Tân Chủ tịch Trung Quốc coi trọng Nga hàng đầu?

18:41, 09/03/2013
|

(VnMedia) - Tân Chủ tịch Trung Quốc được cho là sẽ chọn Nga là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Điều này cho thấy, Bắc Kinh thực sự coi trọng việc phát triển mối quan hệ chiến lược với Moscow. Thông tin về chuyến công du đầu tiên của tân Chủ tịch Trung Quốc đã được Ngoại trưởng Dương Khiết Trì tiết lộ ngày hôm nay (9/3).
 
"Trung Quốc và Nga là những nước láng giềng lớn nhất của nhau và luôn coi nhau như là một cơ hội lớn để phát triển và là một đối tác ưu tiên cho mối quan hệ hợp tác”, tờ Tân Hoa Xã – cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc, dẫn lời ông Dương Khiết Trì cho biết tại một cuộc họp báo được tổ chức bên lề kỳ họp thường niên thứ nhất Quốc hội khóa 12.
 
Bình luận về chuyến thăm sắp tới, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì cho hay, Trung Quốc hy vọng, chuyến thăm của tân Chủ tịch nước này sẽ “truyền thêm động lực mới và mạnh mẽ hơn cho sự phát triển của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” giữa Trung Quốc với Nga.
 
Trung Quốc và Nga đã mở rộng phát triển mối quan hệ hợp tác về mặt kinh tế và an ninh. Hai nước này cũng theo đuổi các chính sách giống nhau trong nhiều vấn đề ngoại giao toàn cầu, trong đó có vấn đề Syria.
 
Trên thực tế, việc tân Chủ tịch Trung Quốc chọn Nga là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới không có gì là lạ. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng đã từng có lựa chọn tương tự. Tuy nhiên, chuyến công du đến Moscow lần này của tân Lãnh đạo Trung Quốc có nhiều ý nghĩa hơn ngoài việc đơn thuần phát triển mối quan hệ hợp tác gắn bó giữa hai nước.
 
Các nhà phân tích tin rằng, tân Chủ tịch Trung Quốc muốn dùng chuyến thăm sắp tới để “ve vãn”, lôi kéo Nga về phía mình nhằm làm đối trọng với Mỹ. Bắc Kinh được cho là đang bị Mỹ dùng chiến lược chuyển hướng trọng tâm về khu vực Châu Á để khép chặt vòng vây xung quanh nước này. Vì thế, Trung Quốc đang tìm cách đáp trả hành động của Mỹ.
 
Bằng cách lựa chọn Nga, tân Chủ tịch Trung Quốc muốn thể hiện với thế giới mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa Trung Quốc với Nga. Thông qua đó, Nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc cũng muốn cho Mỹ thấy, sức mạnh của Trung Quốc kết hợp với một cường quốc lớn như Nga sẽ khó đối phó như thế nào.

Nga và Trung Quốc không chỉ chia sẻ khá nhiều điểm chung trên mặt trận ngoại giao quốc tế mà còn có một địch thủ chung là Mỹ. Nếu như Nga đối đầu với Mỹ về vấn đề lá chắn tên lửa, nhân quyền thì Trung Quốc đối đầu với Mỹ về một loạt vấn đề từ kinh tế, Đài Loan, nhân quyền đến tranh giành ảnh hưởng ở Châu Á.

Nga và Trung Quốc hiểu rằng họ cần nhau để đối trọng với phương Tây do Mỹ dẫn đầu. Cả hai kết hợp với nhau sẽ tạo thành sức mạnh mà phương Tây không thể phớt lờ. Trung Quốc sẵn sàng ủng hộ các lợi ích then chốt của Moscow ở Trung Đông. Vì thế, Bắc Kinh cũng mong đợi sự đáp lễ từ phía Nga trong các vấn đề liên quan đến lợi ích của họ ở khu vực Châu Á.
 
Mỹ-Trung giành giật miếng bánh Châu Phi
 
Trong chuyến công du nước ngoài của mình, ngoài Nga, tân Chủ tịch Trung Quốc còn đến thăm một loạt nước Châu Phi gồm Nam Phi, Tanzania và Cộng hòa Congo.
 
"Trung Quốc và Châu Phi là những người anh em tốt, là bạn bè tốt và là đối tác tốt của nhau. Chuyến thăm của tân Chủ tịch Trung Quốc tới Châu Phi đã thể hiện đầy đủ sự coi trọng của chúng tôi dành cho mối quan hệ Trung Quốc-Châu Phi”, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã khẳng định như vậy tại cuộc họp báo.
 
Trong khi ở thăm Nam Phi, tân Lãnh đạo Trung Quốc sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nước BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Hội nghị này sẽ diễn ra ở Durban vào cuối tháng 3 này.
 
Trung Quốc trong nhiều thập kỷ này đã tìm mọi cách để ve vãn Châu Phi. Tuy nhiên, các nỗ lực của nước này bắt đầu được tăng tốc trong những năm gần đây khi Bắc Kinh phải tìm cách đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các nguồn lực tự nhiên và nhiên liệu cho nền kinh tế bùng nổ của nước này. Nền kinh tế Trung Quốc hiện giờ lớp thứ 2 thế giới, chỉ xếp sau Mỹ.
 
Năm ngoái, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã quyết định cấp khoản vay tài trợ lên tới 20 tỉ USD cho các nước Châu Phi trong vòng 3 năm tới. Đây là một phần của chính sách trợ giúp không ràng buộc mà Trung Quốc đang áp dụng ở Châu Phi và được khu vực này đánh giá rất cao.
 
Tuy nhiên, việc Trung Quốc tiến vào Châu Phi đã khiến Mỹ không hài lòng. Nhiều quốc gia phương Tây cáo buộc, Trung Quốc đang nhắm mắt làm ngơ cho các hành động vi phạm nhân quyền và tham nhũng trong việc phân phát nguồn viện trợ và vốn vay ở các nước Châu Phi với mục đích là để có thể tiếp cận với các nguồn lực như dầu mỏ, đồng và gỗ.
 
Thượng nghị sĩ Chris Coons - Chủ tịch Tiểu ban Châu Phi thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, mới đây kêu gọi Mỹ quan tâm hơn đến các lợi ích ở Châu Phi như một phần của chiến lược lớn hơn nhằm đối phó với việc Trung Quốc ngày càng tăng cường ảnh hưởng và đầu tư vào lục địa đen có gần 1 tỉ người này.
 
Phản ứng trước lời kêu gọi trên, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì cho rằng, những quan ngại của Mỹ và phương Tây về các hoạt động của Trung Quốc ở Châu Phi là không xác đáng và rằng lợi ích của Trung Quốc ở Châu Phi không có nghĩa là loại trừ các nước khác và nó phù hợp với nguyện vọng của nhân dân Châu Phi.
 
"Hiện tại, tất cả các nước đều đang đẩy mạnh hợp tác với Châu Phi và Trung Quốc chân thành hoan nghênh sự phát triển đó”, ông Dương Khiết Trì cho biết.
 
Ông Tập Cận Bình – người được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 11 vừa rồi, được cho là sẽ chính thức tiếp nhận chức Chủ tịch nước từ tay người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào vào tuần tới.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc