Mỹ tuyên bố từ bỏ lá chắn tên lửa, Nga chưa "thỏa lòng"

15:01, 19/03/2013
|

(VnMedia) - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - ông Chuck Hagel hôm thứ Sáu tuần trước (16/3) phát biểu tại một cuộc họp báo rằng, nước này sẽ từ bỏ kế hoạch thiết lập các hệ thống lá chắn tên lửa tối tân ở Ba Lan và sẽ thay thế bởi 14 tên lửa đánh chặn mới ở Bờ Tây nước Mỹ.

 

Tuyên bố trên được đưa ra ngay sau khi Triều Tiên hủy bỏ hiệp ước đình chiến với Hàn Quốc - một đồng minh thân cận của Mỹ.

Tuy nhiên, một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Nga hôm nay (19/3) cho rằng, Mỹ cần phải giải thích thích đáng với Nga về những thay đổi xung quanh kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu trước khi Moscow đưa ra quyết định của mình.

 

Ông Sergei Koshelev, người đứng đầu Cục Hợp tác Quân sự của Bộ Quốc phòng cho biết: “Mỹ cần phải giải thích một cách nghiêm túc những thay đổi của mình. Chúng ta cần đàm phán để hiểu thực chất những tuyên bố của Mỹ, những gì Mỹ sẽ từ bỏ và tiến hành trong kế hoạch lá chắn tên lửa của mình. Và chỉ khi nào nhận được giải thích của Mỹ, chúng tôi mới đưa ra quyết định”.

   

Bình luận về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga – ông Sergei Ryabkov hôm qua (18/3) cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ nhật báo Kommersant rằng, những thay đổi của Mỹ trong kế hoạch phòng thủ tên lửa ở châu Âu chưa giúp giải toả được nỗi quan ngại về an ninh quốc gia của Moscow.


Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Duma quốc gia Alexei Pushkov tỏ ra không mấy ấn tượng với tuyên bố mới của Mỹ.

 

"Phía Mỹ cho thấy lý lẽ của họ là sai lầm và khó tin khi thúc đẩy hệ thống châu Âu. Tình hình chỉ thay đổi cơ bản khi Nga nằm trong hệ thống chống tên lửa, không phải nằm ngoài nó", Bloomberg dẫn lời ông Alexei Pushkov nói.

 

Các quan chức Nga nghi ngờ, hệ thống tên lửa đánh chặn của Mỹ ở châu Âu là nhằm đối phó với tên lửa nước này và cho rằng họ sẽ không cân nhắc việc cắt giảm vũ khí hạt nhân nếu mối quan ngại này chưa được giải quyết. Các chuyên gia nhận định, tuyên bố từ bỏ các tên lửa đánh chặn được dự định triển khai tại Ba Lan và Rumani sẽ là cánh cửa giúp mở ra những vòng đàm phán Mỹ - Nga mới về cắt giảm vũ khí.

 

Theo các điều khoản của Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược có hiệu lực từ năm 2011, Mỹ và Nga sẽ chỉ được có không quá 1.550 đầu đạn chiến lược.


Đan Khanh - (theo RIA)

Ý kiến bạn đọc