(VnMedia) - Hôm qua (7/4), Ấn Độ đã tiến hành phóng thử thành công tên lửa đất đối đất có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tự chế - Agni-II từ một căn cứ quốc phòng ở ngoài khơi bờ biển thuộc bang Odisha, miền đông nước này, một số nguồn tin cấp cao cho hay.
Nguồn tin trên cho biết: “Tên lửa tầm trung Agni-II đã được phóng thử từ Đảo Wheeler, ngoài khơi bở biển Odisha vào lúc 10h20 sáng (giờ địa phương). Tên lửa này mang theo một lượng chất nổ giả thay cho một đầu đạn hạt nhân trong vụ thử. Vụ phóng thử tên lửa này do Tư lệnh Lực lượng Chiến lược Quân đội Ấn Độ tiến hành và đã thành công”.
Ảnh minh họa
Tên lửa Agni-II do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng quốc doanh của Ấn Độ phát triển này đã được đưa vào biên chế của Quân đội Ấn Độ. Tên lửa dài 20 mét và nặng 17 tấn và có khả năng mang một đầu đạn nặng một tấn.
Agni-II là tên lửa đạn đạo thể rắn lưỡng cực, có tầm phóng hơn 2000km. Tên lửa áp dụng quán tính cộng với dẫn đường của hệ thống định vị dẫn đường toàn cầu, độ chính xác khoảng 45m.
Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ bắt đầu phát triển và thử nghiệm tên lửa Agni II từ năm 1999. Sau khi phóng thử thành công hai lần, năm 2002, tên lửa Agni-II bước vào giai đoạn sản xuất ban đầu. Đây là loại tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân nằm trong chính sách quốc phòng đánh chặn hạt nhân của Ấn Độ.
Thời gian tới, Ấn Độ có kế hoạch bắn thử nhiều loại tên lửa khác nữa như Agni-I và Agni-III, Agni-V Prithvi, Akash, Nag, Astra, Helina và Prahar. Gần đây nhất, Ấn Độ dự kiến sẽ tiến hành phóng thử tên lửa Agni-V với tầm phóng lên tới hơn 5000 km vào tháng 6 tới.
Ý kiến bạn đọc