(VnMedia) - Một bé gái biến mất. Gia đình cầu cứu. Cảnh sát lạnh lùng. Em bé bị hãm hiếp tàn độc. Người dân Ấn Độ đang vô cùng phẫn nộ trước sự vô cảm đáng sợ của lực lượng cảnh sát trong một vụ việc nghiêm trọng như vậy.
|
Các nhà hoạt động vì quyền trẻ em tin rằng, vụ em bé 5 tuổi bị hãm hiếp và tra tấn một cách tàn bạo hồi tuần trước chỉ là vụ mới nhất trong hàng loạt vụ việc cảnh sát Ấn Độ phớt lờ, vô cảm trước những trình báo về các vụ trẻ em mất tích.
3 ngày sau khi mất tích, bé gái đáng thương mới được tìm thấy trong một căn phòng nhốt kín ở cùng khu nhà nơi gia đình em sinh sống ở ngay giữa thủ đô New Delhi.
Hơn 90.000 trẻ em mất tích ở Ấn Độ mỗi năm và hơn 34.000 em không bao giờ được tìm thấy. Một số bậc cha mẹ cho biết, họ đã đánh mất thời gian quý báu, quan trọng nhất bởi cảnh sát thường coi vụ những trẻ em mất tích là do chúng trốn nhà đi. Họ thường từ chối tiếp nhận đơn trình báo của gia đình hoặc không thì coi vụ việc là “vớ vẩn”, “vụn vặt”.
Cha mẹ của cô bé 5 tuổi kể lại, sau khi con gái biến mất, họ đã liên tục cầu xin cảnh sát tiếp nhận sự việc họ trình báo và mau chóng triển khai chiến dịch tìm kiếm. Tuy nhiên, câu trả lời mà họ nhận được từ lực lượng chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh cho người dân lại là “cái lắc đầu” lạnh lùng và tàn nhẫn.
3 ngày sau, những người hàng xóm nghe thấy tiếng trẻ em khóc từ một căn phòng khoá kín trong khu căn hộ. Họ phá cửa và vội vã đưa bé gái người bầm dập đến đồn cảnh sát.
Cha mẹ của em bé nạn nhân của vụ hãm hiếp tàn độc cho hay, phản ứng của cảnh sát bây giờ là đưa cho vợ chồng họ 2.000 rúp (tương đương 37 USD hay khoảng gần 800 nghìn đồng) để yêu cầu họ giữ im lặng về những chuyện đã xảy ra.
"Họ chỉ muốn chúng tôi biến đi. Họ không muốn theo đuổi vụ việc thậm chí khi họ tận mắt chứng kiến con gái chúng tôi bị thương tích khủng khiếp như thế nào", cha của bé gái cho biết.
Ông Neeraj Kumar – đại diện của lực lượng cảnh sát New Delhi, hôm qua (22/4) thừa nhận họ đã mắc sai lầm trong việc xử lý vụ việc của bé gái 5 tuổi. "Có những sai sót trong quá trình tiến hành vụ việc. Vì vậy, sĩ quan trực đồn công an và người phó của anh này đã bị đình chỉ công tác”, ông Kumar cho phóng viên biết.
Sự vô cảm của cảnh sát đã trở thành căn bệnh kinh niên?
Tuy nhiên, trường hợp cảnh sát thờ ơ với số phận của bé gái 5 tuổi nói trên không phải là hy hữu ở đất nước Ấn Độ. Đó mới là điều người ta quan tâm và lo lắng. Nhiều bậc cha mẹ nghèo khác có con mất tích cũng cho biết, cảnh sát thường chần chừ không muốn giúp đỡ họ.
Năm 2010, cảnh sát Ấn Độ đã mất tới 15 ngày chỉ để đưa trường hợp cậu bé 14 tuổi Pankaj Singh vào diện mất tích. Và giờ đây, người mẹ này vẫn mòn mỏi trông đợi con trai mình trở về.
"Mỗi ngày, chồng tôi và cha tôi đều chờ đợi ở đồn cảnh sát nhưng họ thường xua đuổi chúng tôi đi”, bà Pravesh Kumari Singh vừa khóc vừa kể khi bà ngồi trên giường của con trai với xung quanh toàn là tranh ảnh và sách của cậu bé.
Một buổi sáng tháng 3 năm 2010, bà Singh cho con trai ăn sáng xong rồi đi làm. “Nó nói với tôi là nó sẽ đi tắm và ngồi vào bàn học để chuẩn bị cho kỳ thi”, bà Singh vừa ôm ảnh con trai vừa sụt sùi cho biết.
Khi tôi trở về, thằng bé đã biến mất. “Hàng xóm kể lại, một số cậu bé đã gọi nó ra ngoài. Chúng tôi tìm kiếm khắp nơi, đến đồn cảnh sát nhưng họ từ chối tin rằng có chuyện gì xảy ra với con trai của chúng tôi”.
Cảnh sát cho rằng, “con trai tôi đã chạy đi với lũ bạn và nó sẽ trở về. Họ nói rằng, chắc chắn tôi đã mắng mỏ hay đánh đập nó nên nó mới bỏ nhà ra đi”, bà Singh cho biết.
Luật sư Bhuwan Ribhu cho biết, cảnh sát chỉ ghi nhận 1/6 các trường hợp trẻ em mất tích ở Ấn Độ trong năm 2011. Theo ông Rubhu, lý do cảnh sát từ chối tiếp nhận phần lớn các vụ mất tích là vì họ muốn giữ cho tỉ lệ phạm tội ở con số thấp hoặc là do bố mẹ của những em bé mất tích quá nghèo, không có tiền đút lót để họ quan tâm đến trường hợp của mình.
Luật sự Ribhu khẳng định, những giờ đầu tiên sau khi một cậu bé hay một cô bé mất tích bao giờ cũng là thời điểm quan trọng nhất. “Cảnh sát có thể phong toả các khu vực xung quanh, phát lệnh cảnh báo tại các ga tàu, trạm xe buýt và tăng cường cảnh giác với những kẻ bắt cóc”.
Sự trì hoãn thời gian đã tạo điều kiện cho những kẻ buôn bán, bắt cóc trẻ em chuyển các nạn nhân sang những nước láng giềng xung quanh và đó là nơi không thuộc thẩm quyền của cảnh sát Ấn Độ. Thậm chí, ở Ấn Độ còn không có cơ sở dữ liệu về những trường hợp trẻ em mất tích để cảnh sát có thể tham khảo, tra cứu thông tin.
Đáp lại sự giận dữ và lên án của người dân, cảnh sát Ấn Độ vẫn khăng khăng cho rằng, hầu hết những trường hợp trẻ em mất tích ở nước họ là do chúng tìm cách trốn chạy khỏi tình trạng nghèo đón thê thảm.
"Việc trách cứ cảnh sát không tìm kiếm bọn trẻ mất tích thì thật là dễ dàng. Một số bậc phụ huynh thậm chí còn chẳng có lấy một tấm ảnh của con hoặc nếu có thì cũng là những tấm ảnh thời chúng vài tuổi. Điều đó khiến cảnh sát rất khó xử lý vụ việc”, phát ngôn viên cảnh sát New Delhi – ông Rajan Bhagat đã bào chữa như vậy khi được hỏi về việc người dân phản ánh tình trạng vô cảm, thờ ơ của lực lượng cảnh sát trong những vụ việc liên quan đến trẻ em mất tích.
Bộ trưởng Phụ nữ và Phát triển trẻ em của Ấn Độ - Krishna Tirath phát biểu trước Quốc hội rằng, vấn đề trẻ em mất tích ở nước này đang ở mức “báo động”. Theo con số được Cục Điều tra Tội phạm Quốc gia công bố, trong năm 2011, có tới 34.406 trường hợp trẻ em mất tích không được tìm thấy, tăng gần gấp đôi so với năm 2009.
Các nhà hoạt động cho hay, một số trẻ em bị bắt cóc và bị đẩy ra đường ăn xin. Một số bị cưỡng ép làm việc trong các nông trại hoặc các nhà máy. Số khác bị bắt cóc và bị lấy các cơ quan nội tạng để đem đi bán. Trong khi đó, các em bé gái bị bán cho các nhà chứa hoặc bị ép vào một cuộc hôn nhân nào đó.
"Chính phủ chưa sẵn sàng đối mặt với nạn buôn bán, bắt cóc trẻ em cũng như tình trạng trẻ em mất tích. Điều này được phản ánh trong thái độ lạnh lùng, vô cảm của cảnh sát khi đối mặt với những vụ mất tích của trẻ em”, luật sư Ribhu nói thêm.
Năm 2006, Cục Điều tra Trung ương Ấn Độ cho biết, có ít nhất 815 băng nhóm tội phạm chuyên bắt cóc trẻ em cho đi ăn xin, làm gái mại dâm hay để đòi tiền chuộc. Tuy nhiên, cảnh sát chưa phá bất kỳ một băng nhóm nào nói trên từ đó đến nay.
Theo luật sư Ribhu, "dù cho chúng tôi có cung cấp cho cảnh sát tất cả mọi thông tin về đứa trẻ bị mất tích thì cảnh sát đơn giản cũng chẳng sẵn lòng hành động”.
Có tiền mới chữa được bệnh vô cảm của cảnh sát?
Một buổi chiều tháng 11 năm 2011, cậu con trai 11 tuổi của bà Pinky Devi đã mất tích tại một hội chợ gần nơi gia đình bà ở. Cậu bé đã không bao giờ trở về. Bà Devi cho hay, cảnh sát đã ghé thăm nhà bà mấy lần và nói chuyện với hàng xóm nhưng sau đó họ cũng chẳng tiến hành thêm gì nữa.
"Tôi chắc rằng, nếu tôi có tiền đưa cho họ, cảnh sát sẽ tích cực tìm kiếm con trai tôi hơn”, bà Devi buồn rầu cho biết.
Trong khi đó, Kunwar Pal, một công nhân xây dựng, lại sợ sự vô cảm, lạnh lùng của cảnh sát gây ảnh hưởng đến nỗ lực tìm kiếm cậu con trai có tên Ravi Kumar của ông.
Kẻ từ khi cậu bé 12 tuổi mất tích cách đây 3 năm, người cha tội nghiệp điên cuồng đi tìm con. Ông đạp xe khắp thủ đô rộng lớn của Ấn Độ, đến các đồn cảnh sát, các bến tàu, bến xe, bệnh viện, trại trẻ em để phát những tấm ảnh về đứa con mất tích với hy vọng sẽ tìm lại được nó. Mỗi lần nghe tin có đứa trẻ nào được tìm thấy ở bất kỳ đâu, ông đều đạp xe đến đồn cảnh sát mang theo hy vọng rằng đó là con trai Ravi thân yêu của ông.
Pal, người đàn ông gày gò đen đúa 45 tuổi với ánh mắt đầy ám ảnh, nhất định không tin vào điều tồi tệ nhất đã xảy ra với con trai mình. Ông vẫn bám víu vào tia hy vọng con trai ông bị một cặp vợ chồng vô sinh nào đó bắt đi và họ muốn cậu bé làm con của họ.
"Nếu họ có thể bằng cách nào đó cho tôi biết là con trai tôi vẫn còn sống thì tôi sẽ rất hạnh phúc. Họ có thể nuôi nó chỉ cần cho tôi nhìn thấy bóng nó. Chỉ cần cho tôi biết, nó an toàn”, Pal nói.
Pal tin rằng, cảnh sát sẽ nỗ lực hơn nếu ông không nghèo. "Nếu tôi giàu, con trai tôi có thể đã được tìm thấy. Nếu tôi có tiền, cảnh sát sẽ xử lý vụ mất tích của con trai tôi nghiêm túc hơn”, ông Pal cho biết.
Bà Shantha Sinha – người đứng đầu Uỷ ban Bảo vệ Quyền Trẻ em Quốc gia của Ấn Độ, thừa nhận, còn rất nhiều việc cần phải làm để khiến cảnh sát phải xử lý những trường hợp trẻ em mất tích một cách nghiêm túc.
"Chúng ta cần phải đưa ra thông điệp mạnh mẽ rằng, trong tất cả các vụ liên quan đến trẻ em mất tích, cảnh sát cần phải xem đó là một vụ án hình sự và nhanh chóng điều tra kịp thời", bà Sinha nhấn mạnh.
Kiệt Linh -
(theo AP)
Ý kiến bạn đọc