Chiến đấu cơ Nhật-Trung đụng độ quyết liệt

08:05, 21/04/2013
|

(VnMedia) - Nhật Bản đã 306 lần ra lệnh cho chiến đấu cơ hiện đại của mình cất cánh khẩn cấp để chặn máy bay Trung Quốc xâm nhập vào không phận nước này trong năm tài chính 2012 vừa kết thúc hồi tháng 3 mới đây. Đây là con số kỷ lục cho thấy sự đối đầu quyết liệt giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở vùng tranh chấp trên biển Hoa Đông, nó cũng thể hiện sự cứng rắn của Tokyo. 
 

 Ảnh minh họa

 Trong những tháng gần đây, người ta liên tiếp chứng kiến Nhật Bản phải điều chiến đấu cơ thiện chiến của nước này đi đối phó với các vụ "xâm nhập" của máy bay Trung Quốc vào bầu trời trên quần đảo tranh chấp. Mới đây, hồi đầu tháng 1, cả khu vực nghẹt thở khi chiến đấu cơ uy lực F-15 của Nhật Bản có cuộc đối đầu nguy hiểm với máy bay chiến đấu tối tân J-10 của Trung Quốc.


Theo con số được Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố hôm 17/4, số lần chiến đấu cơ Nhật Bản cất cánh khẩn cấp đi chặn và giám sát máy bay Trung Quốc trong năm tài chính 2012 đã vượt qua con số 300. Đây là lần đầu tiên, số lần đối đầu giữa chiến đấu cơ Nhật Bản và máy bay Trung Quốc vượt số lần đối đầu giữa chiến đấu cơ Nhật Bản với máy bay Nga. Trong năm ngoái, Nhật Bản đã có 248 lần cử máy bay chiến đấu cất cánh để chặn máy bay Nga, tăng chỉ một lần so với năm tài chính trước đó.
 
Số lần máy bay chiến đấu Nhật Bản đi chặn máy bay Trung Quốc ở vùng tranh chấp đã tăng gần gấp đôi so với năm ngoái, và đạt mức cao nhất kể từ khi Bộ Quốc phòng Nhật Bản bắt đầu công việc thông báo những con số này định kỳ hàng năm từ năm 2001.
 
Máy bay một nước được lệnh cất cánh khẩn cấp khi họ thấy cần phải chặn một máy bay nước ngoài đang có ý định xâm nhập vào không phận của họ.
 
Sở dĩ số lần “đụng độ” giữa chiến đấu cơ Nhật Bản và máy bay Trung Quốc tăng cao một cách kỷ lục như vậy là do căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông giữa hai nước leo thang nghiêm trọng. Sau khi Tokyo quyết định “quốc hữu hóa” quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc liên tiếp đưa tàu thuyền và máy bay vào vùng tranh chấp. Nhật Bản cũng đáp trả mạnh mẽ, quyết không để Trung Quốc lấn tới.
 
Hồi tháng 12 năm ngoái, một máy bay Trung Quốc đã lần đầu tiên xâm nhập vào không phận Nhật Bản trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Kể từ đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã tăng cường hoạt động của các máy bay có hệ thống cảnh báo sớm. Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố sẽ theo dõi chặt chẽ mọi hành động từ nước láng giềng Trung Quốc.
 
Nhiều trong số máy bay Trung Quốc bay về hướng không phận Nhật Bản trong thời gian qua là máy bay chiến đấu nhưng người ta không thể xác định chính xác đó là những loại chiến đấu cơ gì. Số lần chiến đấu cơ Nhật đi chặn máy bay Trung Quốc tăng chóng mặt hàng quý tính từ tháng 4 năm ngoái, đầu tiên chỉ là 15 lần trong 3 tháng, sau đó là 54 lần, rồi 91 lần và 3 tháng gần nhất leo lên mức 146 lần.
 
Phản ứng trước những con số được công bố ở trên, Trung Quốc hôm qua (18/4) đã lên tiếng cáo buộc Nhật Bản làm leo thang căng thẳng trong khu vực bằng việc tăng cường sử dụng chiến đấu cơ để giám sát máy bay Trung Quốc bay gần khu vực chùm đảo đang nằm trong tranh chấp giữa hai nước.
 
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng, việc Nhật Bản sử dụng máy bay chiến đấu chỉ làm gia tăng căng thẳng. Ông này nói thêm, Bắc Kinh hy vọng hai bên sẽ có thể đàm phán với nhau để giải quyết cuộc tranh chấp lãnh thổ căng thẳng vào kéo dài ở biển Hoa Đông.
 
Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trong khi Nhật Bản gọi là Senkaku. Quần đảo này gồm 5 hòn đảo nằm cách đảo Okinawa, phía nam Nhật Bản, khoảng 160km, và cách Vùng lãnh thổ Đài Loan khoảng 200km. Chùm đảo nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan này có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Nó cũng nằm gần với các tuyến đường biển quan trọng.
 
Nhật Bản đang kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhưng Trung Quốc không chấp nhận điều này. Bắc Kinh đang tìm mọi cách để phá vỡ thế nguyên trạng ở đây, tiến dần tới việc giành quyền kiểm soát quần đảo ở biển Hoa Đông này. Tuy nhiên, ý định của Bắc Kinh đang vấp phải sự đáp trả quyết liệt từ phía chính quyền Nhật Bản dưới sự hậu thuẫn của đồng minh thân thiết là Mỹ.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc