(VnMedia) - Nhà lãnh đạo trẻ tuổi của cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên – ông Kim Jong Un đã không xuất hiện trước công chúng trong suốt tuần qua dù Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục “tung” ra những hành động, lời nói làm “đốt nóng” căng thẳng trong khu vực. Sự vắng mặt đầy bí ẩn của ông Kim Jong Un đã làm dấy lên một loạt tin đồn, trong đó có tin đồn về một cuộc đảo chính, hãng tin Yonhap hôm qua (14/4) đưa tin.
Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un |
Vị Tổng chỉ huy của Triều Tiên đã không xuất hiện trước công chúng từ ngày 1/4 sau khi ông này chủ trì một phiên họp quốc hội thường niên. Sự vắng mặt kiểu này của ông Kim Jong Un hoàn toàn không có gì bất thường nếu xem xét lại thời gian trước đây. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi Bình Nhưỡng đang gây ra một “cơn sóng gió” mới trên bán đảo Triều Tiên và được cho là đang chuẩn bị phóng đi một tên lửa đạn đạo tầm trung thì việc ông Kim Jong Un không xuất hiện trước công chúng lại làm dấy lên đủ thứ tin đồn.
Đã có tin đồn xuất hiện về việc ông Kim Jong Un phải đối mặt với một cuộc đảo chính trong nước.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích đều khẳng định, điều đó là không thể xảy ra xét trên những gì người ta đang chứng kiến về các động thái của quân đội Triều Tiên trong thời gian gần đây.
Theo Yonhap, một quan chức trong ngành tình báo Hàn Quốc đã ngay lập tức bác bỏ tin đồn về một cuộc đảo chính lật đổ ông Kim Jong Un. Vị quan chức này khẳng định, họ không phát hiện bất kỳ động thái hay dấu hiệu bất thường nào xung quanh Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Một nguồn tin khác chuyên giám sát và phân tích tình hình Triều Tiên cho rằng, sự vắng mặt của ông Kim Jong Un là một phần trong cuộc “chiến tranh tâm lý nhằm thu hút sự chú ý từ Hàn Quốc và Mỹ” của phía chính quyền Triều Tiên.
Dù thế nào thì việc Nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong Un không xuất hiện trước công chúng trong thời điểm đặc biệt như thế này cũng không thể tránh khỏi việc gây ra những tin đồn thất thiệt.
Tuy nhiên, nhiều người tin rằng, ông Kim Jong Un sẽ lại xuất hiện trong ngày hôm nay, khi Bình Nhưỡng kỷ niệm sinh nhật của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành – người sáng lập ra đất nước CHDCND Triều Tiên và cũng là người ông của Nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bắt đầu leo thang một cách đáng báo động sau khi Bình Nhưỡng bất ngờ tiến hành vụ phóng tên lửa tầm xa Taepodong hồi tháng 12 năm ngoái và một vụ thử hạt nhân thứ ba hồi tháng 2 vừa rồi. Liên Hợp Quốc đã thông qua một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên trong khi Mỹ, Hàn khởi động hai cuộc tập trận chung rầm rộ nhằm uy hiếp chính quyền của ông Kim Jong Un. Hai diễn biến trên đã khiến Bình Nhưỡng nổi giận, đáp trả bằng một loạt những lời đe dọa cũng như hành động khiến các nước trong khu vực “giật mình thon thót” vì lo ngại viễn cảnh một cuộc chiến tranh mới sắp bùng nổ. Triều Tiên đã dọa tấn công phủ đầu hạt nhân Mỹ và chiến tranh toàn diện với Hàn Quốc.
Ông Chang Yong-seok, một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Hòa bình và Thống nhất thuộc trường Đại học Quốc gia Seoul, cho Yonhap biết, chính quyền của Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un sẽ không thể giảm lập trường khiêu khích với Mỹ.
"Thay vì cố gắng làm thay đổi tình hình hiện nay, Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục gây căng thẳng trong khi vẫn có khả năng điều chỉnh nhẹ mức độ gây căng thẳng của họ”, ông Chang nhận định.
Bình Nhưỡng được cho là đang tìm cách đốt nóng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên với mục đích chính là ép Hàn Quốc phải thay đổi lập trường, áp dụng chính sách mềm dẻo với họ. Bình Nhưỡng cũng muốn thông qua các hành động cứng rắn, thách thức của mình để buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán.
Mặc dù “tung” ra không ít những lời đe dọa, cảnh báo đáng sợ về chiến tranh hạt nhân hay tấn công bằng tên lửa nhưng giới phân tích đều có chung nhận định, Triều Tiên sẽ không làm gì để tình hình vượt quá tầm kiểm soát. Tất cả những lời đe dọa của họ sẽ chỉ là trên lời nói chứ không biến thành sự thật.
Kiệt Linh -
(theo RIA)
Ý kiến bạn đọc