(VnMedia) - Nguồn thu từ khu công nghiệp Kaesong đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế của Triều Tiên. Tuy nhiên, lãnh đạo nước này vẫn quyết tâm đóng cửa khu công nghiệp này trong bối cảnh căng thẳng với Hàn Quốc gia tăng.
Triều Tiên hôm qua (8/4) tuyên bố, nước này đang rút khoảng 53.000 công nhân ra khỏi tổ hợp công nghiệp chung với Hàn Quốc – Kaesong.
Bình Nhưỡng cho biết, họ đang cho ngưng các hoạt động trong khu công nghiệp nằm ở khu vực biên giới được vũ trang dày đặc nối giữa hai miền Triều Tiên này.
|
Đường vào khu công nghiệp Kaesong. |
Động thái trên đã làm tổn hại nghiêm trọng, ít nhất là tại thời điểm này, đối với mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia láng giềng từ lâu vốn đã “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” .
Theo một số chuyên gia phân tích, việc đóng cửa khu công nghiệp Kaesong sẽ là một cái giá đắt đối với Triều Tiên – quốc gia đang nỗ lực xóa đói giảm nghèo. Thống kê của Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho thấy, riêng năm 2012, Triều Tiên đã thu được khoản lợi nhuận 80 triệu USD trong khoản doanh thu trị giá 470 triệu USD từ những hàng hóa sản xuất tại khu công nghiệp này.
Vậy Bình Nhưỡng hy vọng vào điều gì khi quyết định ngưng hoạt động tại khu công nghiệp trên? Có hai giả thuyết được đặt ra.
Thứ nhất là Triều Tiên đang muốn gây thêm áp lực cho Hàn Quốc
“Đây không phải lần đầu tiên Triều Tiên đưa ra lời đe dọa đối với tương lai của khu công nghiệp Kaesong. Nhưng đây có thể được coi là hành động mạnh tay nhất của Bình Nhưỡng đối với khu công nghiệp này trong suốt 8 năm hoạt động”, ông John Sudworth, phóng viên đài BBC nhận định.
Trong những cuộc khủng hoảng trước đây, Triều Tiên thường đưa ra tất cả các kiểu đe dọa quyết liệt để làm gia tăng căng thẳng nhưng cuối cùng cũng dịu giọng sau khi đạt được những thỏa thuận về kinh tế, ngoại giao với Hàn Quốc cũng như các bên liên quan.
Bởi vậy, có thể thấy rằng, động thái lần này của Triều Tiên cũng mang mục đích tương tự là gây sức ép đối với Hàn Quốc cũng như các đồng minh và Liên Hợp Quốc để dễ dàng đạt được một thỏa thuận nào đó mà nước này muốn hướng tới.
Thứ hai là Triều Tiên không còn lựa chọn nào khác
Không thể phủ nhận là Triều Tiên rất cần khoản tiền thu được từ khu công nghiệp Kaesong. Tuy nhiên, ông Leonid Petrov, một chuyên gia thuộc Đại học Quốc gia Australia từng nói với Tạp chí Guardian của Anh rằng, rất dễ hiểu nguyên nhân tại sao Triều Tiên lại kiên quyết đóng cửa khu công nghiệp trên. Theo ông, một khi Bình Nhưỡng đã tuyên bố tình trạng chiến tranh với Hàn Quốc thì đương nhiên họ không thể tiếp tục hợp tác sản xuất hàng hóa với quốc gia láng giềng.
Bên cạnh đó, việc đóng cửa các nhà máy trong khu công nghiệp cũng là một thông điệp mạnh mẽ mà Triều Tiên muốn gửi tới Hàn Quốc, đó là “Tiền chẳng có nghĩa lý gì đối với thể chế của họ và chương trình tên lửa hạt nhân cũng không phải dùng để mua bán và cũng không thể đánh đổi bằng tiền”.
Tổng thống Hàn Quốc thất vọng vì quyết định của Triều Tiên
Phản ứng trước động thái trên của Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc – bà Park Geun-hye hôm nay (9/4) đã lên tiếng bày tỏ thất vọng đối với quyết định này.
Trước đó, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cũng lên tiếng chỉ trích hành động đóng cửa khu công nghiệp Kaesong của Triều Tiên, nêu rõ: "Quyết định đơn phương của Triều Tiên trong mọi trường hợp là không chính đáng và Triều Tiên sẽ phải chịu trách nhiệm về mọi hậu quả”.
Trong tuyên bố của mình, Bộ này cũng bày tỏ quan điểm "vô cùng lấy làm tiếc" về quyết định trên của Triều Tiên.
Theo thông tin thực tế tại khu công nghiệp Kaesong, hiện các công nhân của Triều Tiên đã không còn đến đây làm việc.
Người phát ngôn của công ty dệt may Taewang và ít nhất hai công ty khác đang hoạt động tại đây cho biết: "Công nhân của Triều Tiên hôm nay đã không đến đây làm việc và hoạt động sản xuất đã bị ngừng lại".
Một số nguồn tin từ Kaesong cho biết, công nhân Triều Tiên gần đây không còn nói chuyện nhiều với đồng nghiệp Hàn Quốc nhưng cũng có chút than phiền về việc Kaesong bị đóng cửa. Họ lo lắng liệu họ có được tiếp tục làm việc nữa hay không.
Trong khi đó, khoảng 475 công nhân Hàn Quốc và các quản lý nhà máy vẫn đang làm việc tại khu công nghiệp cách đường biên giới với Triều Tiên chỉ khoảng vài km này. Chính phủ Hàn Quốc cho biết, 77 công nhân nước này sẽ trở về nhà trong hôm nay.
Giám đốc Điều hành một hãng dệt may khác của Hàn Quốc hiện đang có nhà máy vận hành ở Kaesong tối qua (8/4) cho biết, nhân viên của ông nói với ông rằng họ sẽ ở lại. Được biết, nhiều công nhân khác của Hàn Quốc vẫn đang lưỡng lự giữa việc đi hay ở lại, vì lo ngại quyết định của họ sẽ ảnh hưởng tới công việc cũng như hoạt động của công ty.
Nhiều người đã ngủ qua đêm tại các nhà nghỉ nằm ở thị trấn Paju, ở khu vực biên giới Hàn Quốc với hy vọng khu công nghiệp này sẽ sớm được mở cửa trở lại.
Kaesong là khu thương mại hợp tác giữa hai miền Triều Tiên. Khu công nghiệp này giúp tạo ra 2 tỷ USD mỗi năm và hoạt động kinh doanh ở đây mang về cho chính phủ Triều Tiên khoảng 80 triệu USD tiền mặt một năm.
Hiện đang có 123 công ty, nhà máy hoạt động, với khoảng 50.000 lao động Triều Tiên và vài trăm chuyên viên, quản lý của Hàn Quốc hoạt động tại khu công nghiệp nằm ở phía bắc khu phi quân sự được vũ trang dày đặc ngăn cách biên giới hai miền Triều Tiên này.
Ngoài lợi ích kinh tế, Khu công nghiệp Kaesong, khai trương hồi tháng 8/2000 này còn được coi là một biểu tượng cho sự hợp tác giữa hai miền Triều Tiên trên lĩnh vực kinh tế.
Ý kiến bạn đọc