(VnMedia) - Tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là sắp “tung” ra vũ khí bí mật có thể giúp ông chinh phục chính trường quốc tế. Đó chính là người vợ tài sắc vẹn toàn của ông – nữ ca sĩ lừng danh Trung Quốc Bành Lệ Viện.
Kể từ khi ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 11 năm ngoái, bà Bành Lệ Viện vẫn chưa chính thức xuất hiện với tư cách là phu nhân của Nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc. Mặc dù bà Bành Lệ Viện là nữ ca sĩ lừng danh ở trong nước nhưng công chúng vẫn háo hức chờ đợi sự xuất hiện của bà trên cương vị mới là Đệ nhất phu nhân Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhiều người Trung Quốc có thể hơi thất vọng bởi sự xuất hiện lần đầu tiên của Đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viện lại diễn ra ở nước ngoài. Tân Chủ tịch Trung Quốc được cho là sẽ đưa phu nhân của mình đi cùng trong chuyến công du đến Nga và Nam Phi vào cuối tháng này.
Ông Tập Cận Bình muốn tận dụng sự duyên dáng, quyến rũ và thanh lịch của người vợ xinh đẹp của mình để giúp ông xây dựng những cây cầu ngoại giao và cải thiện hình ảnh đang bị tổn hại đi ít nhiều của Trung Quốc sau các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông gần đây.
Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới, tân Chủ tịch Trung Quốc sẽ bay đến Moscow và sau đó đến Nam Phi vào cuối tháng này. Chuyến công du của ông Tập Cận Bình được dư luận quan tâm đặc biệt bởi sự xuất hiện của người phụ nữ tài sắc Bành Lệ Viện. Ông Tập Cận Bình đã cưới bà Bành Lệ Viện năm 1987 sau khi cuộc hôn nhân thứ nhất của ông đổ vỡ.
Bà Bành Lệ Viện là một ca sĩ nổi tiếng hàng đầu Trung Quốc. Bà thể hiện thành công những ca khúc về lòng yêu nước. Bà luôn là giọng ca chính trong các chương trình ca nhạc chào năm mới của quân đội Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua. Hiện tại, Đệ nhất phu nhân Trung Quốc đang giữ cương vị là Chủ tịch Học viện Nghệ thuật Quân đội Trung Quốc và có cấp hàm Thiếu tướng. Bà Bành Lệ Viện là người trẻ nhất cho đến nay nhận cấp hàm Thiếu tướng ở Trung Quốc.
Khi đi tháp tùng ông Tập Cận Bình trong chuyến công du đầu tiên sắp tới, bà Bành Lệ Viện được cho sẽ xuất hiện độc lập khi chồng bà dự hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Durban.
"Bà ấy có thể giúp Trung Quốc xây dựng quyền lực mềm”, một nguồn tin thân cận với Chủ tịch Tập Cận Bình đã cho biết như vậy.
"Bà ấy sẽ chinh phục trái tim của mọi người bởi tính cách ấm áp, dễ chịu của mình”, một người bạn của nữ ca sĩ có giọng hát cao vút cho biết.
Khi ông Tập Cận Bình được bầu làm Phó Chủ tịch Trung Quốc năm 2008, bà Bành Lệ Viện đã rút lui về hậu trường, từ bỏ tất cả các buổi biểu diễn để thích hợp với tư cách là phu nhân của các nhà lãnh đạo – những người luôn đứng lặng lẽ đằng sau các ông chồng nổi tiếng của họ. Đây là luật bất thành văn đã được các nhà lãnh đạo Trung Quốc áp dụng kể từ sau khi xảy ra sự kiện liên quan tới bà Giang Thanh, vợ của Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Bà Giang đã lợi dụng cuộc hôn nhân với ông Mao để “tung hoành”, thực hiện các cuộc thanh trừng, bắt giữ trong suốt cuộc Cách mạng Văn hóa những năm 1960 và 1970. Bà này đã phải chịu một kế cục bi thảm là nhận bản án tử hình hoãn thi hành vì tội chống đối chính quyền. Sau khi được ra khỏi tù, bà này đã tự tử.
Tuy nhiên, bà Bành Lệ Viện sẽ là người đầu tiên phá vỡ luật bất thành văn nói trên sau khi bà chính thức trở thành Đệ nhất phu nhân của Trung Quốc.
Việc đưa các Đệ nhất phu nhân ra bên ngoài để tăng cường hình ảnh của bản thân các Nhà lãnh đạo và đất nước đã được các Tổng thống Mỹ thực hiện từ rất lâu rồi. Từ thời John F.Kennedy đến Barack Obama, vai trò của Đệ nhất phu nhân Mỹ luôn nổi bật. Và bây giờ, ông Tập Cận Bình mới bắt đầu thực hiện chiến lược này. Việc ông Tập Cận Bình phá vỡ truyền thống trước đây ở Trung Quốc cho thấy, ông đã nhận ra rằng, Trung Quốc cần phải tìm các cách thức mới để kết bạn với bên ngoài trong bối cảnh hình ảnh của nước này trong thời gian qua đã bị ảnh hưởng tiêu cực vì một loạt vấn đề.
Các nước láng giềng của Trung Quốc cảm thấy ngày càng bất an trước việc nước này tăng cường sự hiện diện của hải quân trong khu vực và giữ lập trường ngày một hiếu chiến trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông, biển Hoa Đông. Trong khi đó, Washington tức giận trước những cuộc tấn công mạng được cho là xuất phát từ Trung Quốc và tình trạng ăn cắp bản quyền, sở hữu trí tuệ. Sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Châu Phi cũng gây ra lo ngại về việc sự thèm khát nguồn lực của cường quốc Châu Á này có thể gây phương hại đến quá trình phát triển và môi trường của địa phương.
Sự xuất hiện của bà Bành Lệ Viện với vai trò là Đệ nhất phu nhân được đánh giá là điều mới mẻ mang tính tích cực.
“Cũng giống như Trung Quốc cần học nhiều hơn về thế giới thì thế giới cũng cần biết nhiều hơn về Trung Quốc”, ông Tập Cận Bình đã phát biểu như vậy hồi tháng 11, sau khi được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Các nhà bình luận đều tin rằng, bà Bành Lệ Viện có thể giúp tăng uy tín cho chồng giống như các biểu tượng Đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy của nước Mỹ hay bà Raisa Gorbachov của Nga đã từng làm.
Ý kiến bạn đọc