Ông Tập Cận Bình muốn lấy lòng tướng lĩnh qua ngân sách quốc phòng?

06:43, 06/03/2013
|

(VnMedia) - Tân Lãnh đạo Trung Quốc – ông Tập Cận Bình dường như đang tìm cách lấy lòng giới tướng lĩnh quân đội nước này bằng cách bảo vệ việc tăng ngân sách quốc phòng bất chấp tình hình kinh tế khó khăn. Ông Tập Cận Bình cũng đang xây dựng hình ảnh một vị lãnh đạo quân sự quyết liệt và mạnh mẽ khi Trung Quốc có cuộc tranh chấp lãnh thổ căng thẳng với Nhật Bản ở biển Hoa Đông cũng như khi Trung Quốc đang tìm biện pháp đối phó với chiến lược chuyển hướng trọng tâm về Châu Á của Mỹ.
 

 Ảnh minh họa

 Ông Tập Cận Bình trong một chuyến đi thị sát quân đội gần đây


Tại phiên khai mạc kỳ họp thường niên lần thứ nhất Quốc hội khóa 12 diễn ra ngày hôm qua (5/3), nhiều nguồn tin tiết lộ, ngân sách quốc phòng năm nay của Trung Quốc sẽ ở vào con số 720,2 tỉ USD (114,3 tỉ USD), tăng 10,7%. Đây là khoản ngân sách quốc phòng đầu tiên được công bố kể từ khi ông Tập Cận Bình tiếp quản chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy Trung ương – hai chức vụ cao nhất trong đảng và quân đội, hồi tháng 11 năm ngoái.
 
Chi tiêu quốc phòng năm nay tiếp tục tăng ở một tỉ lệ tương tự so với hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, mức tăng ngân sách quốc phòng năm nay được đưa trong bối cảnh mức tăng trưởng kinh tế chung của Trung Quốc đang bị chậm lại. Quốc hội Trung Quốc đã lần thứ hai liên tiếp thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP chính thức ở mức 7,5% so với mức tăng trung bình hơn 10% trong suốt 10 năm qua.
 
Các nhà ngoại giao và giới phân tích tin rằng, ông Tập Cận Bình đã tiến nhanh hơn mức mong đợi trong việc xây dựng hình ảnh là một nhà lãnh đạo quân sự mạnh mẽ. Chỉ trong vòng 100 ngày đầu ở trên cương vị mới, ông này đã thực hiện một loạt chuyến thăm đến các đơn vị lục quân, không quân, hải quân và các cơ sở chỉ huy tên lửa. Ông Tập Cận Bình cũng phát động một chiến dịch tăng cường năng lực của các lực lượng vũ trang Trung Quốc “trong chiến đấu và giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh”..
 
Ngoài ra, ông Tập Cận Bình còn nắm quyền chỉ huy và chỉ đạo trực tiếp một cơ quan liên ngành giám sát các hoạt động tuần tra quân sự và dân sự ngày càng tăng của lực lượng Trung Quốc ở các quần đảo tranh chấp với Nhật Bản. Hoạt động tuần tra này đang gây ra những cuộc đối đầu thường xuyên giữa tàu thuyền và máy bay hai nước Trung Quốc, Nhật Bản và có thể leo thang thành một cuộc xung đột quân sự bất kỳ lúc nào, nhiều chuyên gia phân tích quốc phòng đã nhận định như vậy.
 
Việc tân Lãnh đạo Tập Cận Bình tăng cường tham gia các hoạt động quân sự được cho là nhằm để củng cố sự ủng hộ dành cho ông này trong lực lượng vũ trang đồng thời xây dựng hình ảnh ông khác biệt hoàn toàn so với người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào. Ông Hồ Cẩm Đào được cho là đã phải khó khăn để duy trì quyền kiểm soát đối với các lực lượng vũ trang.
 
Tuy nhiên, Mỹ và các chính phủ nước ngoài khác đang theo dõi những dấu hiệu cho thấy, việc ông Tập Cận Bình thắt chặt hơn mối quan hệ với giới lãnh đạo quân sự có thể sẽ dẫn đến sự tiếp nối hoặc thậm chí là leo thang của Trung Quốc trong các hoạt động hung hăng nhằm tranh giành chủ quyền các vùng lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông giữa nước này với các nước láng giềng.
 
Lập trường trên kết hợp với việc Trung Quốc đang mở rộng và phát triển năng lực quân sự được cho là nhằm để ngăn cản các lực lượng Mỹ tiếp cận vào vùng lãnh hải gần bờ biển của Trung Quốc. Đây là một trong những nhân tố thúc đẩy chính quyền của Tổng thống Barack Obama hồi năm ngoái quyết định củng cố mối quan hệ thương mại và quốc phòng ở Châu Á. Bắc Kinh lên án các hoạt động của Mỹ là một âm mưu nhằm kiềm chế sức mạnh kinh tế và quân sự đang gia tăng của họ.
 
Ngân sách quốc phòng chính thức năm 2012 của Trung Quốc là vào khoảng 106 tỉ USD, tăng 11,2% so với năm 2011. Bắc Kinh tuyên bố, ngân sách quốc phòng của họ tăng lên phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế và không nhằm vào bất kỳ nước nào. Trung Quốc cũng lập luận, ngân sách quốc phòng của họ vẫn còn thấp hơn Mỹ rất nhiều. Thông thường, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc hàng năm đều được thông báo tại một cuộc họp báo diễn ra một ngày trước kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, năm nay, mọi việc không diễn ra như vậy.
 
Đề cập đến vấn đề tăng ngân sách quốc phòng, một nữ phát ngôn viên của Quốc hội Trung Quốc cho biết: "Dường như Trung Quốc hàng năm đều cần phải giải thích lý với thế giới bên ngoài về việc tại sạo chúng tôi lại củng cố quốc phòng và tại sao chúng tôi tăng chi tiêu quốc phòng”. Theo bà này, “nếu một nước lớn như Trung Quốc không thể bảo vệ được an ninh của riêng mình thì đó không phải là một tin tức tốt cho thế giới. Củng cố năng lực quốc phòng của Trung Quốc sẽ giúp tăng cường sự ổn định trong khu vực và đem lại lợi ích cho hòa bình thế giới”.
 
Các chuyên gia về quân sự Trung Quốc từ lâu luôn cho rằng, mức ngân sách quốc phòng thực sự hàng năm của Trung Quốc cao hơn rất nhiều so với con số công bố và ngân sách này chưa bao gồm các khoản đầu tư lớn cho việc nhập khẩu vũ khí, tự phát triển vũ khí trong nước và phát triển lĩnh vực quân sự trong chương trình vũ trụ.
 
Theo các chuyên gia, giới tướng lĩnh quân đội Trung Quốc cũng đang vận động hành lang để tăng chi tiêu quốc phòng lớn hơn nữa nhằm giúp họ đầu tư cho việc phát triển các hệ thống vũ khí đắt đỏ trong đó có tàu sân bay và chiến đấu cơ tàng hình.


Kiệt Linh - (theo NYT)

Ý kiến bạn đọc