(VnMedia) - Một trang mạng tuyên truyền của Triều Tiên hôm qua (16/3) đã đưa ra lời cảnh báo tấn công đối với các hòn đảo của Hàn Quốc, đồng thời khuyến cáo công dân Hàn Quốc sơ tán khỏi các hòn đảo.
Trang web Uriminzokkiri có liên hệ với chính phủ Triều Tiên đã đề cập tới các mục tiêu, trong đó có đảo Yeonpyeong, nơi từng bị Triều Tiên dội mưa đạn pháo hồi năm 2010, khiến 2 binh sĩ và 2 dân thường Hàn Quốc thiệt mạng. Nhóm đảo phía Tây Hàn Quốc được coi rất dễ bị tấn công vì chúng chỉ nằm cách 10 km về phía Nam so với ranh giới trên biển giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.
Trang web Uriminzokkiri viết: “Thậm chí chỉ một tia lửa vô tình của các kẻ thù trong các cuộc tập trận cũng có thể biến thành một trận hỏa lực. Và thiệt hại đối với những người sống dọc biên giới và trên 5 đảo ở phía tây sẽ rất lớn”.
Một hình ảnh trong cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn
Những lời đe dọa này được đưa ra sau khi Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won thực hiện một chuyến đi thị sát đến đảo Yeonpyeong ở khu vực biên giới phía tây với Triều Tiên hôm 14/3.
Tại đây, Thủ tướng Chung Hong-won đã tìm cách trấn an người dân trên đảo đồng thời ra lệnh cho binh lính Hàn Quốc “đáp trả gấp 10 lần” bất kỳ hành động khiêu khích nào từ phía Triều Tiên. Phát biểu cứng rắn của Thủ tướng Hàn Quốc đã khiến Triều Tiên tức giận. Trong một tuyên bố được đăng tải trên hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên – KCNA, Bình Nhưỡng đã chỉ trích gay gắt những phát biểu mang tính đe dọa của Thủ tướng thứ nhất của chính quyền nữ Tổng thống Park Geun-hye. Bình Nhưỡng thậm chí còn đưa ra cảnh báo sắc lạnh rằng, Thủ tướng Hàn Quốc sẽ là “mục tiêu đầu tiên mà họ tiêu diệt”.
Kể từ sau khi tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 3 hôm 12/2 vừa qua và phải hứng chịu gói trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc, Triều Tiên đã đưa ra hàng loạt những lời đe dọa tấn công nhưng tất cả mới chỉ dừng lại ở lời nói.
Bình Nhưỡng đã đe dọa trả đũa các lệnh trừng phạt, trong đó có đe dọa tấn công hạt nhân phủ đầu nhằm vào Mỹ. Truyền thông nhà nước Triều Tiên cũng gia tăng giọng điệu đe dọa chống lại Hàn Quốc sau khi Mỹ và Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận chung quy mô lớn, bất chấp sự phản đối của Triều Tiên. Triều Tiên cho rằng cuộc tập trận thường niên Key Resolve 2013 chỉ là một cuộc tập trận trá hình nhằm diễn tập cho cuộc tấn công xâm lược lãnh thổ Triều Tiên.
Chính sách ngoại giao của Triều Tiên trong nhiều thập niên đã bị chi phối bởi các đe dọa tấn công quân sự và trao đổi vì chương trình hạt nhân của nước này.
Mặc dù Triều Tiên đã từ bỏ một phần trong chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ nhưng nước này vẫn tiếp tục phát triển tên lửa và làm giàu nguyên liệu hạt nhân.
Các tên lửa tiên tiến nhất của Triều Tiên có thể vươn tới bang Alaska của Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho rằng, Bình Nhưỡng chưa sở hữu tên lửa có thể mang một đầu đạn hạt nhân.
Trước đó, hôm 15/3, Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - ông Chuck Hagel thông báo, ông đã ra lệnh cho quân đội tăng cường sức mạnh cho hệ thống phòng thủ tên lửa nước này bằng việc triển khai cùng lúc 14 tên lửa đánh chặn hiện đại ở Fort Greely, Alaska. Theo đó, số lượng tên lửa đánh chặn mà chúng tôi triển khai hiện nay sẽ tăng từ 30 lên 44, trong đó có 4 tên lửa ở Căn cứ Không quân Vandenberg ở California”. Động thái này được ông Hagel tuyên bố là để đáp trả “những hành động khiêu khích vô trách nhiệm và bất cẩn” của phía Triều Tiên sau khi nước này đe dọa sẽ thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu hạt nhân vào Mỹ.
Những tên lửa đánh chặn mới được thiết kế để có thể hạ gục tên lửa tầm xa đang bay trước khi chúng chạm tới lãnh thổ nước Mỹ. Tuy nhiên, tổng chi phí cho việc triển khai một loạt tên lửa ở Alaska sẽ tốn không ít hơn 1 tỉ USD và kế hoạch này cần phải được Quốc hội Mỹ thông qua.
Ngoài 14 tên lửa đánh chặn bổ sung, Mỹ còn triển khai trạm radar phát hiện tên lửa thứ hai ở Nhật Bản.
Ý kiến bạn đọc