(VnMedia) - Thời gian vừa qua, CHDCND Triều Tiên liên tục đưa ra những lời đe dọa đầy khiêu khích đối với Hàn Quốc. Mới đây nhất, Bình Nhưỡng tuyên bố đã đặt các đơn vị hỏa tiễn của mình ở mức sẵn sàng chiến đấu cao nhất và nhắm vào mục tiêu là các căn cứ quân sự của Hàn Quốc cũng như đồng minh Mỹ.
Trong lời đe dọa mới nhất của mình, Triều Tiên tuyên bố tất cả các đơn vị pháo binh chiến trường, trong đó có những đơn vị được vũ trang hỏa tiễn chiến lược và trọng pháo tầm xa, hiện đã được đặt vào “tư thế sẵn sàng chiến đấu” cao nhất.
Phát ngôn viên của đài truyền hình trung ương Triều Tiên cho biết, lực lượng vũ trang nước này sẽ “nhắm tất cả các căn cứ phòng thủ trên đất liền của Mỹ cũng như ở đảo Hawaii, Guam làm mục tiêu".
Bên cạnh đó, Triều Tiên còn tuyên bố, mục tiêu của họ gồm cả các cứ điểm ở Hàn Quốc cùng với lời cảnh báo đầy sắc lạnh rằng: “Chỉ phát đạn đầu tiên cũng có thể khiến mọi thứ nổ tung và biến thành tro bụi”.
|
Trong một động thái khác, hôm 26/3, Triều Tiên cũng đã công khai gửi thông báo lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó nói rằng, do Mỹ và Hàn Quốc “khiêu chiến hạt nhân” nên bán đảo Triều Tiên đang rơi vào trạng thái một cuộc chiến hạt nhân có thể nổ ra bất kỳ lúc nào.
Bản thông báo trên nhấn mạnh, hiện nay, một cuộc chiến hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hoàn toàn mang ý nghĩa thực tế, không còn chỉ dừng lại ở một cuộc “khẩu chiến” nữa.
Tuyên bố có vẻ hùng hồn và đầy quyết liệt nhưng liệu Triều Tiên có đủ khả năng "biến lời nói thành hành động" và thực sự sức mạnh quân sự của Triều Tiên có đủ sức đe dọa các quốc gia láng giềng hay không?
Sức mạnh quân sự Triều Tiên - mạnh về lượng, yếu về chất so với Hàn Quốc
Bán đảo Triều Tiên với chu vi 220.000 km là khu vực tập trung lực lượng quân sự đông nhất thế giới hiện nay với số quân cả hai miền lên tới khoảng 1,75 triệu. Sau cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1959, hai miền luôn duy trì một lực lượng quân sự khổng lồ khiến tình hình bán đảo Triều Tiên thường xuyên trong trạng thái "nóng", như một trái bom hẹn giờ, có thể bùng phát bất cứ lúc nào nếu một bên kích ngòi nổ.
Hiện nay, tổng quân số trong quân đội Triều Tiên ước chừng lên tới 1,06 triệu người, trong đó lục quân chiếm 923 nghìn quân với trên 6000 xe tăng thiết giáp (3500 xe tăng, 2500 xe thiết giáp); hỏa lực pháo binh các loại 28.200 khẩu, hơn 80 hệ thống tên lửa đất đối đất và 10 ngàn quả tên lửa phòng không.
Trong khi đó, tổng binh lực của Hàn Quốc chỉ là 672 nghìn quân, trong đó lục quân chiếm 560 nghìn và chỉ được trang bị 4620 xe tăng thiết giáp, hỏa lực pháo binh các loại 11.354 khẩu, 12 dàn phóng tên lửa đất đối đất, 1.830 quả tên lửa phòng không, số chiến đấu cơ của lực lượng thủy quân lục chiến lên tới 543 chiếc.
Xét riêng về hải quân, Triều Tiên có 47 nghìn người, cùng với lực lượng tàu chiến các loại gồm 780 chiếc (chiến hạm 247 chiếc, tàu ngầm thông thường trên 80 chiếc). Còn Hải quân Hàn Quốc có 60 nghìn quân với 350 tàu chiến các loại và 80 máy bay.
Không quân Bình Nhưỡng chiếm 85 ngàn người với 1.335 chiến đấu cơ, 300 dàn tên lửa phòng không cùng với 678 chiến đấu cơ các loại. Ngoài ra lực lượng quân sự dự bị của Triều Tiên còn lên tới 4,7 triệu quân. Trong khi đó, Lực lượng Không quân Hàn Quốc chiếm 52 nghìn người và được trang bị 669 chiến đấu cơ. Bên cạnh lực lượng quân thường trực, Hàn Quốc còn duy trì một đội quân dự bị với 4,5 triệu người. Lượng chiến đấu cơ của Hàn Quốc chỉ có 467 chiếc.
Như vậy, xét về số lượng có thể thấy Bình Nhưỡng đang chiếm thế thượng phong với tổng binh lực lớn gấp 1,6 lần Hàn Quốc và số vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự nhiều gấp đôi. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho rằng chất lượng và năng lực tác chiến của lực lượng quân sự của Hàn Quốc lại “vượt trội” hơn nhiều so với sức mạnh của quân đội Triều Tiên.
Xét về các loại xe tăng, phần lớn xe tăng của Hàn Quốc đều thuộc dòng K1 được sản xuất theo công nghệ từ những năm 1980 và 1990 trong đó có 1.500 xe tăng K1A1, vay mượn khá nhiều về thiết kế của xe tăng Abrams của Mỹ. Trong khi xương sống của lực lượng tăng thiết giáp Triều Tiên lại là các loại xe tăng được sản xuất từ thời Xô viết cũ, dựa trên công nghệ đã lỗi thời từ những năm 1950 và 1970.
Kể từ sau khi Liên Xô cũ sụp đổ, nguồn cung vũ khí và trang thiết bị quân sự hiện đại tân tiến cho Triều Tiên cũng bị cắt giảm nhiều, trong khi Hàn Quốc vẫn tiếp tục tăng cường sức mạnh tăng thiết giáp của mình cả bằng năng lực nội địa, và nhập khẩu từ các cường quốc quân sự, đặc biệt là Mỹ.
Còn về không quân, mặc dù Không lực của Quân đội Nhân dân Triều Tiên có số lượng chiến đấu cơ nhiều hơn hẳn so với Không lực Hàn Quốc. Tuy nhiên, xét về mặt chất lượng, theo đánh giá của các chuyên gia thì Không lực của Triều Tiên cũng chưa thể “đọ sức” với Hàn Quốc.
Chiến đấu cơ lỗi thời nhất của Hàn Quốc được chế tạo từ cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, trong đó có nhiều chiến đấu cơ F-16 của Mỹ và lực lượng này chiếm 51% sức mạnh tổng thể của Không lực Hàn Quốc. Trong khi đó, những “chú chim sắt” do Liên Xô cũ và Trung Quốc sản xuất của Không lực Triều Tiên lại được phát triển từ những năm 1950 – 1960 và chúng chiếm 78% sức mạnh không quân của Triều Tiên.
Các hệ thống tên lửa của hải quân Triều Tiên cơ bản là tên lửa thế hệ 1, khi tham gia tác chiến trong điều kiện gây nhiễu điện tử của chiến tranh hiện đại, những tên lửa này rất dễ bị bắn hạ trước khi tiếp cận được mục tiêu.
Tương tự, về hải quân, Hàn Quốc sở hữu các loại tàu chiến tối tân hơn nhiều so với lực lượng hải quân của Quân đội Nhân dân Triều Tiên. Theo đánh giá, với 20 tàu hộ vệ tên lửa trên 3.000 tấn, trang bị hỏa lực cực mạnh của Mỹ, Pháp…, hải quân Hàn Quốc còn được cho là sẽ trở thành “ngáo ộp” ở châu Á trong tương lai. Ngoài ra, số tàu chiến, tàu ngầm của Triều Tiên hiện nay chủ yếu được sử dụng vào mục đích tuần tra, trong tác chiến sẽ phải đối mặt với uy hiếp không nhỏ từ tên lửa hải quân Hàn Quốc.
Bởi vậy, đằng sau những lời đe dọa đầy đanh thép và mang tính khiêu khích, hiểm họa quân sự mà Triều Tiên có thể gây ra với Hàn Quốc dường như cũng không thực sự đáng sợ!.
Ý kiến bạn đọc