Trung Quốc lại hành động ngang ngược với tàu thuyền Việt Nam

07:03, 14/03/2013
|

(VnMedia) - Các tàu tuần tra của Trung Quốc hôm qua (13/3) đã tiếp tục có hành động ngang ngược ở Biển Đông khi ngang nhiên xua đuổi hai tàu cá của Việt Nam đang hoạt động trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam .

 

Ảnh minh họa


Hai tàu đánh cá của Việt Nam đang hoạt động ở khu vực lãnh hải gần quần đảo Hoàng Sa trong buổi sáng ngày hôm qua thì bắt gặp một nhóm tàu của Cục Hải giám Trung Quốc đang tiến hành hoạt động tuần tra phi pháp trong vùng lãnh hải vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tàu thuyền Trung Quốc gần đây liên tục xâm nhập bất hợp pháp vào các vùng lãnh hải đang nằm trong tranh chấp ở Biển Đông.

 

Không chỉ dừng lại ở hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở vùng lãnh hải gần quần đảo Hoàng Sa, hai tàu Hải giám 262 và Hải giám 263 của Trung Quốc còn ngang ngược xua đuổi hai tàu đánh cá của Việt Nam ra khỏi khu vực với lý do nực cười là “nghi ngờ tàu cá Việt Nam đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng lãnh hải của Trung Quốc”. Vụ việc này xảy ra vào khoảng 10h sáng ngày hôm qua.

 

Hành động sai trái trên của Trung Quốc đã tiếp nối thêm vào danh sách dài một loạt những động thái vi phạm chủ quyền Việt Nam nghiêm trọng mà phía Trung Quốc đã thực hiện trong thời gian qua. Vụ việc ngày hôm qua cũng là vụ quấy nhiễu tàu thuyền Việt Nam thứ hai của phía Trung Quốc trong vòng chưa đầy 3 tháng qua. Hồi tháng 12 năm ngoái, tàu đánh cá Trung Quốc từng trắng trợn cắt cáp một tàu thăm dò của Việt Nam ở khu vực lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

 

Theo các quy định mà Trung Quốc đơn phương đưa ra hồi năm ngoái, nước này cho phép các tàu thuyền của họ xông lên khám xét và bắt giữ tàu thuyền của các nước khác ở các khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Những quy định này của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối dữ dội không chỉ của các nước liên quan mà còn cả của cộng đồng quốc tế.

 

Hai chiếc tàu tuần tra xua đuổi tàu cá Việt Nam là thuộc một đội tàu hải giám mà Trung Quốc cử đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ hôm 8/3 để thực hiện cái mà Bắc Kinh gọi là nhiệm vụ “tuần tra thường xuyên” ở Biển Đông.

 

Theo báo chí Trung Quốc đưa tin trước đó, đội tàu gồm 3 tàu – Hải giám 83, Hải giám 262 và Hải giám 263, cùng với máy bay trực thăng Hải giám B-7103, sẽ tiến hành tuần tra vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong 9 ngày liền. Trong đợt tuần tra này, Trung Quốc đã lần đầu tiên đưa trực thăng đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên trực thăng hàng hải Trung Quốc phối hợp với tàu thuyền cùng tuần tra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam kể từ khi Bắc Kinh trắng trợn tự thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa hồi tháng 7 năm ngoái. Cái gọi là thành phố Tam Sa có phạm vi bao phủ cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.

 

Trực thăng của Trung Quốc đã ngang nhiên lượn lờ trên bầu trời quần đảo Hoàng Sa và chụp những bức ảnh về quần đảo này từ trên cao.

 

Chuyến đi tuần tra phối hợp của tàu hải giám và trực thăng Trung Quốc đến quần đảo Hoàng Sa diễn ra chỉ vài ngày sau chuyến đi tuần tra tương tự đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

 

Kịch bản trên diễn ra tương tự như ở cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc biển Hoa Đông. Sau những màn đưa tàu thuyền vào uy hiếp tàu thuyền Nhật Bản ở vùng tranh chấp, hồi cuối năm ngoái, Trung Quốc cũng lần đầu tiên đưa máy bay vào không phận trên quần đảo tranh chấp này. Hiện tại, không chỉ tàu thuyền Trung Quốc, Nhật Bản gầm ghè nhau trên biển mà máy bay hai nước cũng thường xuyên có những cuộc đối đầu, rượt đuổi đầy nguy hiểm. Cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông đã leo thang nghiêm trọng từ dưới biển lên cả trên không.

 

Với những động thái mới nhất của Trung Quốc ở Biển Đông, cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa nước này với các nước láng giềng Đông Nam Á cũng có nguy cơ leo thang một cách đáng lo ngại như tình hình ở biển Hoa Đông hiện nay.

 

Mới đây, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cũng đã lên tiếng phản đối việc Bắc Kinh gần đây cử một số tàu Hải tuần thực hiện tuần tra tại Biển Đông, trong đó có khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ông Lương Thanh Nghị nhấn mạnh: “Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động tại các khu vực này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và chúng tôi kiên quyết phản đối”.

 

Kể từ khi những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải giữa Trung Quốc với một loạt các nước láng giềng ở Biển Đông và biển Hoa Đông trở nên căng thẳng và nóng bỏng, Trung Quốc liên tiếp đưa tàu thuyền vào các khu vực tranh chấp để quấy nhiễu, răn đe các nước khác. Những động thái kiểu này của Trung Quốc đã khiến hai vùng biển ở khu vực Châu Á thường xuyên “sôi lên sùng sục” và khiến các nước láng giềng bất bình.

 

Vụ tàu hải giám Trung Quốc ngang ngược quấy nhiễu hai tàu đánh cá của Việt Nam diễn ra đúng một ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ cử một đội đến thăm dò, điều tra quần đảo Senkaku/Điếu Ngư “vào một thời gian thích hợp”. Hành động này chắc chắn sẽ đốt nóng thêm căng thẳng trong cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc