(VnMedia) - Báo chí Trung Quốc đưa tin, chiếc tàu du lịch đầu tiên của nước này hôm qua (28/4) đã khởi hành đến quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông. Đây rõ ràng là một hành động xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Động thái mới nhất này của Trung Quốc đã “đốt nóng” thêm ngọn lửa căng thẳng đang bùng cháy dữ dội trong cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng.
Trung Quốc định dùng con tàu lớn này để đưa hàng nghìn du khách đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, có vẻ ý đồ phi pháp của Trung Quốc đã không thành công. |
Việc Trung Quốc mở tuyến du lịch đến quần đảo Hoàng Sa là bước đi mới nhất trong một loạt những hành động phi pháp của nước này nhằm chiếm một vùng lãnh thổ vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
Theo tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times), có khoảng 100 du khách tham gia vào chuyến đi du lịch 4 ngày đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tờ báo của Trung Quốc cho biết, Trung Quốc sẽ tổ chức tour du lịch đến quần đảo Hoàng Sa mỗi tháng một hoặc hai lần nếu chuyến đi đầu tiên nói trên thành công.
Chỉ có những du khách “khỏe mạnh và có cân nặng ở mức mình thường” mới được phép tham gia vào chuyến đi du lịch đến quần đảo Hoàng Sa, tờ Bưu điện Buổi sáng Thượng Hải cho hay.
Trước đó, hôm 6/4, ông Tan Li – phó tỉnh trưởng tỉnh Hải Nam cũng đã từng ngang nhiên tuyên bố, nước này sẽ lần đầu tiên đưa tàu chở du khách đến tham quan quần đảo Hoàng Sa trước ngày Quốc tế Lao động - 1/5. Theo ông Tan, các du khách đến thăm Hoàng Sa sẽ chỉ lên đảo ngắm cảnh và sau đó quay về thuyền ăn, ở vì trên đảo hiện tại chưa có đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch.
Trong khi tuyên bố ý định phi pháp về việc đưa tàu du lịch đến quần đảo của Việt Nam, ông Tân cũng tiết lộ, tập đoàn tàu biển Haihang Group Corp Ltd đã chuẩn bị một con tàu có thể đưa gần 2.000 du khách đến quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, trong chuyến đi ngày hôm qua, chỉ có khoảng 100 du khách tham gia chuyến đi. Có vẻ như người Trung Quốc chẳng mấy mặn mà với tuyến du lịch trái phép, phi pháp mà Bắc Kinh mở ra với ý đồ chính trị rõ ràng là xâm chiếm quần đảo của Việt Nam chứ chẳng phải là vì mục tiêu du lịch gì cả.
Hành động lần đầu tiên đưa tàu chở khách du lịch đến quần đảo Hoàng Sa là một trong hàng loạt động thái xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam liên tiếp trong thời gian qua của phía Trung Quốc. Đây cũng là bước đi làm leo thang nghiêm trọng hơn nữa căng thẳng ở Biển Đông.
Bất chấp hành động sai trái và phi pháp của mình, Trung Quốc vẫn còn khăng khăng cho rằng, “việc họ mở tuyến du lịch đến quần đảo Hoàng Sa không có liên quan gì đến các nước láng giềng”. Bài báo trên tờ Thời báo Hoàn Cầu còn lớn tiếng nói: “những ai muốn bóp méo hành động của Trung Quốc để gây rối đều không tôn trọng luật pháp quốc tế và an ninh khu vực”. Đây rõ ràng là hành động “vừa ăn cướp vừa la làng” của phía Bắc Kinh.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh hải ở khu vực Biển Đông với một loạt nước gồm Philippine, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Biển Đông vốn là khu vực giàu dầu mỏ, khí đốt và là nơi có nhiều tuyến đường hàng hải chiến lược quan trọng. Vì tầm quan trọng của Biển Đông, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm khu vực biển này. Trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc liên tiếp có những bước đi hung hăng và đầy hiếu chiến nhằm tranh giành chủ quyền các vùng lãnh hải, lãnh thổ với các nước láng giềng.
Hồi tháng 7 năm ngoái, Trung Quốc đã ngang nhiên thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý hơn 200 đảo nhỏ, bãi cát và bãi đá ngầm ở 3 quần đảo lớn ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trắng trợn hơn nữa, Trung Quốc còn cho lập một đồn lính trên quần đảo Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Đây là một trong những động thái gây sóng gió lớn nhất ở Biển Đông của Trung Quốc trong năm 2012.
Gần đây nhất, hồi cuối tháng 3, Trung Quốc đã truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin một tàu cá của Việt Nam đang hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Hành động sai trái và vô nhân đạo này của phía Trung Quốc đã vấp phải phản ứng quyết liệt của Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Ý kiến bạn đọc