(VnMedia) - Lực lượng Hải quân Trung Quốc đã lần đầu tiên thực hiện một cuộc tập trận đổ bộ ở bãi cạn James – nơi nước này tuyên bố là “cực
Trang báo mạng chính thức People's Daily hôm qua (27/3) đưa tin, đội tàu chiến tham gia cuộc tập trận bao gồm tàu khu trục lớn Lanzhou, hai tàu khu trục nhỏ Yulin và Hengshui cùng với tàu đổ bộ Jinggangshan. Đây là những tàu thuộc dạng hiện đại nhất và có khả năng nhất của Hải quân Trung Quốc. Ngoài các tàu chiến còn có tàu thủy đệm khí, trực thăng, chiến đấu cơ và cả máy bay ném bom tham gia vào cuộc tập trận đổ bộ diễn ra hôm 26/3 ở bãi cạn James.
Những bức ảnh ghi lại cuộc tập trận cho thấy, tàu thủy đệm khí xuất phát từ tàu đổ bộ Jinggangshan cùng với những binh lính được trang bị áo phao đổ bộ lên bờ biển.
Các thủy thủ còn tham gia một buổi lễ trên bong tàu đổ bộ Jinggangshan, trong đó họ tuyên bố trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc và thề “đấu tranh hết mình để thực hiện giấc mơ về một quốc gia hùng mạnh”, tờ Tân Hoa xã đưa tin.
Việc Trung Quốc tiến hành một cuộc tập trận hải quân rầm rộ ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam và một cuộc tập trận đổ bộ ở khu vực bãi cạn cách bờ biển Malaysia chỉ khoảng 80km trong khi cách Trung Quốc tới 1.800km đã phơi bày rõ tham vọng và quyết tâm độc chiếm Biển Đông của nước này. Bắc Kinh rõ ràng đang đẩy mạnh việc xác lập “chủ quyền” theo đường lưỡi bò hay còn gọi là đường 9 đoạn hết sức phi lý và ngang ngược của họ.
Mỹ bất lực?
Hầu hết các chuyên gia hôm qua đều có chung nhận định, sự xuất hiện của đội tàu chiến Trung Quốc ở dãy đảo cách bờ biển của họ tới 1.800km là dấu hiệu rõ ràng cho thấy, Trung Quốc đang tiến tới thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Bãi cạn James là nơi tranh chấp giữa Trung Quốc và
Ông Michael Auslin, một chuyên gia về Đông Á của Mỹ, cho rằng, cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc ở cái mà nước này gọi là “cực Nam” của họ đã cho thấy, chính sách “hướng trọng tâm vào Châu Á” của chính quyền Tổng thống Obama chẳng đem lại kết quả gì nhiều cho những nước như Philippines và Nhật Bản. Theo chính sách trên, Mỹ tuyên bố sẽ tập trung những vũ khí quốc phòng hiện đại của họ vào khu vực kéo dài từ Trung Đông đến Đông Á.
"Chúng ta đang đánh mất niềm tin của các đồng minh và các bạn bè vì không can dự vào khu vực. Trung Quốc đang hiểu rằng, việc Mỹ không hành động là tín hiệu đèn xanh cho họ tiếp tục tiến lên” trong việc thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, ông Auslin nói thêm.
Trong khi đó, bà Stephanie Kleine-Ahlbrandt, Giám đốc Đông Bắc Á thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên về ngăn chặn xung đột, nhận định, cuộc tập trận hải quân đang diễn ra phù hợp với “chính sách chuyển tập trung sức mạnh từ trên đất liền sang sức mạnh hàng hải” của Trung Quốc. Chiến lược đó đã được thúc đẩy mạnh mẽ từ 2 năm nay và cùng với đó, Trung Quốc ngày càng thể hiện mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với các nước láng giềng trong khu vực, bà Kleine-Ahlbrandt nói.
Gary Li - một nhà phân tích cấp cao khác ở IHS Fairplay, London, miêu tả nhiệm vụ của đội tàu chiến đang tập trận ở Biển Đông là mang theo “một thông điệp mạnh mẽ đến bất ngờ” từ giới lãnh đạo Trung Quốc .
"Đó không phải chỉ là mấy cái tàu được triển khai ở đây hoặc kia mà là một con tàu đổ bộ hiện đại mang theo lính thủy đánh bộ và tàu thủy đệm khí cùng sự hậu thuẫn của một số những tàu hộ tống tốt nhất trong hạm đội. Chúng ta chưa từng chứng kiến bất kỳ diễn biến nào như thế này ở khu vực cực nam, cả về chất lượng và số lượng", ông Li đã nói như vậy với tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa
Theo nhà phân tích Auslin, Mỹ nên phản ứng với những hành động hiện nay của Trung Quốc và bảo đảm rằng, không có bất kỳ quốc gia riêng lẻ nào được phép kiểm soát cả một vùng biển rộng lớn. Ông Auslin cho rằng, Nhà Trắng nên tăng cường thiết lập các đội hình tàu chiến ở Biển Đông để thể hiện cho Trung Quốc thấy, “chúng ta sẽ hiện diện ở đây”. Động thái này cũng sẽ giúp củng cố sự tự tin của các đồng minh mà Mỹ đang bảo vệ nhằm đối diện với những thách thức từ nước láng giềng to lớn của họ, ông Auslin nói thêm.
Nhà Trắng đã từng tuyên bố, họ muốn thấy tất cả các bên đang có tranh chấp ở Biển Đông giải quyết tranh chấp của họ một cách hòa bình thông qua thể chế luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh mà Trung Quốc liên tiếp có những hành động hiếu chiến và hung hăng trong khu vực, tuyên bố trên chỉ gửi đi thông điệp rằng Mỹ sẽ không đối đầu với Trung Quốc, ông Auslin nói.
Những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay có thể phá hỏng 100 năm chính sách mà Mỹ đang duy trì. Đó là việc bảo đảm rằng sức mạnh hay quyền lực không thể lấn át ở những tuyến đường biển mở cho tất cả mọi người. “Liệu chúng ta có muốn sự thay đổi môi trường mà ở đó các mối quan hệ giữa các nước được quyết định bởi kẻ mạnh nhất? Đó là thời của thế giới thế kỷ 19”, ông Auslin đặt câu hỏi.
Ý kiến bạn đọc