Tàu chiến Mỹ vô hiệu hóa tên lửa Triều Tiên

08:47, 03/04/2013
|

(VnMedia) - Lầu Năm Góc hôm qua (2/4) cho biết, họ vừa triển khai thêm một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường thứ hai đến Tây Thái Bình Dương để thực hiện nhiệm vụ phòng thủ tên lửa.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang nghiêm trọng với những lời đe dọa chiến tranh của Bình Nhưỡng nhằm vào Mỹ và đồng minh Hàn Quốc.

Ảnh minh họa

Tàu USS Decatur của Mỹ

Trước đó, hôm 1/4, các quan chức quốc phòng Mỹ thông báo, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường tối tân Aegis - USS John McCain đã được đưa vào vị trí hoạt động ở ngoài khơi bán đảo Triều Tiên. Mục đích của việc triển khai này cũng là để thực hiện nhiệm vụ phòng thủ tên lửa.
 
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc – ông George Little hôm qua cho biết, tàu USS John McCain đã có mặt ở “vị trí đã định” thuộc phía Tây Thái Bình Dương. Ông này cũng cho biết, một tàu khu trục khác - USS Decatur cũng vừa đến Tây Thái Bình Dương “để thực hiện nhiệm vụ phòng thủ tên lửa do Chỉ huy chiến đấu của chúng tôi giao phó”.
 
"Hai tàu khu trục USS John McCain và USS Decatur sẽ được đặt trong tình trạng chuẩn bị sẵn sàng để đáp trả bất kỳ mối đe dọa tên lửa nào nhằm vào các đồng minh hoặc lãnh thổ của chúng tôi”, phát ngôn viên Little nhấn mạnh.
 
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc phủ nhận những thông tin cho rằng, Mỹ đang triển khai một hệ thống radar nổi đồ sộ như một dàn khoan ở ngoài khơi Nhật Bản. Và họ khẳng định chưa đưa ra quyết định về việc sẽ làm gì với hệ thống radar nổi nói trên khi việc thử nghiệm trong khu vực kết thúc.
 
Hệ thống radar đó được sử dụng để phát hiện tên lửa của kẻ thù. Đây là một phần trong hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ.
 
"Sẽ là không đúng khi cho rằng, hệ thống radar này có liên quan đến những chuyện xảy ra trên bán đảo Triều Tiên hiện nay”, ông Little nói thêm.
 
Thông tin về việc Mỹ củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa xung quanh bán đảo Triều Tiên được đưa ra ngay sau khi Bình Nhưỡng vừa tuyên bố sẽ tái khởi động lò phản ứng hạt nhân có thể sản xuất pluton cho việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Đây được xem là một đòn thách thức mới nhất của Bình Nhưỡng đối với các cường quốc phương Tây.
 
Cuộc khủng hoảng hạt nhân nghiêm trọng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên bắt đầu bùng nổ từ tháng trước sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân hồi tháng 2. Triều Tiên đã phản ứng mạnh mẽ với các biện pháp trừng phạt trên bằng một loạt lời đe dọa, cảnh báo.
 
Mỹ cùng với Hàn Quốc đã “đổ thêm dầu vào lửa” khi tiến hành hai cuộc tập trận chung rầm rộ đúng vào thời điểm căng thẳng. Trong suốt vài tuần qua, hai bên đã có những cuộc khẩu chiến sặc mùi thuốc súng cùng với một loạt động thái quân sự gây giật mình.
 
Mỹ là nước “tung” ra nhiều bước đi quân sự bất thường nhất và gây lo ngại nhất. Sau khi triển khai những chiếc máy bay ném bom tàng hình tối tân B-2 và máy bay chiến đấu tàng hình F-22 hàng đầu thế giới, Mỹ liên tiếp đưa thêm tàu chiến vào khu vực gần Triều Tiên. Những bước điều chỉnh về mặt quân sự của Mỹ trong khu vực được xem là lời bảo đảm chắc chắn của nước này đối với cam kết bảo vệ đồng minh của họ.
 
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho rằng, cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay đã đi quá xa. Ông này kêu gọi các cuộc thảo luận và đàm phán. “Mối đe dọa hạt nhân không phải là một trò chơi. Những tuyên bố hiếu chiến và những hành động quân sự chỉ gây phản tác dụng và gây ra thêm nhiều nỗi lo ngại cũng như tình trạng bất ổn”, ông Ban Ki-moon đã phát biểu như vậy tại một cuộc họp báo trong chuyến thăm đến Andorra.
 
Mỹ không chấp nhận một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân
 
Trong một diễn biến liên quan đến việc Bình Nhưỡng tuyên bố tái khởi động một lò phản ứng hạt nhân, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua cảnh báo, nước này sẽ không bao giờ chấp nhận một Triều Tiên có “vũ khí hạt nhân”.
 
Vài giờ sau bước đi đầy thách thức của Triều Tiên, ông Kerry tuyên bố: “Điểm mấu chốt đơn giản là những hành động mà ông Kim Jong Un đang thực hiện mang tính khiêu khích. Điều đó thật nguy hiểm và bất cẩn. Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận một đất nước Triều Tiên có vũ khí hạt nhân”.
 
"Và tôi nhắc lại một lần nữa, Mỹ sẽ làm bất kỳ điều gì cần thiết để bảo vệ bản thân và bảo vệ các đồng minh của chúng tôi là Nhật Bản và Hàn Quốc. Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ và hoàn toàn có đủ khả năng để thực hiện điều đó. Tôi nghĩ là Triều Tiên hiểu điều này”, Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh.
 
Ông Kerry từ chối dự đoán về ý định hay chiến lược của Triều Tiên trong việc tái khởi động lò phản ứng hạt nhân mà họ đã cho ngừng sử dụng từ cách đây 5 năm. “Chúng tôi đã nghe một loạt những lời tuyên bố bất thường không thể chấp nhận được từ phía chính phủ Triều Tiên trong những ngày qua. Vì thế, để tôi nói một cách rõ ràng ngày hôm nay rằng, Mỹ sẽ bảo vệ mình và các đồng minh của mình”, ông Kerry nói.
 
Ngoại trưởng Kerry tái khẳng định chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên, nói rằng Washington tin là, “có một cách đơn giản” để Bình Nhưỡng chấm dứt các biện pháp trừng phạt hiện nay. Đó là từ bỏ tham vọng hạt nhân.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc