(VnMedia) - Lo ngại căng thẳng kéo dài có thể khiến tình hình Biển Đông vượt ra khỏi tầm kiểm soát, lãnh đạo của các nước thành viên thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được cho là sẽ tận dụng cuộc họp tuần này để ép Trung Quốc đồng ý với việc khởi động tiền trình đàm phán về một thoả thuận mới nhằm ngăn chặn khả năng xảy ra xung đột lớn ở một trong những tuyến đường biển sôi động nhất thế giới.
Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang nỗ lực tìm kiếm một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. |
Theo tuyên bố được đưa ra ngày hôm nay (22/4), ASEAN tái khẳng định cam kết về việc bảo đảm tìm kiếm một giải pháp hoà bình cho các cuộc tranh chấp ở Biển Đông hiện nay. Giải pháp này sẽ tuân theo luật quốc tế và “không dùng đến những lời đe doạ hay vũ lực”.
Các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ thúc đẩy việc “sớm thông qua một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông” – một thoả thuận mang tính ràng buộc về pháp lý giữa ASEAN và Trung Quốc. Bộ Quy tắc này sẽ thay thế cho hiệp ước không xâm lược mà hai bên đã ký với nhau năm 2002 nhưng không thể ngăn được các cuộc đụng độ liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông hiện nay.
Cũng tại cuộc họp tuần này ở Brunei, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ tập trung vào việc tái củng cố sự đoàn kết trong hiệp hội sau khi để xảy ra tình trạng bất đồng chưa từng có về cách thức xử lý các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữa một số nước ASEAN với Trung Quốc.
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN sẽ chính thức khai mạc vào thứ Tư tới (24/4) tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei và sẽ kéo dài trong 2 ngày. Cuộc họp lần này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang áp dụng một lập trường ngày càng hung hăng, quyết liệt trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với các nước láng giềng.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với 4 nước thành viên ASEAN gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Tham vọng của Trung Quốc là độc chiếm Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên này.
Năm ngoái, ASEAN đã tìm kiếm một lập trường chung thống nhất của liên minh này đối với vấn đề tranh chấp ở Biển Đông nhưng nỗ lực đó đã bị ngăn cản bởi Campuchia – một đồng minh thân thiết của Trung Quốc và cũng là nước nắm giữ chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2012.
Năm nay, Brunei tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên ASEAN với quyết tâm cao là tìm cách thông qua được một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.
Trước đó, Brunei từng tuyên bố, ưu tiên hàng đầu của họ khi ở trên cương vị Chủ tịch ASEAN là tìm kiếm một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc được cả hiệp hội này và Trung Quốc nhất trí thông qua vào cuối năm nay.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines – ông Raul Hernandez hồi tuần trước tuyên bố, tại hội nghị ASEAN lần này, Tổng thống Benigno Aquino sẽ thúc đẩy việc sớm thông qua một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Indonesia - ông Marty Natalegawa cũng nhấn mạnh, ASEAN cần phải thiết lập một mặt trận thống nhất, đoàn kết trong vấn đề Biển Đông.
"ASEAN chỉ có thể gây ảnh hưởng đến các diễn biến của sự việc nếu chúng ta mạnh... và chúng ta cũng cần phải đoàn kết”, ông Natalegawa phát biểu.
Mặc dù các nhà lãnh đạo ASEAN thể hiện quyết tâm cao trong vấn đề Biển Đông nhưng theo giới phân tích, một bộ quy tắc ứng xử có tình ràng buộc mà ASEAN mong muốn sẽ chưa thể ra đời trong năm nay, nhất là khi Bắc Kinh vẫn khăng khăng muốn giải quyết “tay đôi” các cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc chỉ muốn đàm phán trực tiếp với từng nước có tranh chấp với họ thay vì đối diện với một khối ASEAN thống nhất.
"Mọi người đừng nên mong đợi có bước đột phá gì liên quan đến bộ quy tắc ứng xử trong cuộc họp sắp tới. Lập trường của Trung Quốc là nước này không sẵn sàng đối thoại với ASEAN về Biển Đông. Nếu Trung Quốc không muốn tiến lên phía trước thì chẳng có gì liên quan đến bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông có thể đạt được", ông Ian Storey – một nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, đã đưa ra nhận định như vậy.
Ý kiến bạn đọc