Obama bắt đầu “ngán” phe nổi dậy Syria?

09:54, 23/03/2013
|

(VnMedia) - Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua (22/3) đã đưa ra một lời cảnh báo rất đáng sợ về nguy cơ một đất nước Syria thời hậu Assad trở thành thiên đường cho lực lượng Hồi giáo cực đoan. Liệu lời cảnh báo này có phải là dấu hiệu thể hiện sự quay lưng của Mỹ đối với phe nổi dậy Syria ?

 

Ảnh minh họa
Tổng thống Obama


Mỹ từ lâu đã luôn lo ngại về lực lượng chiến binh Hồi giáo cực đoan trà trộn trong phe nổi dậy Syria . Đây chính là lý do khiến Mỹ cho đến nay vẫn chần chừ không chịu đưa ra sự hậu thuẫn có tính quyết định cho phe nổi dậy Syria bất chấp những lời cầu khẩn liên tiếp từ lực lượng này. Thậm chí, Mỹ còn liệt một lực lượng rất mạnh trong phe nổi dậy Syria  vào danh sách những tổ chức khủng bố.

 

Trong thời gian qua, Washington đã nỗ lực “thanh lọc” các thành phần trong phe nổi dậy Syria theo hướng loại bỏ những lực lượng mà họ cho là phần tử cực đoan, khủng bố. Tuy nhiên, Mỹ đã không thành công trong nỗ lực này bởi lực lượng mà họ gán là tổ chức khủng bố ngày càng mạnh và có nhiều ảnh hưởng trong phe nổi dậy Syria. Điều đó dường như đang làm cho chính quyền của Tổng thống Obama ngày càng muốn rời xa phe nổi dậy Syria . Trên thực tế, Mỹ không phải không muốn lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad nhưng cường quốc số 1 thế giới có vẻ như lại sợ viễn cảnh đất nước Syria rơi vào tay lực lượng khủng bố hơn.

 

Ngày hôm qua, ông Obama đã đưa ra những phát biểu mới càng chứng tỏ sự “ngán ngẩm” của ông này với phe nổi dậy Syria. Ông chủ Nhà Trắng đã nói về viễn cảnh ác mộng mà ở đó các thể chế của đất nước Syria bị phá hủy đến mức khủng khiếp, đất nước bị chia rẽ bởi mâu thuẫn sắc tộc và lực lượng chiến binh Hồi giáo lên nắm quyền.

 

"Một thứ gì đó đã đổ vỡ trong đất nước Syria và nó sẽ không thể được hàn gắn lại một cách hoàn hảo ngay lập tức, thậm chí là kể cả sau khi Tổng thống Assad đã rút khỏi chính quyền. Tuy nhiên, chúng ta có thể bắt đầu tiến trình hướng tới một con đường tốt đẹp hơn và việc phe đối lập gắn kết với nhau là vô cùng quan trọng”, ông Obama cho biết.

 

Những phát biểu trên được Tổng thống Mỹ đưa ra tại một cuộc họp báo chung với Quốc vương Abdullah II của Jordan – chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du Trung Đông của ông này.

 

Obama quyết không can thiệp vào Syria

 

Tổng thống Obama tiếp tục chống lại áp lực từ một số nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ cũng như tân Ngoại trưởng John Kerry đòi Mỹ phải can thiệp nhiều hơn nữa vào tình hình Syria . Một số Thượng nghị sĩ của cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều đang kêu gọi ông chủ Nhà Trắng áp đặt vùng cấm bay để ngăn chặn Tổng thống Assad thực hiện các cuộc không kích nhằm vào phe nổi dậy. Trong khi đó, Ngoại trưởng Kerry muốn Mỹ cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy Syria .

 

Tuy nhiên, ông Obama tỏ ra không mấy mặn mà trong việc dính líu vào một cuộc chiến tranh khác bất chấp việc ông đang chủ trì kế hoạch rút quân Mỹ ra khỏi chiến trường Iraq Afghanistan . Bản thân trong cuộc chiến ở Libya , ông Obama cũng để Pháp và Anh giữ vị trí “chủ trò”.

 

Nói về sự chần chừ trong quyết định can thiệp vào Syria, Tổng thống Obama cho biết, viễn cảnh về việc các chiến binh Hồi giáo cực đoan hoạt động một cách công khai, tự do ở Syria thật sự đáng lo ngại.

 

"Tôi rất quan ngại trước việc Syria đang trở thành một nơi trú ẩn an toàn cho các phần tử cực đoan bởi những phần tử đó thường phát triển mạnh mẽ trong tình hình rối loạn. Họ chẳng có gì nhiều để đóng góp khi chúng ta thực sự phải xây dựng lại mọi thứ nhưng họ lại rất giỏi lợi dụng tình hình”, ông Obama nói thêm.

 

Trước thềm chuyến công du Trung Đông của ông Obama, các nhà phân tích chính sách đối ngoại ở thủ đô Washington cũng đã đưa ra lời cảnh báo về khả năng Syria biến thành một đất nước tan vỡ. Một nhà phân tích cho biết, khoảng một nửa nền kinh tế nước này đã đổ vỡ kể từ khi cuộc nội chiến bắt đầu bùng phát. Nếu Syria trở thành một khoảng trống quyền lực – nơi mà ở đó các chiến binh Hồi giáo cực đoan có thể hoạt động tự do, tự tại thì điều đó sẽ gây ra một mối đe dọa không chỉ cho Israel mà còn cho các nước láng giềng như Jordan và Li-băng.

 

Khi được hỏi tại sao Mỹ không can thiệp sâu hơn vào tình hình Syria, Tổng thống Obama đã trả lời: "Tôi nghĩ, sẽ công bằng khi nói, Mỹ thường thấy mình rơi vào tình huống mà ở đó nếu chúng tôi thực hiện hành động quân sự, chúng tôi bị chỉ trích là dùng vũ lực để giải quyết mọi việc nhưng nếu chúng tôi không thực hiện sự can thiệp bằng quân sự thì mọi người lại hỏi tại sao không làm thế?”

 

Mặc dù lo ngại về phe nổi dậy Syria , nhưng ông Obama vẫn khẳng định rằng, việc Tổng thống Assad phải ra đi là điều chắc chắn, không còn nghi ngờ gì nữa. “Đó không phải là vấn đề có hay không mà chỉ là vấn đề khi nào”, ông Obama nhấn mạnh.

 

Ông chủ Nhà Trắng kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp xây dựng một lực lượng đáng tin cậy để thay thế cho chính quyền Tổng thống Assad.

 

Trong một dấu hiệu khác chứng tỏ Tổng thống Obama có vẻ đang quay lưng lại với phe nổi dậy Syria, chính quyền Mỹ mới đây tuyên bố không có dấu hiệu chứng tỏ Tổng thống Assad dùng vũ khí hóa học trong cuộc tấn công cách đây vài ngày vào thành phố phía bắc Aleppo. Bất chấp việc Israel cùng một số quan chức Mỹ khẳng định quân của ông Assad dùng vũ khí hóa học chống lại phe nổi dậy, chính quyền của ông Obama vẫn lên tiếng bác bỏ thông tin này.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc