Tham vọng đưa chiến đấu cơ tàng hình ra biển của Trung Quốc

17:55, 14/03/2013
|

(VnMedia) - Nguyên mẫu chiến đấu cơ tàng hình tối tân nhất của Trung Quốc – J-31 có thể sẽ được đưa vào triển khai trên chiếc tàu sân bay đầu tiên của Hải quân nước này. Điều đó sẽ cho phép Bắc Kinh triển khai những chiếc máy bay chiến đấu có khả năng tránh được hệ thống radar khắp thế giới dù nước này phải vượt qua một số hạn chế lớn. Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự tin rằng, Trung Quốc còn lâu mới đạt được tham vọng nói trên. 

Ảnh minh họa

Phi cơ chiến đấu J-31 hai động cơ đã ra mắt công chúng trong một loạt bức ảnh không mấy rõ nét được chụp tại sân bay của Công ty Máy bay Thẩm Dương ở phía đông bắc Trung Quốc hồi cuối tháng 10 vừa rồi. J-31  “có thể trở thành chiếc chiến đấu cơ thế hệ mới cho tàu sân bay Trung Quốc”, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho biết. Thông tin từ báo chí Trung Quốc, trong đó có Thời báo Hoàn cầu, có thể được hiểu là thông báo chính thức từ chính phủ Trung Quốc.
 
Tuy nhiên, ông Sun Cong – nhà thiết kế chính cho dự án J-31, ám chỉ chiếc máy bay tàng hình mới của nước này sẽ cần phải được nâng cấp để thích hợp với việc triển khai trên tàu sân bay. Nói cách khác, J-31 sẽ chưa thể được đưa ra biển sớm trong thời gian trước mắt, dù báo chí Trung Quốc đang nói khá nhiều về lợi ích của cường quốc đang lên này trong việc đưa chiến đấu cơ tàng hình ra ngoài khơi xa.
 
Trong bất kỳ trường hợp nào, viễn cảnh về việc Trung Quốc đưa chiến đấu cơ tàng hình tối tân J-31 ra biển cũng đưa nước này vào “câu lạc bộ” những nước hàng đầu. Trong số khoảng hơn một chục nước sở hữu tàu sân bay, chỉ có một vài nước đang phát triển máy bay chiến đấu tàng hình triển khai trên tàu sân bay. Hiện tại, chưa có nước nào triển khai chiến đấu cơ tàng hình trên tàu sân bay. Hải quân Mỹ đang bắt tay vào phát triển máy bay chiến đấu F-35C cho tàu sân bay trong khi Anh, Italia cũng đang muốn mua F-35 cho những chiếc tàu sân bay của họ.
 
Với việc khởi động từ cách đây nhiều năm, các nước phương Tây có khả năng triển khai chiến đấu cơ tàng hình trên tàu sân bay trước Trung Quốc. Bắc Kinh chỉ vừa bắt đầu phát triển khả năng không quân cho lực lượng hải quân, đúng một thế kỷ sau khi Mỹ thiết lập đơn vị không quân riêng trên biển.
 
Từ lâu, người ta đã đồn đoán về sứ mệnh hải quân của máy bay chiến đấu J-31. Khi chiếc J-31 đầu tiên xuất hiện, các nhà quan sát nhận thấy nó có những bánh xe hai mũi cực bền, thích hợp cho việc hạ cánh trên tàu sân bay.
 
Tuy nhiên, đánh giá từ những bức ảnh nguyên mẫu J-31 có độ phân giải cao, các chuyên gia nhận định, chiếc chiến đấu tàng hình tối tân của Trung Quốc thiếu những đặc tính then chốt để trở thành máy bay chiến đấu cho lực lượng hải quân như không có một cái móc đằng sau đuôi máy bay. Để tiếp đất an toàn, mỗi chiếc máy bay đều bắt buộc phải được trang bị một cái móc ở sau đuôi gọi là tailhook. Mục tiêu của các phi công là móc tailhook vào một trong bốn sợi dây hãm (arresting wires) được căng ngang và làm từ thép cường lực trên tàu sân bay. Hai đầu sợi dây hãm được nối với hệ thống xi lanh thủy lực đặt ở dưới boong. Khi tailhook "chộp" được sợi dây và kéo đi, hệ thống xi lanh thủy lực sẽ hấp thụ năng lượng giúp chặn máy bay lại. Hệ thống dây hãm này có thể chặn đứng một chiếc máy bay 24.500kg đang lao đi với vận tốc 244km/h trong vòng 2 giây với khoảng cách 96 mét.
 
J-31 cũng không có cánh gập, thích hợp cho việc đưa nó vào khoang chứa máy bay dưới sàn tàu sân bay. Có lẽ, chính việc thiếu những đặc tính cần thiết cho việc triển khai trên tàu sân bay nên J-31 sẽ cần phải được nâng cấp lên một mô hình mới thích hợp với tàu sân bay. Bản thân nhà thiết kế chính của J-31 cũng đã thừa nhận điều này.
 
Bắc Kinh chắc rằng cũng không phải vội vàng phát triển chiến đấu cơ tàng hình cho tàu sân bay bởi nước này hiện tại mới chỉ sở hữu duy nhất một tàu sân bay và lại là một con tàu cũ được nâng cấp lại. Tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc vừa được đưa vào thử nghiệm trên biển hồi mùa hè năm 2011 và mới lần đầu tiên cho máy bay thực hiện một chuyến hạ cánh thử nghiệm trên tàu hồi tháng 11 vừa rồi. Báo chí Trung Quốc cho biết, tàu sân bay Liêu Ninh của họ sẽ thực hiện một chuyến đi biển dài ngày đầu tiên vào một thời điểm nào đó trong năm nay. Bắc Kinh đang hướng tới mục tiêu đưa tàu sân bay đầu tiên của họ tham gia vào các hoạt động ở tuyến đầu trong vòng 2 năm nữa. Trung Quốc đang tiến hành đóng những con tàu chở dầu có thể tiếp nhiên liệu cho tàu sân bay trong những chuyến triển khai làm nhiệm vụ dài ngày.
 
Bắc Kinh cũng đang lên kế hoạch tự đóng chiếc tàu sân bay đầu tiên của riêng mình. Quá trình này được cho sẽ chính thức khởi động trong năm nay. Tóm lại, trên lĩnh vực tàu sân bay – con tàu được ví là bá chủ đại dương, Trung Quốc vẫn là người mới hoàn toàn và vẫn còn bỡ ngỡ. Nước này được cho là còn lâu mới bắt kịp được các cường quốc phương Tây khác – những nước đã có lịch sử gần 100 năm phát triển tàu sân bay.

J-31 là máy bay chiến đấu cỡ trung với hai động cơ do Nga sản xuất. Trung Quốc đã khiến nhiều nước kinh ngạc khi tiết lộ về vụ thử đầu tiên của chiếc máy bay tàng hình tối tân này vào đầu năm 2011. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự có uy tín đều tin rằng, Trung Quốc còn lâu mới có thể có được một chiếc máy bay chiến đấu tàng hình thực thụ. Máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 của Trung Quốc còn bị nghi ngờ là được phát triển dựa trên việc bắt chước công nghệ từ Mỹ.


Kiệt Linh - (theo Wired)

Ý kiến bạn đọc