Nhà lãnh đạo Triều Tiên khiến cường quốc choáng

08:19, 07/04/2013
|

(VnMedia) - Có thể nói, bán đảo Triều Tiên trong mấy chục năm nay chưa bao giờ tiến sát gần bờ vực chiến tranh như thời điểm này. Điều khiến các cường quốc choáng váng là tình hình căng thẳng leo thang cao độ như này lại rơi vào thời của Nhà lãnh đạo Kim Jong Un – một chính khách chưa đầy 30 tuổi và từng là người được kỳ vọng sẽ có chính sách linh hoạt hơn.

Ảnh minh họa
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại một cuộc họp an ninh khẩn cấp với giới tướng lĩnh hàng đầu Triều Tiên


Một Kim Jong Un thách thức và táo bạo
 
Mới lên cầm quyền được hơn một năm nhưng Nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong Un đã nhanh chóng khiến cả thế giới phải chú ý.
 
Ông Kim Jong Un lên cầm quyền hồi cuối năm 2011 khi chưa đầy 30 tuổi. Trẻ tuổi và từng du học ở phương Tây nên Nhà lãnh đạo Kim Jong Un từng được các cường quốc kỳ vọng sẽ là người mềm mỏng hơn và linh hoạt hơn. Chính xác hơn, phương Tây nghĩ rằng, họ sẽ dễ thuyết phục và dễ đối phó hơn với một chính khách trẻ và “non” kinh nghiệm như ông Kim Jong Un.
 
Tuy nhiên, thực tế trong những tháng qua đã chứng minh điều ngược lại. Ông Kim Jong Un đã khiến Mỹ cùng với các đồng minh của mình phải ngạc nhiên và "toát mồ hôi" về sự quyết liệt và cứng rắn của ông này. Rõ ràng, các cường quốc đang bị ông Kim Jong Un làm cho bối rối như lạc vào một mê cung.
 
Chỉ vài tháng sau khi lên cầm quyền, ông Kim Jong Un đã quyết định cho phóng một quả tên lửa tầm xa. Dù vụ phóng tên lửa này thất bại nhưng nó đã “nổ phát súng” đầu tiên trong chuỗi những hành động đầy thách thức của Triều Tiên sau đó.
 
Vào tháng 12 năm ngoái, đúng một năm sau khi lên cầm quyền và cũng chỉ vài tháng sau vụ phóng tên lửa đầu tiên, Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tiếp tục cho phóng một quả tên lửa tầm xa thứ hai. Ông này trực tiếp ra lệnh, chỉ đạo và giám sát vụ phóng tên lửa. Khỏi phải nói các cường quốc đã tức giận như thế nào trước hai vụ phóng tên lửa liên tiếp của Bình Nhưỡng. Mỹ cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản đã “tung” ra không ít những lời cảnh báo đầy ớn lạnh nhằm khiến Nhà lãnh đạo Kim Jong Un phải run sợ, chùn bước.
 
Tuy nhiên, kịch bản tưởng tượng trên đã không xảy ra. Thay vào đó, ông Kim Jong Un còn nhanh chóng có đòn đáp trả “cao tay” hơn bằng một vụ thử hạt nhân thứ ba đầy bất ngờ ngay dịp đầu năm mới Quý Tỵ. Đây đích thực là một “gáo nước lạnh” dội thẳng vào các cường quốc.
 
Về bề ngoài, ông Kim Jong Un có vẻ như không khách gì so với người cha của mình khi vẫn dùng “sách” cũ là đưa mối đe dọa về hạt nhân ra để đe dọa các cường quốc nhằm đạt được một kết quả nào đó. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un lại có cách thể hiện hoàn toàn mới, táo bạo hơn, quyết liệt hơn và đáng ngại hơn rất nhiều. Mỗi ngày qua đi, ông Kim Jong Un lại tung ra một đòn mới và mỗi đòn đều khiến các cường quốc “sững sờ”, choáng váng.

Cũng giống như kịch bản của những lần đối đầu trước, sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba, Mỹ và phương Tây lại hối hả thúc ép Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua một loạt biện pháp trừng phạt mới. Phương Tây chờ đợi “đòn” trừng mạnh thẳng thừng mà mạnh tay hơn của họ sẽ buộc chính quyền của Nhà lãnh đạo Kim Jong Un phải lùi bước. Mỹ và Hàn Quốc còn tiến hành các cuộc tập trận rầm rộ trên quy mô lớn nhằm “phô trương thanh thế”  trước Triều Tiên.
 
Tuy nhiên, phương Tây đã phải thất vọng trước những động thái trả đũa tới tấp và không hề run sợ từ Bình Nhưỡng. Triều Tiên cắt đứt  một loạt đường dây nóng, đường dây liên lạc với Seoul, hủy bỏ các thỏa thuận không xâm lược lẫn nhau với Hàn Quốc đồng thời vô hiệu hóa luôn cả hiệp định đình chiến giữa hai miền Triều Tiên. Kèm theo đó, Bình  Nhưỡng cảnh báo sẽ tấn công hạt nhân phủ đầu Mỹ, phát động chiến tranh toàn diện với Hàn Quốc.
 
Triều Tiên cũng có câu trả lời cho hành động phô diễn sức mạnh của Mỹ, Hàn bằng một kế hoạch tập trận lớn chưa từng có. Để thể hiện sự quyết liệt của mình, Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un cũng nhanh chóng thực hiện một vài chuyến thị sát đến các đơn vị quân đội ở khu vực tiền tuyến, triệu tập một cuộc họp an ninh khẩn với các tướng lĩnh hàng đầu, để lộ kế hoạch tấn công Mỹ và ra lệnh cho các đơn vị tên lửa sẵn sàng vào vị trí chiến đấu. Bình Nhưỡng cũng tuyên bố thông qua kế hoạch tấn công hạt nhân vào nước Mỹ.
 
Mới đây nhất, Triều Tiên đưa hai tên lửa tầm trung đến bờ biển phía đông đồng thời đề nghị các đại sứ quán và tổ chức nước ngoài rút nhân viên ra khỏi nước họ để đề phòng tình trạng leo thang căng thẳng.
 
Với tất cả những diễn biến dồn dập, cứng rắn và đầy thách thức trên, dường như Nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong Un có ý định “chơi tới cùng” với Mỹ, Hàn.
 
Kim Jong Un sẽ “chơi” đến cùng với Mỹ, Hàn?
 
Có thể nói, sự sáng tạo trong cách thức đe dọa của ông Kim Jong Un hoàn toàn khác xa so với người cha của mình và nó làm kinh ngạc thậm chí kể cả những chuyên gia lão luyện, những nhà quan sát bán đảo Triều Tiên lâu năm nhất. Những bước đi của Triều Tiên khiến người ta nghĩ rằng, mọi việc dường như sắp vượt ra khỏi tầm kiểm soát, sắp bùng nổ.
 
Tuy nhiên, theo nhận định của hầu hết các nhà phân tích, Triều Tiên vẫn sẽ chỉ dừng lại ở những lời đe dọa chứ hoàn toàn không có ý định phát động một cuộc chiến tranh toàn diện. Người ta tin rằng, Bình Nhưỡng hoàn toàn hiểu rất rõ, việc họ thực hiện một cuộc tấn công tổng lực vào thời điểm này sẽ là “tự sát”. Mục đích cuối cùng trong các hoạt động khiêu khích rầm rộ hiện nay của Triều Tiên không phải là chiến tranh mà là buộc Mỹ, Hàn phải có chính sách mềm mỏng và ngồi vào bàn đàm phán với họ. Ngoài ra, ông Kim Jong Un cũng muốn thông qua những động thái “cứng rắn” để “đánh bóng” hình ảnh, tên tuổi của mình đồng thời huy động sự ủng hộ, đoàn kết của nhân dân Triều Tiên.
 
Không chỉ các nhà phân tích mà bản thân các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nga, Anh... cũng tin rằng, Triều Tiên sẽ không gây ra một cuộc chiến tranh mới. Điều đó được thể hiện qua việc Nga, Anh và cả Liên Hợp Quốc đều tuyên bố chưa có ý định rút nhân viên ngoại giao ra khỏi Bình Nhưỡng như đề nghị của nước này. Trong khi đó, Mỹ, Hàn Quốc cũng nhiều lần khẳng định, không có dấu hiệu cho thấy Triều Tiên sẽ hành động như những lời đe dọa của họ “tung” ra.
 
Cũng phải thừa nhận rằng, Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã hơn hẳn cha của mình ở chỗ ông đã khiến các cường quốc rơi vào tình trạng bối rối thực sự. Chủ đề được tranh luận nóng bỏng nhất hiện nay ở các nước là liệu Triều Tiên có thực hiện những lời đe dọa của họ hay không. Và tất cả mọi người đều có chung nhận định, chẳng ai có thể nói trước được điều gì và họ hoàn toàn không thể dự đoán gì được về Nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Ông Kim Jong Un thực sự đang là bài toán khó, là thách thức gây đau đầu cho các cường quốc.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc