Hu, ngoài việc “khẳng định chủ quyền” của Trung Quốc, các chuyến tuần tra của Hải quân là nhằm giúp lực lượng này làm quen với vùng lãnh hải tranh chấp để chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.
Những diễn biến trên diễn ra đúng một ngày sau khi Trung Quốc công bố bản sách trắng quốc phòng theo đó, nước này cáo buộc Nhật Bản “gây rối” ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhật Bản là nước duy nhất bị chỉ rõ đích danh trong bản sách trắng quốc phòng của Bắc Kinh. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ ngầm lên án Mỹ về việc "gây bất ổn" trong khu vực.
Tokyo hôm qua (17/4) đã lên tiếng phản đối Trung Quốc về lời cáo buộc trên, đưa ra những dẫn chứng về việc Trung Quốc liên tiếp đưa Hải quân, Không quân ra vùng tranh chấp với Nhật Bản. Rõ ràng, trong suốt nhiều tháng qua, người ta liên tục chứng kiến tàu thuyền và cả máy bay, trong đó có cả chiến đấu cơ, của Trung Quốc kéo ra vùng biển, vùng trời ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Những bước đi này đã đẩy tình hình ở biển Hoa Đông vào tình trạng căng thẳng cao độ, có lúc suýt rơi vào một cuộc xung đột.
Nói về phản ứng của Tokyo, ông Hu cho biết, việc Trung Quốc đề cập đích danh đến Nhật Bản trong sách trắng quốc phòng là một lời cảnh báo đến Tokyo chứ không phải là một dấu hiệu cho thấy quân đội Trung Quốc sẽ áp dụng bước đi quân sự trong cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông.
Trong khi đó, đề cập đến chuyến tuần tra của tàu chiến Trung Quốc ngày hôm qua, một nhà phân tích nước này cho rằng: “Bằng cách phô trương sức mạnh quân sự, chúng tôi không có ý định giải quyết tranh chấp thông qua vũ lực. Sự răn đe quân sự của chúng tôi chỉ là để đưa tình hình trở lại vòng kiểm soát thay vì châm ngòi cho các cuộc xung đột”.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc