(VnMedia) - Hải quân Mỹ đang điều một tàu chiến và một hệ thống radar được đặt trên biển đến sát Triều Tiên nhằm giám sát các động thái quân sự của nước này, trong đó có cả những hoạt động liên quan đến phóng tên lửa. Thông tin này đã được một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận ngày hôm qua (1/4).
Hệ thống radar hoành tráng mà Hải quân Mỹ đang triển khai tới sát Triều Tiên
Quyết định triển khai ít nhất một tàu chiến – tàu khu trục USS John S. McCain, và hệ thống radar SBX-1 hoành tráng giống như một dàn khoan, của Mỹ được đưa ra sau khi Triều Tiên “tung” ra một loạt lời đe dọa gây giật mình, trong đó có việc tấn công phủ đầu hạt nhân vào cường quốc số 1 thế giới.
Theo CNN cho biết, việc đưa tàu chiến và hệ thống radar có thể mới chỉ là một bước đầu tiên trong một loạt hoạt động triển khai hải quân khác của Mỹ nhằm đối phó với Triều Tiên trong thời gian tới. Và đây cũng là động thái quân sự mới của Mỹ khiến cho bán đảo Triều Tiên đã nóng lại càng trở nên nóng hơn.
Mỹ gần đây liên tiếp thực hiện những bước đi quân sự bất thường và hiếm hoi nhằm thể hiện sự cam kết mạnh mẽ và sự sẵn sàng trong việc bảo vệ đồng minh Hàn Quốc của nước này. Đồng thời, Mỹ cũng muốn thông qua những động thái phô trương sức mạnh rầm rộ và gây chú ý của mình để cảnh báo, uy hiếp Triều Tiên.
Trước khi quyết định triển khai thêm tàu chiến và hệ thống radar sát Triều Tiên, Mỹ đã liên tiếp “tung” máy bay ném bom tàng hình B-2 và máy bay chiến đấu tàng hình F – 22 đến Hàn Quốc. Cả hai thứ vũ khí tối tân này đều có khả năng mang vũ khí hạt nhân và đều được đánh giá là những thứ vũ khí đáng gờm hàng đầu thế giới.
Đã có nhiều người băn khoăn tự hỏi, tại sao Mỹ lại phải “tung” ra những thứ vũ khí đáng sợ hàng đầu để uy hiếp Triều Tiên. Câu trả lời chỉ có thể là Mỹ lần này quyết rắn đến cùng với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, những vũ khí mà Washington đưa ra cũng chẳng khiến Bình Nhưỡng bối rối, lo lắng.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bắt đầu leo thang một cách đáng báo động kể từ sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua một gói biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân hồi tháng 2 đầu năm nay. Mỹ và Hàn Quốc đã “đổ thêm dầu vào lửa” khi quyết xúc tiến kế hoạch tập trận quân sự chung quy mô lớn bất chấp những lời đe dọa, cảnh báo từ Triều Tiên.
Phản ứng trước những diễn biến trên, chính quyền của Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un gần như ngày nào cũng đưa ra những lời cảnh báo, đe dọa đầy ớn lạnh như tấn công phủ đầu hạt nhân Mỹ, chiến tranh toàn diện với Hàn Quốc... Cùng với đó, Triều Tiên cũng có một loạt bước đi quân sự giật mình như ra lệnh cho các đơn vị tên lửa vào vị trí chiến đấu, hủy bỏ hiệp ước đình chiến và các thỏa thuận không xâm lược lẫn nhau....
Hôm qua, nữ Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố, bất kỳ động thái khiêu khích nào từ phía Bình Nhưỡng đều sẽ vấp phải đòn đáp trả quyết liệt, mạnh mẽ mà “không cần có bất kỳ sự cân nhắc nào về mặt chính trị”.
Mặc dù tuyên bố coi những lời đe dọa của phía Bình Nhưỡng là nghiêm trọng nhưng giới quan chức Mỹ và Hàn Quốc đều tin rằng đó chỉ là những lời “đe dọa suông”. Cả Mỹ và Hàn Quốc đều cho biết, họ không phát hiện thấy bất kỳ dấu hiệu hay bước đi quân sự bất thường nào trên lãnh thổ Triều Tiên.
Các nhà phân tích hầu hết đều tỏ ra hoài nghi về khả năng của Bình Nhưỡng trong việc thực hiện những lời đe dọa như tấn công phủ đầu hạt nhân hay chiến tranh toàn diện nhưng họ không loại trừ khả năng nước này sẽ thực hiện một đòn tấn công địa phương bất ngờ nhằm vào Hàn Quốc như vụ nã cơn mưa đạn pháo vào đảo Yeongpyeong hồi cuối năm 2010.
Nga, Trung kêu gọi bình tĩnh
Trong bối cảnh tình hình bán đảo Triều Tiên đang “căng như dây đàn”, những nước đồng minh truyền thống của Triều Tiên như Trung Quốc và Nga đều lên tiếng kêu gọi các bên liên quan bình tĩnh và kiềm chế.
"Moscow mong chờ tất cả các bên hành động một cách có trách nhiệm và kiềm chế đến mức tối đa có thể”, Bộ Ngoại giao Nga đã phát biểu như vậy trên đài phát thanh Rusia Today hồi cuối tuần.
Trong khi đó, Trung Quốc – nước gần đây thể hiện sự tức giận trước vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng, cũng kêu gọi các bên bình tĩnh.
"Chúng tôi hy vọng, các bên liên quan có thể làm việc cùng nhau để đảo ngược tình hình căng thẳng hiện nay”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết. Ông này nói thêm rằng, việc duy trì hòa bình và sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên là “trách nhiệm chung” của các bên.
Trung Quốc vốn là đồng minh lớn nhất và là nhà tài trợ lớn nhất của Triều Tiên. Chính vì vậy, phản ứng trên của Trung Quốc đối với cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên được xem là yếu ớt. Lần này, Bắc Kinh không lên tiếng bảo vệ đồng minh như người ta thường thấy trước đây. Có vẻ như Bắc Kinh cũng muốn để cho Triều Tiên đối mặt với sự trừng phạt của các nước sau khi nước này dám qua mặt Trung Quốc tiến hành vụ thử hạt nhân mới nhất vừa rồi.
Ý kiến bạn đọc