Mỹ thuyết phục Trung Quốc cứng rắn với Triều Tiên

06:46, 15/04/2013
|

(VnMedia) - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 13/4 đã đến Trung Quốc với mục đích cao nhất là nhằm thuyết phục nước này dùng ảnh hưởng của mình để gây sức ép với Triều Tiên. Tuy nhiên, để đạt được mục đích, Mỹ đã phải đánh đổi một thứ rất quan trọng trong chiến lược chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á của mình, đó là hệ thống phòng thủ tên lửa.

 

 Ảnh minh họa

 Ngoại trưởng Kerry (bên trái) trong cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.


Đây là lần đầu tiên ông Kerry đến Trung Quốc kể từ khi ông tiếp nhận chức Ngoại trưởng Mỹ. Chuyến thăm này là một phần trong chuyến công du Châu Á 3 ngày đầy bận rộn của ông Kerry nhằm tháo ngòi căng thẳng đang bùng phát dữ dội trên bán đảo Triều Tiên. Cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên đang có nguy cơ vượt ra khỏi tầm kiểm soát và khiến các nhà lãnh đạo thế giới hết sức lo lắng.

 

Trong một cuộc họp báo diễn ra ngày hôm qua, Ngoại trưởng Kerry đã gợi ý, Mỹ có thể dỡ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa mới được nâng cấp của mình nếu Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Động thái này sẽ giúp giải quyết nỗi quan ngại của Bắc Kinh về những hành động triển khai vũ khí mới nhất của Mỹ trong khu vực.

 

Sau cuộc họp giữa Ngoại trưởng Kerry với các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc, hai nước thông báo, họ đã nhất trí về nguyên tắc việc xóa bỏ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, Bắc Kinh không cho biết công khai việc nước này sẽ áp dụng những bước đi như thế nào để đạt được mục đích trên sau nhiều năm nước này chần chừ không muốn gây sức ép với đồng minh của mình.

 

“Chúng tôi cùng thống nhất kêu gọi Triều Tiên kiềm chế, không gây ra thêm các hành động khiêu khích và tuân theo các nghĩa vụ quốc tế”, Ngoại trưởng Kerry cho biết.

 

Sự lo ngại bắt đầu tăng lên nhanh chóng từ tuần trước khi các quan chức Mỹ và Hàn Quốc dự đoán, Triều Tiên có thể phóng một tên lửa mới bất kỳ lúc nào trong nay mai và sau khi một cơ quan tình báo Mỹ tung ra một thông tin đáng sợ về việc Bình Nhưỡng đã có trong tay tên lửa được trang bị đầu đạn hạt nhan.

 

Lời đề nghị dỡ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa vừa được dựng lên của Mỹ dường như là một phần trong chiến lược ngoại giao mới của chính quyền Tổng thống Obama nhằm thuyết phục Trung Quốc gây sức ép đủ lớn để buộc đồng minh Triều Tiên của họ từ bỏ chương trình hạt nhân ngày càng tinh vi của nước này. Bắc Kinh đến giờ vẫn được xem là lực lượng duy nhất có ảnh hưởng thực sự đối với Bình Nhưỡng.

 

Sự đánh đổi của Mỹ liệu có đem lại kết quả mong muốn?

 

Trong những tuần gần đây, chính quyền Mỹ đã phái hai tàu chiến được trang bị những hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân Aegis tới khu vực và tăng cường củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa ở Guam để bảo vệ các đồng minh trước một cuộc tấn công có thể xảy ra từ Triều Tiên. Hành động này được đưa ra sau khi Bình Nhưỡng đe dọa sẽ trút “cơn mưa” tên lửa xuống các binh lính Mỹ ở Guam và xuống nước láng giềng Hàn Quốc.

 

Mặc dù các bước đi của Mỹ được tuyên bố là để đối phó với Triều Tiên nhưng nhiều người Trung Quốc tin rằng, những hệ thống vũ khí đó cũng là một phần của chiến lược kiềm chế nhằm vào nước họ trong bối cảnh Mỹ đang tích cực triển khai chiến lược “hướng trọng tâm” vào Châu Á.

 

Trong quá khứ, Bắc Kinh từng có một mối lo ngại khác, đó là bất kỳ động thái nào gây bất ổn ở Triều Tiên đều có thể dẫn đến một sự sụp đổ của chính quyền này và biến toàn bộ bán đảo Triều Tiên thành khu vực ảnh hưởng của Mỹ, dẫn đến việc quân Mỹ ở Hàn Quốc áp sát biên giới của Trung Quốc.

 

Sự hợp tác của Trung Quốc là rất quan trọng đối với chiến lược của Tổng thống Obama trong việc giữ một lập trường cứng rắn đối với Bình Nhưỡng nhằm đạt được một giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên mà các đời Tổng thống Mỹ trước đều chưa thể giải quyết được. Các chính quyền tiền nhiệm của ông Obama thường đáp trả những hành động khiêu khích của Triều Tiên bằng việc cung cấp viện trợ để làm dịu căng thẳng. Tuy nhiên, họ luôn phải đón nhận kết quả là lời cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân “bay hơi” nhanh chóng sau khi khoản viện trợ được cung cấp cho Bình Nhưỡng.

 

Ngoại trưởng Kerry cho biết, ông đã giải thích với Trung Quốc lý do tại sao Mỹ cảm thấy cần phải thiết lập thêm các hệ thống phòng thủ tên lửa trong khu vực. Sau đó, ông Kerry đã gợi ý tháo dỡ những hệ thống này.

 

“Rõ ràng, nếu mối đe dọa biến mất – ví dụ như Triều Tiên phi hạt nhân hóa, thì biện pháp đối phó không cần phải tồn tại”, ông Kerry nói.

 

Trong khi những phát biểu của Ngoại trưởng Kerry có thể trấn an được Trung Quốc thì nó lại làm khuấy lên nỗi quan ngại của những người Mỹ ủng hộ mạnh mẽ cho kế hoạch thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa ở Mỹ. Những người này tin rằng, các hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ cũng là một phương tiện để đáp trả lại sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.

 

Trong khi đó, người ta cũng lo ngại, thậm chí kể cả khi Trung Quốc áp dụng lập trường cứng rắn với đồng minh lâu năm của mình thì khả năng Bình Nhưỡng chịu nghe theo Bắc Kinh là khó. Dưới thời của Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un, Bình Nhưỡng đã nhiều lần khiến Bắc Kinh phải bẽ mặt, trong đó có việc nước này phũ phàng từ chối lời kêu gọi khẩn thiết của Trung Quốc về việc hủy bỏ một vụ thử hạt nhân gần đây.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc