Trung Quốc lại “phát sốt” trước tên lửa Mỹ

13:06, 19/03/2013
|

(VnMedia) - Trung Quốc hôm qua (18/3) đã bày tỏ sự phản đối trước kế hoạch dàn trận tên lửa đối phó với Triều Tiên của phía Mỹ. Trung Quốc cho rằng, kế hoạch củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ nhằm đáp trả hành động khiêu khích của Triều Tiên chỉ làm tăng sự thù địch. Bắc Kinh kêu gọi Washington hành động thận trọng.

 

 Ảnh minh họa

 Ảnh minh hoạ


Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - ông Chuck Hagel hôm 15/3 bất ngờ thông báo, ông đã ra lệnh cho quân đội tăng cường sức mạnh cho hệ thống phòng thủ tên lửa nước này bằng việc triển khai cùng lúc 14 tên lửa đánh chặn hiện đại. Động thái này được ông Hagel tuyên bố là để đáp trả “những hành động khiêu khích vô trách nhiệm và bất cẩn” của phía Triều Tiên sau khi nước này đe dọa sẽ thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu hạt nhân vào Mỹ.

 

Với kế hoạch trên, số lượng tên lửa đánh chặn mà Mỹ triển khai hiện nay sẽ tăng từ 30 lên 44. Những tên lửa này được thiết kế để có thể hạ gục tên lửa tầm xa đang bay trước khi chúng chạm tới lãnh thổ nước Mỹ.

 

Mỹ dường như biết trước được nỗi quan ngại của Trung Quốc về kế hoạch củng cố sức mạnh phòng thủ tên lửa của họ nên nước này được cho đã thông báo đầu tiên cho Bắc Kinh về quyết định của mình. Trong khi thông báo về kế hoạch đó, Mỹ đã bảo đảm với Trung Quốc và Nga rằng, hành động của họ không nhằm chống lại số lượng lớn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong kho vũ khí của Trung Quốc hay Nga mà chỉ tập trung vào mối đe dọa xuất phát từ Triều Tiên hoặc có thể là Iran. Khi đó, Mỹ không cho biết phản ứng của Bắc Kinh đối với thông báo của họ.

 

Tuy nhiên, ngày hôm qua (18/3), phát biểu tại một cuộc họp báo định kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – ông Hồng Lỗi đã nói: "Vấn đề lá chắn tên lửa có liên quan trực tiếp đến cán cân và sự ổn định của khu vực cũng như toàn cầu. Nó cũng liên quan đến những lợi ích chiến lược chung giữa hai nước”.

 

Ông Hồng Lỗi cho rằng, vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên chỉ có thể được giải quyết tốt nhất thông qua các phương tiện ngoại giao và kế hoạch tăng cường phòng thủ tên lửa của Mỹ sẽ chẳng giúp ích gì cho tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.

 

"Các hành động như việc củng cố sức mạnh phòng thủ tên lửa chỉ làm cho sự thù địch tăng lên và sẽ không có lợi cho việc tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề này", phát ngôn viên Hồng Lỗi cho biết.

 

Theo lời người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nước này “hy vọng các bên có liên quan tiến hành mọi việc trên cơ sở hòa bình và sự ổn định đồng thời duy trì một thái độ có trách nhiệm và hành động thận trọng”.

 

Việc Mỹ rầm rộ triển khai một loạt tên lửa đánh chặn tối tân không thể không khiến Trung Quốc cảm thấy lo ngại. Trước đây, Bắc Kinh đã nhiều lần thể hiện sự khó chịu, bất an trước việc Mỹ có kế hoạch các hệ thống lá chắn tên lửa ở Châu Á cũng như việc Mỹ bán những hệ thống này cho Vùng lãnh thổ Đài Loan và Nhật Bản. Bắc Kinh tin rằng, đó là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm “bao vây, kiềm tỏa” Trung Quốc. Mọi nỗ lực trấn an của Mỹ không thể xóa bỏ được nỗi lo ngại của Trung Quốc. Điều này cũng xảy ra tương tự với Nga.

 

Trung Quốc đã đáp trả bằng cách tự phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa của riêng mình. Nước này hồi tháng 1 thông báo đã thử nghiệm thành công hệ thống lá chắn tên lửa đó.

 

Bị đe dọa, Hàn Quốc tính kế phát triển vũ khí hạt nhân

 

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình bán đảo Triều Tiên, Seoul được cho là đang ấp ủ kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình do lo ngại trước “cơn mưa” lời đe dọa mà Triều Tiên “trút” xuống nước láng giềng trong thời gian gần đây.

 

Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận gần đây, có đến 2/3 công dân Hàn Quốc ủng hộ ý tưởng phát triển vũ khí hạt nhân, đặc biệt là sau khi Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân thứ ba hồi tháng 2 vừa rồi.

 

"Chúng ta – người dân Hàn Quốc, đã bị Triều Tiên lừa gạt trong suốt 20 đến 20 năm qua. Giờ là lúc người Hàn Quốc phải đối mặt với thực tế và phải làm điều mà chúng ta cần làm. Khả năng răn đe hạt nhân có thể là câu trả lời duy nhất. Chúng ta cần phải có năng lực hạt nhân", ông Chung Mong-joon – một nghị sĩ thuộc Đảng cầm quyền Saenuri của Hàn Quốc và từng là ứng cử viên tổng thống của phe bảo thủ, đã nói như vậy.

 

Việc bàn về khả năng Hàn Quốc tự trang bị vũ khí hạt nhân trước đây từng là điều cấm kỵ và không có chính phủ nào từng đề cập đến việc này. Tuy nhiên, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang leo thang cao độ và nó khiến người ta nhớ lại thời Chiến tranh Lạnh. Một số nhà bình luận trên báo chí Hàn Quốc bắt đầu kêu gọi phát triển vũ khí hạt nhân, nói rằng nước họ có công nghệ và sức mạnh kinh tế để phát triển loại vũ khí hủy diệt này trong một thời gian ngắn. Nhiều người dân Hàn Quốc cũng bắt đầu ủng hộ xu thế này.

 

Theo cuộc thăm dò được Viện Châu Á của Hàn Quốc tiến hành hồi tháng 2, có tới 66% người Hàn Quốc ủng hộ phát triển chương trình vũ khí hạt nhân. Cuộc thăm dò này cũng cho thấy, trong năm 2012, chưa đầy một nửa người dân Hàn tin rằng Mỹ sẽ cung cấp “cái ô hạt nhân” cho Hàn Quốc trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân từ Triều Tiên. Con số này đã giảm 7% so với năm 2011.

 

Theo cam kết về “cái ô hạt nhân”, Mỹ cam kết bảo vệ Hàn Quốc trước bất kỳ mối đe dọa hạt nhân nào. Tuy nhiên, gần đây, người dân Hàn dường như trở nên ít tin tưởng hơn vào “cái ô” này. Phản ứng của Hàn Quốc trước các động thái khiêu khích và những lời đe dọa của Triều Tiên hiện giờ đã thay đổi theo hướng cứng rắn hơn và quyết liệt hơn

 

Thay vì bỏ qua hoặc có những phản ứng vừa phải, Hàn Quốc mới đây thẳng thừng đe dọa sẽ làm “chính quyền Triều Tiên biến khỏi bề mặt trái đất” nếu dám tấn công phủ đầu hạt nhân vào nước này.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc