Trung Quốc sẽ phải dè chừng Hải quân Ấn Độ

06:38, 28/03/2013
|

(VnMedia) - Chậm rãi nhưng chắc chắn, căn cứ hải quân hiện đại mới của Ấn Độ bắt đầu từng bước hình thành trên vùng ven biển phía đông. Căn cứ chiến lược hướng thẳng vào Trung Quốc này sẽ có bến tàu ngầm và hầm ngầm để bảo vệ các tàu ngầm hạt nhân khỏi các vệ tinh do thám cũng như những cuộc tấn công từ trên không của kẻ thù. 

 Ảnh minh họa


Tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Ấn Độ

Các nguồn tin cho biết, giới quan chức quân sự Ấn Độ đã có một loạt cuộc thảo luận, hội họp trong nhiều tháng qua nhằm vạch ra “các kế hoạch mở rộng” một căn cứ nằm gần Rambilli được gọi là Dự án Varsha trên bờ biển Andhra, cách Bộ Chỉ huy Hải quân Phía Đông của Ấn Độ ở Visakhapatnam chỉ khoảng 50km.
 
Mặc dù Dự án Varsha vẫn đang còn trong trứng nước nhưng nó được xem là câu trả lời cho căn cứ tàu ngầm hạt nhân quy mô lớn của Trung Quốc ở Yalong, đảo Hải Nam. Căn cứ này sẽ là "nhà" của tàu ngầm tấn công hạt nhân SSN lớp Shang và tàu ngầm hạt nhân chiến lược SSBN lớp Jin mang theo tên lửa đạn đạo tầm xa của Trung Quốc.
 
Dự án Varsha đã được bí mật khởi động từ cách đây vài năm nhưng Ấn Độ mới chỉ vừa bắt đầu cấp tập đẩy mạnh thực hiện dự án này bằng cách xây dựng các đường hầm ngầm, các cầu tàu, kho bãi, nhà xưởng và nơi ăn ở. Vì căn cứ sẽ được mở rộng thêm hơn 20km vuông nên công tác giải phóng mặt bằng đang được triển khai. Ấn Độ cũng đang lên kế hoạch dự trù phân chia ngân sách lâu dài cho căn cứ mới, một nguồn tin cho biết.

Việc thiết lập căn cứ hải quân nói trên của Ấn Độ phù hợp với chính sách chung của nước này trong việc củng cố lực lượng ở khu vực ven biển phía đông. Theo đó, Ấn Độ sẽ tăng cường triển khai tàu chiến mới, máy bay, máy bay do thám không người lái... nhằm đối phó với việc Trung Quốc đang tìm cách mở rộng “dấu chân” vào toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương.

Hoạt động triển khai vũ khí hải quân để bảo vệ đường bờ biển dài của Ấn Độ và canh giữ khu vực hành lang thương mại quan trọng có tính sống còn ở Ấn Độ Dương là điều vô cùng cần thiết đối với lợi ích của đất nước Ấn Độ. Giá trị chiến lược của việc triển khai lực lượng vượt ra bên ngoài phạm vi quần đảo Andaman được xem là một biện pháp răn đe, ngăn chặn trong bối cảnh quân đội Trung Quốc ngày càng mở rộng và ngày càng hiếu chiến.

Chương trình phát triển tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Ấn Độ sắp bước sang bước ngoặt mới với việc đưa tàu INS Arihant có trọng tải 6.000 tấn ra thử nghiệm ở ngoài khơi Visakhapatnam . Tàu INS Arihant cùng với 3 chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược tiếp theo của nó sẽ giúp hoàn thiện bộ ba vũ khí hạt nhân đang bị thiếu của Ấn Độ bởi những chiếc tàu ngầm này sẽ được trang bị loạt tên lửa đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm. Những chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược trên cùng với các tàu chiến khác sẽ được triển khai tại căn cứ hải quân mới của Ấn Độ.

Hải quân Ấn Độ có kế hoạch đưa vào triển khai ít nhất 3 chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang theo tên lửa đạn đạo (SSBN) và 3 chiếc tàu ngầm hạt nhân (SSN) trong tương lai nhằm tạo ra khả năng răn đe hạt nhân hiệu quả. Hơn nữa, sau khi tiếp nhận tàu ngầm INS Chakra có trọng tải 8.140 tấn trên cơ sở hợp đồng thuê 10 năm từ Nga hồi năm ngoái, Ấn Độ hiện giờ đang tiếp tục đàm phán để thuê thêm một chiếc tàu ngầm hạt nhân tương tự lớp Akula-II.

Trong những năm gần đây, thế giới chứng kiến một Ấn Độ hoàn toàn đổi khác. Nếu như trước đây, New Delhi được cho là luôn tìm cách thoái lui trước sự dọa dẫm của Trung Quốc thì nay tình hình đã thay đổi. Điều này được thể hiện rõ qua việc New Delhi trong thời gian qua liên tục tăng cường sức mạnh quốc phòng. Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong 5 năm qua. Nước này cũng đẩy mạnh hoạt động tự chế tạo vũ khí hiện đại.

Một quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ từng tuyên bố, họ muốn dựng lên một hàng rào bảo vệ vững chắc và đáng tin cậy trước một nước láng giềng khổng lồ được trang bị hết sức đầy đủ. Mục đích của New Delhi trong việc tăng cường sức mạnh quốc phòng một phần là nhằm đối phó với những thách thức an ninh từ phía Trung Quốc.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc