(VnMedia) - Trong nhiều thập kỷ, ngư dân ở khu vực bờ biển phía tây bắc Philippines luôn xem ngư trường ở bãi cạn Scarborough là sân sau nhà của họ. Tuy nhiên, chưa đầy một ngày sau khi rời thuyền đi, họ đã phải xem ngư trường truyền thống của mình là khu vực của nước ngoài.
Người Philippines biểu tình yêu cầu Trung Quốc rời bãi cạn Scarborough |
"Tôi đã mất kế sinh nhai khi chúng tôi mất bãi cạn Scarborough vào tay người Trung Quốc”, một ngư dân 53 tuổi có tên là Mario Forones cho biết. Ông này sở hữu 3 chiếc tàu đánh cá và đã làm việc ở bãi cạn Scarborough 12 năm nay trước khi tàu vũ trang của Trung Quốc kéo đến hồi tháng 4.
Các ngư dân ở hai thành phố ven biển của Philippines cho hay, trên thực tế, bãi cạn Scarborough giờ đây đã không còn nằm trong sự kiểm soát của nước này kể từ sau cuộc đụng độ hải quân với Trung Quốc hồi năm ngoái.
Việc Trung Quốc tìm cách mở rộng và củng cố sự kiểm soát đối với khu vực Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên sẽ trở thành chủ đề chính trong Hội nghị Thượng đỉnh Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Brunei vào ngày mai (24/4). Giới lãnh đạo ASEAN đang muốn khởi động lại những nỗ lực bị trì hoãn nhằm làm dịu tình hình ở một trong những điểm nóng an ninh lớn nhất Châu Á.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với 4 nước thành viên ASEAN gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Tham vọng của Trung Quốc là độc chiếm Biển Đông. Để thực hiện tham vọng của mình, trong thời gian qua, Trung Quốc đã đối đầu trực tiếp với Philippines và Việt Nam
Các nhà ngoại giao hy vọng, tại hội nghị ASEAN kéo dài 2 ngày sắp tới, lãnh đạo các nước thành viên ASEAN có thể gạt bất đồng nổi lên hồi năm ngoái sang một bên để mở đường cho Trung Quốc tham gia vào một cơ chế quản lý tranh chấp.
Tuy nhiên, những tâm sự của ngư dân Philippines là bằng chứng sinh động cho thấy Trung Quốc đã tìm cách mở rộng và củng cố tầm kiểm soát của họ đối với Biển Đông như thế nào và những hành động hung hăng của Trung Quốc đang lấn lướt các nỗ lực ngoại giao nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng.
Lần đầu tiên kể về tình hình hiện nay ở bãi cạn Scarborough, các ngư dân Philippines cho biết, họ đã bị đánh đuổi quyết liệt bởi những chiếc tàu cao tốc lớn được trang bị súng và rocket của Trung Quốc. Theo lời các ngư dân Philippines, trong những tháng gần đây, tàu của Trung Quốc đã giăng một lớp dây thừng dày đặc dưới biển xung quanh bãi cạn Scarborough để ngăn không cho tàu thuyền nước khác ra vào vùng này.
Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc bắt đầu leo thang nghiêm trọng từ sau vụ đụng độ kéo dài 2 tháng ở bãi cạn Scarborough hồi năm ngoái. Forones – một ngư dân ở thành phố biển Masinloc, cho biết, ông đang làm việc ở bãi cạn thì cuộc đối đầu xảy ra.
"Đó là lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy những con tàu lớn từ hai nước xuất hiện cùng lúc tại bãi cạn Scarborough. Sau đó, lực lượng bảo vệ bờ biển của chúng tôi đến và bảo chúng tôi rời đi vì có thể có chiến tranh... Đó là lần cuối cùng chúng tôi được một mẻ thu hoạch dồi dào”.
Kể từ đó, Forones hầu như chẳng đánh bắt được gì nhiều đến nỗi vợ của người ngư dân này phải chuyển từ nghề bán cá ở chợ sang bán thịt lợn. Forones cho biết, ông đang tính chuyện bán một trong 3 chiếc thuyền của mình và cả chiếc xe tải chuyên chở hàng hóa của mình đi.
Bãi cạn Scarborough được các ngư dân đánh giá là khu vực ngư trường dồi dào với rất nhiều rùa, mực ống và các loại cá như cá mú, cá thu. Vào đợt gió mùa kéo dài từ tháng 1 đến tháng 5, chỉ có những con thuyền nhỏ mới có thể vào được đây. Vì thế, nguồn cá ở bãi cạn Scarborough có nhiều thời gian để hồi phục trở lại hàng năm.
Forones và các ngư dân khác vẫn tìm cách đánh bắt cá ở ngư trường truyền thống của họ nhưng họ phải đối mặt với những cuộc “mèo vờn chuột” đầy căng thẳng với tàu thuyền Trung Quốc. "Tình hình hiện giờ thực sự rất đáng sợ", Miguel Betana, thuyền trưởng 45 tuổi của một tàu đánh cá từng đánh bắt cá ở bãi cạn Scarborough suốt 15 năm qua, cho biết.
"Tôi đã từng có rất nhiều trải nghiệm tồi tệ trên biển nhưng việc bị đuổi bắt bởi một tàu nhanh và lớn của Trung Quốc còn đáng sợ hơn. Tôi luôn nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra nếu tàu của họ đâm vào thuyền của chúng tôi hoặc nếu họ bắn chúng tôi. Sẽ chẳng ai có thể phát hiện ra", Betana nói.
Trong lần gần đây nhất ở bãi cạn Scarborough hồi cuối tháng 3 vừa rồi, Betana cho biết, ông đã nhìn thấy 5 chiếc tàu của Trung Quốc, trong đó có 4 chiếc đứng án ngữ ngay cửa bãi cạn. Sau khi bị một trong những con tàu vũ trang đó đuổi đi, Betana đã buộc phải trở lại đánh bắt cá trong khu vực vào buổi đêm.
Forones cho biết, tàu của ông đã từng bị tàu Trung Quốc xua đuổi ở khu vực cách xa 24km so với bãi cạn Scarborough hồi tháng 1 vừa rồi. "Chúng tôi giống như những kẻ trộm đang đi ăn trộm ở khu vực thực sự thuộc về chúng tôi”, Forrones nói.
"Tôi không biết cụ thể tình hình. Tuy nhiên, như bạn biết, bãi cạn Scarborough là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc. Trung Quốc sẽ đảm bảo rằng, chủ quyền của chúng tôi ở khu vực bãi cạn không bị xâm phạm”, Hua Chunying – nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã trả lời như vậy khi được phóng viên nước ngoài đề nghị bình luận về những phát biểu của các ngư dân Philippines.
Trung Quốc và Philippines đang tranh chấp chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough (còn được Manila gọi là bãi cạn Panatag hay đảo Hoàng Nham theo cách gọi của Bắc Kinh). Bãi cạn này nằm cách đảo Luzon của Philippines chỉ khoảng 230km. Trong khi đó, khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc là tỉnh Hải Nam cũng cách bãi cạn Scarborough đến 1.200km.
Nỗ lực của ASEAN
ASEAN đang hướng tới mục tiêu tìm kiếm một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông có tính ràng buộc về mặt pháp lý với Trung Quốc để ngăn chặn tình trạng xảy ra xung đột. Tuy nhiên, triển vọng thúc đẩy việc sớm thông qua một bộ quy tắc như vậy là khá mờ nhạt.
Ngoại trưởng Indonesia - ông Marty Natalegawa tuyên bố, hội nghị ASEAN sẽ tập trung vào việc “bảo đảm rằng mọi thứ không bị thụt lùi trở lại". Tuy nhiên, dù cho 10 thành viên của ASEAN có nhất trí, đồng lòng thì Trung Quốc vẫn luôn khẳng định họ sẽ chỉ đàm phán khi thời gian “chín muồi” và rằng các nước trước hết nên củng cố lại niềm tin bằng cách thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về Cách Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ký kết năm 2002. DOC đến nay đã chứng minh là không thể ngăn chặn tình trạng leo thang căng thẳng ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Natalegawa cáo buộc Trung Quốc “coi thường” cam kết “kiềm chế tối đa” được đưa ra trong thỏa thuận DOC. "Các bạn đang chứng kiến một số hành động đơn phương của Trung Quốc không phù hợp với tinh thần của DOC", ông Natalegawa đã nói như vậy ở thủ đô Jakarta.
Trung Quốc cho rằng, các nỗ lực ngoại giao đang bị cản trở sau khi Philippines hồi tháng 1 vừa rồi đưa vụ tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông ra tòa án của Liên Hợp Quốc. Manila hy vọng, tòa án sẽ ra phán quyết yêu cầu Bắc Kinh ngừng ngay các hoạt động “vi phạm chủ quyền của Philippines” ở bãi cạn Scarborough.
"Quan điểm của Trung Quốc chẳng có gì thay đổi và việc Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án Liên Hợp Quốc sẽ được Bắc Kinh sử dụng làm cái cớ để không bàn về Bộ Quy tắc ứng xử (COC)”, ông Ian Storey – một nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, đã nhận định như vậy.
Kiệt Linh -
(theo Reuters)
Ý kiến bạn đọc