Nga lại tiếp tục xoa dịu tình hình Triều Tiên

08:15, 31/03/2013
|

(VnMedia) - Bộ Ngoại giao Nga hôm qua (30/3) đã lên tiếng kêu gọi các bên liên quan kiếm chế trong cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố “tình trạng chiến tranh” với Hàn Quốc.

Trước đó, cũng trong hôm qua, truyền thông quốc tế liên tục dẫn lời tuyên bố được đăng tải trên hãng thông tấn nhà nước chính thức của Triều Tiên -  KCNA cho hay, nước này “đang bước vào tình trạng chiến tranh” với Hàn Quốc. Triều Tiên đồng thời tuyên bố, từ thời điểm “tình trạng chiến tranh” được ban bố, tất cả các vấn đề nảy sinh giữa hai bên sẽ được giải quyết phù hợp theo tình trạng đó.

Ảnh minh họa
Đại tướng Kim Jong-un thị sát một cuộc tập trận diễn ra ở bờ biển phía đông Trều Tiên


Tuy nhiên, truyền thông Nga lại cho rằng, có thể có sự sai sót trong vấn đề dịch thuật, gây nên sự hiểu sai về những phát biểu của Bình Nhưỡng. Truyền thông Nga cho rằng, điều đó có thể làm gia tăng thêm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Theo báo chí Nga, tuyên bố gốc ban đầu của Triều Tiên rõ ràng nhấn mạnh, nước này sẽ hành động “phù hợp với luật chiến tranh” nếu bị tấn công và rằng “từ thời điểm đó, quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ bước vào tình trạng chiến tranh”.

Moscow “phản đối bất cứ tuyên bố và động thái nào gây leo thang căng thẳng và mong tất cả các bên kiếm chế tối đa và có trách nhiệm với số phận của Bán đảo Triều Tiên”, Bộ Ngoại giao nói trong một tuyên bố, đồng thời thêm rằng, Nga vẫn giữ liên lạc đầy đủ với các đối tác trong vòng đàm phán 6 bên, bao gồm Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản.


Hai miền liên Triều về mặt lý thuyết vẫn đang có chiến tranh với nhau bởi cuộc chiến Triều Tiên năm 1950-53 giữa họ mới chỉ kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến chứ không phải là một hiệp ước hòa bình. Khu vực Phi quân sự giữa hai quốc gia đến nay vẫn là khu vực biên giới được vũ trang dày đặc nhất thế giới.

Trong một diễn biến liên quan khác, ngay sau khi ban bố "tình trạng chiến tranh", Bình Nhưỡng tiếp tục đưa ra lời đe dọa sẽ đóng cửa một khu công nghiệp chung Kaesong với Hàn Quốc gần khu vực biên giới được canh phòng cẩn mật trên giữa hai nước nếu Hàn Quốc tiếp tục xúc phạm Triều Tiên.

Ảnh minh họa
Khu công nghiệp Kaesong

Tuyên bố có đoạn: “Nếu vẫn còn có những đối tượng tiếp tục cho rằng chúng tôi vẫn sẽ duy trì khu công nghiệp Kaesong để lấy nguồn thu, cũng như đưa ra những thông tin tương tự gây thiệt hại tới lòng tự tôn của chúng tôi, thì khu công nghiệp này sẽ lập tức bị đóng cửa”.

Việc đóng cửa khu công nghiệp Kaesong cũng đồng nghĩa với việc dự án chung biểu tượng giữa hai miền Triều Tiên phải dừng hoạt động.

Tuy nhiên, hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap sau đó đưa tin, Kaesong vẫn hoạt động bình thường. Khu công nghiệp là một trong những nguồn thu nhập lớn của Triều Tiên, và cũng là nơi hàng trăm công nhân, phương tiện Hàn Quốc ra vào mỗi ngày sau khi đi qua khu vực biên giới được vũ trang dày đặc giữa hai nước.

Lời đe dọa từ cơ quan chính phủ phụ trách khu công nghiệp ở Triều Tiên, cách biên giới 10 km về phía bắc được đưa ra sau khi sau khi Bình Nhưỡng hôm 27/3 tuyên bố cắt đường dây nóng quân sự cuối cùng với Hàn Quốc.


Trước đó, hôm 11/3, Hàn Quốc và Mỹ đã khai hỏa một cuộc tập trận quân sự thường niên quy mô lớn có tên hiệu là Key Resolve (Giải pháp then chốt) bất chấp sự phản đối kịch liệt của Triều Tiên. Có khoảng 10.000 binhlính Hàn Quốc và 3500 lính Mỹ tham gia cuộc tập trận này.

Triều Tiên cho rằng, cuộc tập trận được tổ chức nhằm đe dọa Triều Tiên và diễn tập cho một cuộc xâm lược, tấn công các cơ sở hạt nhân của nước này.


Để ngăn chặn hành động của Mỹ và Hàn Quốc, trước khi diễn ra cuộc tập trận, Bình Nhưỡng đe dọa sẽ tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ, đồng thời cảnh báo sẽ hủy bỏ Thỏa thuận đình chiến với Hàn Quốc.

Cuộc tập trận trên cùng với nghị quyết trừng phạt mới mà Liên Hợp Quốc áp đặt lên Triều Tiên sau khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 3 hôm 12/2 là một trong những "ngòi nổ" chính khiến căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên lên tới đỉnh điểm.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc