(VnMedia) - Việc thực hiện chiếnlược “hướng trọng tâm” vào Châu Á-Thái Bình Dương thiếu rõ ràng của Mỹ đang tạo ra một tình huống mập mờ về chiến lược ở Biển Đông. Trong khi các nước trong khu vực tin rằng, Washington sẽ thực hiện chính sách trong đó có cam kết chuyển tới 60% vũ khí hải quân của nước này đến khu vực vào năm 2020 thì người ta vẫn chưa rõ là sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng thế nào đến các cuộc tranh chấp lãnh hải ngày một leo thang trong khu vực.
Một cuộc tập trận chung giữa Mỹ và đồng minh Philippines ở Biển Đông |
Trong lúc này, ngày càng có nhiều người cho rằng, Mỹ có ý định củng cố sự hiện diện quân sự trong khu vực chỉ đủ đến mức không làm Trung Quốc khó chịu, đặc biệt là dưới thời nhà lãnh đạo mới Tập Cận Bình. Một số người thậm chí tin rằng, Mỹ bắt đầu né tránh việc thực hiện lời tuyên bố mạnh mẽ mà nước này đưa ra tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) hồi tháng 7 năm 2010. Khi đó, bà Hillary Clinton – nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ đã lớn tiếng khẳng định, Mỹ có “lợi ích quốc gia” trong việc duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông.
Sự mập mờ chiến lược cùng những câu hỏi về ý chí chính trị của Mỹ đã đẩy các nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông đang có xu hướng tìm sang hướng khác, củng cố mối quan hệ liên minh với Australia, Ấn Độ và Nhật Bản. Một số nhà phân tích tin rằng, những liên minh chồng chéo và mang tính cạnh tranh liên tiếp được lập nên sẽ khiến khu vực càng trở nên bất ổn bởi Trung Quốc bắt đầu cảm giác được việc họ bị bao vây, cô lập từ những nước mà họ coi là “diễn viên bên ngoài” cuộc tranh chấp ở Biển Đông.
Sự thay đổi chiến lược của các nước có tranh chấp ở Biển Đông còn xuất phát từ sự nghi ngại về khả năng tài chính của Mỹ trong việc thực hiện chính sách “hướng trọng tâm” vào Châu Á theo một cách bền vững và có ý nghĩa về mặt chiến lược. Với việc Washingtond đang phải tìm cách thắt chặt hầu bao cho quân đội, các đồng minh và đối tác trong khu vực của Mỹ tự hỏi, liệu cường quốc số 1 thế giới có thể cạnh tranh được với chi tiêu quốc phòng ngày càng tăng chóng mặt của Trung Quốc hay không, trong đó phải kể đển những khoản tiền khổng lồ đầu tư cho năng lực hải quân của nước này.
Nhiều người đã nói đến “Học thuyết Không chiến trên biển” của Mỹ được cho là nhằm để đối phó với sự nổi lên của Trung Quốc. Người ta tin rằng, với sự kết hợp của các binh lính được triển khai phía trước cùng với khả năng tấn công từ xa sẽ cho phép Mỹ duy trì sự hiện diện mạnh ở Châu Á để ngăn chặn tình huống xảy ra chiến tranh lớn.
Trên cơ sở phân tích trên, Mỹ đã bắt đầu tái sắp xếp lại việc triển khai hơn một nửa trong số gần 300 tàu chiến của nước này, trong đó có cả việc dàn một loạt tàu chiến tuần duyên ở Singapore.
Tuy nhiên, những bước đi trên của Mỹ có thể gây căng thẳng với Trung Quốc -nước lâu nay vẫn kiên quyết phản đối bất kỳ hoạt động hay nỗ lực nào nhằm quốc tế hóa các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa họ với các nước láng giềng. Một số nhà phân tích khu vực tin rằng, Mỹ đang tìm cách giảm tốc độ thực hiện chiến lược hướng trọng tâm vào Châu Á để tránh làm Trung Quốc tức giận. Washington luôn mồm khẳng định, nước này không có ý định kiềm chế Trung Quốc và hy vọng nước này sẽ nổi lên là một cường quốc “có trách nhiệm” trong khu vực.
''Washington đang tạo ra sự kỳ vọng rằng sự hiện diện quân sự của họ ở khu vực sẽ giúp tạo ra sự ổn định trong khu vực... nhưng nếu Mỹ không hành động khi một cuộc khủng hoảng xảy ra thì điều đó có thể tạo ra ấn tượng sai lầm rằng Mỹ không đáng tin”, cựu Đại sứ J Stapleton Roy – Giám đốc Viện Kissinger chuyên nghiên cứu về Trung Quốc và Mỹ, đã nhận định như vậy.
Bất chấp việc Washington đã ký với Philippines Hiệp ước Phòng thủ chung năm 1951, Mỹ vẫn luôn khẳng định rõ ràng trong cuộc đối đầu gần đây ở Biển Đông giữa Manila và Bắc Kinh rằng, lợi ích chính của nước này là tránh xung đột. Trong hiệp ước bảo đảm sự phòng thủ chung trên vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền hai nước, không rõ có quy định Mỹ sẽ đến giúp Philippines trong một cuộc đụng độ ở các vùng tranh chấp như bãi cạn Scarborough ở Biển Đông hay không.
Manila gần đây đã kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế với mong muốn giải quyết cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữa hai nước theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) – một động thái nhận được sự ủng hộ của Mỹ. Trong khi giới chức Philippines miêu tả bước đi này của họ là “một hành động thân thiện” thì phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, nội dung đơn kiện của Manila là “sai trái về mặt lịch sử và pháp lý đồng thời chứa những lời cáo buộc không thể chấp nhận được nhằm vào Trung Quốc”.
Một số tin rằng, động thái quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông của Philippines sẽ làm phương hại đến nỗ lực giải quyết các cuộc tranh chấp thông qua ASEAN cũng như khiến cho Trung Quốc càng ra sức củng cố, mở rộng sự hiện diện ở các vùng lãnh hải tranh chấp trong thời gian 3 hoặc 4 năm tới khi tòa án quốc tế đưa ra được một phán quyết cuối cùng. Phán quyết này không có tính bắt buộc và Trung Quốc chắc chắn sẽ từ chối tuân theo nếu nó đi ngược lại với sự đòi hỏi của họ.
''Hiện tại, câu hỏi vẫn còn để ngỏ về việc Philippines đưa vụ tranh chấp ở Biển Đông ra tòa án quốc tế sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến ASEAN và các nỗ lực xây dựng lòng tin giữa hiệp hội này với Trung Quốc trên cơ sở Tuyên bố của các bên về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC)và sau này là một Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông (COC) có tính ràng buộc về mặt pháp lý”, ông Carlyle Thayer, một giáo sư của trường Đại học New South Wales, đã nói như vậy.
Ý kiến bạn đọc