Trung Quốc lại lớn tiếng đe dọa Nhật Bản

08:53, 03/03/2013
|

(VnMedia) - Nhật Bản sẽ phải chịu trách nhiệm về hậu quả nếu bất kỳ vụ xung đột nào xảy ra do hành động quấy rối của nước này đối với các hoạt động thực thi pháp luật thông thường của Trung Quốc ở khu vực xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là lời cảnh báo vừa được một quan chức cấp cao Trung Quốc đưa ra ngày hôm qua (2/3).
 

 Ảnh minh họa

 
Ông Lyu Xinhua - phát ngôn viên của kỳ họp lần thứ nhất của Ủy ban Toàn quốc Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc (CPPCC) khóa 12


Ông Lyu Xinhua - phát ngôn viên của kỳ họp lần thứ nhất của Ủy ban Toàn quốc Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc (CPPCC) khóa 12, lớn tiếng tuyên bố: "Nhật Bản sẽ phải chịu mọi hậu quả nếu bất kỳ xung đột nào xảy ra do nước này tiếp tục các việc làm sai trái trong vấn đề Điếu Ngư, thậm chí là cả việc sử dụng tàu và máy bay của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản để quấy rối các hoạt động thực thi pháp luật thông thường của máy bay, tàu thuyền Trung Quốc”.
 
Theo lời ông Lyu, Trung Quốc với tư cách là một nước yêu chuộng hòa bình sẽ không bao giờ gây ra bất kỳ rắc rối nào nhưng cũng “sẽ không sợ bất kỳ kẻ quấy rối nào".
 
"Trung Quốc sẵn sàng chung sống hòa bình với tất cả các nước, trong đó có Nhật Bản, nhưng chúng tôi có những nguyên tắc và ranh giới riêng của chúng tôi”, ông Lyu cho biết như vậy tại một cuộc họp báo ở thủ đô Bắc Kinh ngày hôm qua. Ông này cũng khẳng định, Trung Quốc sẽ không thay đổi lập trường trong việc phát triển quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản theo nguyên tắc của 4 văn kiện chính trị đã được hai nước ký kết.
 
Tuy nhiên, “chúng tôi sẽ không bao giờ lùi bước trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc”, ông Lyu nhấn mạnh.
 
Vị quan chức cấp cao Trung Quốc đã kêu gọi giới lãnh đạo Nhật Bản “ngừng ngay việc đưa ra những lời phát biểu vô trách nhiệm và nỗ lực hơn nữa trong việc củng cố mối quan  hệ song phương giữa hai nước”.
 
"Trong tình hình hiện nay, điều quan trọng là Nhật Bản phải chấm dứt bất kỳ hành động nào gây hại đến chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc”, ông Lyu nói. Ông này tuyên bố, quần đảo Điếu Ngư là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc và phía Nhật Bản không có quyền “mua bán” lãnh thổ của Trung Quốc dù bất kỳ hình thức nào.
 
"Không cành cây, ngọn cỏ hay viên đá, cục đất nào trên quần đảo Điếu Ngư có thể được mua bán. Việc ‘mua lại quần đảo’ dù bất kỳ hình thức nào cũng là sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc”, phát ngôn viên của Trung Quốc đã nhấn mạnh như vậy. Ông này còn nói thêm rằng, Trung Quốc “tự tin và có đủ năng lực để duy trì chủ quyền lãnh thổ cũng như các quyền hàng hải của mình”.
 
Làm thế nào để tránh xung đột Trung-Nhật?
 
Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trong khi Nhật Bản gọi là Senkaku. Nhật Bản hiện đang kiểm soát quần đảo này nhưng Trung Quốc không chấp nhận điều đó và đang tìm cách thay đổi thực tế này. Cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bắt đầu trở nên nóng bỏng kể từ hồi tháng 9 năm ngoái khi Tokyo quyết định mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong vài tuần qua, cuộc tranh chấp này đang leo thang nguy hiểm từ dưới biển lên cả trên không. Giờ đây, không chỉ tàu thuyền hai nước thường xuyên gầm ghè nhau trên biển mà ở trên bầu trời, máy bay hai nước cũng liên tục đối đầu nguy hiểm.
 
Cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở biển Hoa Đông đang có nguy cơ vượt ra ngoài tầm kiểm soát và bùng nổ thành một cuộc xung đột quân sự mà chẳng nước nào, kể cả hai nước có liên quan trực tiếp, mong muốn xảy ra.
 
Vậy liệu có cách nào để tránh một kịch bản đáng sợ nói trên hay không?
 
Theo các chuyên gia, kịch bản đối đầu nguy hiểm giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á – Trung Quốc và Nhật Bản, có thể tránh được nếu Bắc Kinh quay trở lại thực hiện chính sách mà họ từng thực hiện trước đây, đó là gạt vấn đề chủ quyền sang một bên để ưu tiên thực hiện các dự án phát triển chung ở vùng tranh chấp.
 
Với việc Trung Quốc và Nhật Bản dường như đang tiến gần hơn bao giờ hết đến một cuộc xung đột vì một vài hòn đảo nhỏ, đã đến lúc các bên cần phải đưa ra một công cụ xây dựng hòa bình thực tế: Hướng các bên có tranh chấp tới một lợi ích chung. Chiến thuật này thường giúp làm dịu tình hình, tạo sự tin tưởng và kéo dài thêm thời gian.
 
Từ năm 2010, dù bằng hành động cố tình hay hữu ý, cả Tokyo và Bắc Kinh đều đã khiến cho cuộc tranh chấp lãnh thổ quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa họ leo thang. Họ đã hầu như quên một điều rằng, cách đây vài năm, hai nước đã từng bàn đến việc cùng nhau khai thác nguồn tài nguyên giàu có ở biển Hoa Đông. Trung Quốc và Nhật Bản khi đó đã gạt vấn đề chủ quyền sang một bên để ưu tiên các mục tiêu phát triển kinh tế chung.
 
Vì vậy, để giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay, Trung Quốc phải quay trở lại chiến lược cùng nhau chia sẻ, khai thác chung dầu mỏ và khí đốt ở quần đảo tranh chấp thay vì tìm cách xác lập quyền kiểm soát, thống trị trong khu vực. Chiến lược trên chẳng có gì mới. Cố Lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từng đưa ra một chính sách khôn ngoan liên quan đến quần đảo tranh chấp trên, đó là “gạt bỏ đối đầu, cùng nhau phát triển”.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc