(VnMedia) - Mỹ đang cho máy bay ném bom B-52 thực hiện các chuyến bay huấn luyện trên bầu trời Hàn Quốc nhằm nhấn mạnh cam kết của Washington trong việc bảo vệ đồng minh của họ trước một Triều Tiên ngày càng cứng rắn. Thông tin này đã được các quan chức của Lầu Năm Góc xác nhận ngày hôm qua (18/3).
Máy bay B-52
Thư ký báo chí của Lầu Năm Góc – ông George Little cho biết, một chiếc máy bay B-52 của Mỹ đã cất cánh trên bầu trời Hàn Quốc hôm 8/3. Trong khi đó, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ - ông Ashton Carter tiết lộ khi đang thực hiện chuyến thăm Seoul rằng, máy bay ném bom B-52 của Mỹ sẽ thực hiện một chuyến bay huấn luyện trong ngày hôm nay (19/3).
Máy bay ném bom B-52 có khả năng phóng tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, ông Little khẳng định, không có máy bay ném bom B-52 nào của Mỹ tham gia các cuộc tập trận ở Hàn Quốc được trang bị vũ khí hạt nhân.
Việc Lực lượng Không quân Mỹ sử dụng máy bay chiến đấu vào cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn hàng năm mang tên Foal Eagle không phải là lạ. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã tận dụng cơ hội lần này để lôi kéo sự chú ý đến vai trò của máy bay ném bom B-52 với tư cách là một phần trong “cái ô hạt nhân” của Mỹ nhằm bao vệ cho Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây là hai nước đang cảm thấy bị đe dọa bởi chương trình phạt triển hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên.
“Chúng tôi quan ngại sâu sắc về những hành vi và phát ngôn từ phía Triều Tiên hiện nay”, phát ngôn viên Little hôm qua đã nói như vậy với các phóng viên.
Trong một động thái rõ rệt hơn cho thấy sự quan ngại của Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng nước này – ông Chuck Hagel hồi tuần trước đã tuyên bố sẽ củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa bằng việc triển khai thêm 14 tên lửa đánh chặn ở Alaska. Những tên lửa này có thể đánh chặn các tên lửa đang bay tới trước khi xâm nhập vào lãnh thổ của Mỹ.
Theo lời ông Hagel, có 3 diễn biến ở Triều Tiên khiến Mỹ buộc phải hành động bằng cách “đổ” 1 tỉ USD vào dự án nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa nói trên. Thứ nhất là vụ thử tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng hồi tháng 2 vừa rồi. Thứ hai là vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm xa của Triều Tiên hồi tháng 12 năm ngoái. Diễn biến thứ ba là việc hồi tháng 4 năm ngoái, Triều Tiên trình làng một tên lửa xuyên lục địa KN-08 được tin là có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ.
Mặc dù không được Bộ trưởng Hagel đề cập đến nhưng việc Triều Tiên mới đây “tung” ra lời đe dọa tấn công phủ đầu hạt nhân Mỹ cũng là điều khiến Washington phải lo ngại.
Trong khi ở thăm Seoul, Thứ trưởng Carter đã phát đi hai thông điệp cho hai miền liên Triều: một là lời cảnh báo nhằm vào Bình Nhưỡng về những lời đe dọa gần đây, và hai là lời bảo đảm của Mỹ về việc những tranh cãi về cắt giảm chi tiêu ngân sách quốc phòng gần đây ở Mỹ sẽ không ảnh hưởng gì đến cam kết bảo vệ Hàn Quốc.
Ông Carter nhấn mạnh, những lời đe dọa của Bình Nhưỡng chỉ khiến Mỹ tăng cường thêm cam kết bảo vệ Hàn Quốc. Theo ông này, lời cam kết của Washington bao gồm cả “cái ô hạt nhân” mà Mỹ dành cho Seoul – nước không có vũ khí hạt nhân. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ tái khẳng định, việc nước này phải cắt giảm chi tiêu ngân sách quốc phòng sẽ không làm thay đổi nỗ lực của Lầu Năm Góc trong việc đặt mục tiêu bảo vệ Hàn Quốc là một ưu tiên.
Sau Mỹ, Hàn, Triều Tiên đe dọa Nhật Bản
Bán đảo Triều Tiên trong những ngày này đang biến thành một “chảo lửa” nóng bỏng bởi một loạt những lời đe dọa và những bước đi quân sự đầy thách thức của phía Bình Nhưỡng. Chảo lửa này có thể bùng cháy bất kỳ lúc nào.
Các hành động của Bình Nhưỡng là sự đáp trả đối với việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào nước này vì vụ thử hạt nhân thứ ba hồi tháng 2. Triều Tiên đã đe dọa chiến tranh toàn diện với Hàn Quốc và tấn công phủ đầu hạt nhân Mỹ. Song song với đó, chính quyền của Nhà lãnh đạo Kim Jong Un còn hủy bỏ các thỏa thuận không xâm lược lẫn nhau với Hàn Quốc, vô hiệu hóa thỏa thuận đình chiến, tiến hành tập trận rầm rộ và sơ tán cơ quan chính phủ cũng như người dân....
Sau những lời đe dọa sắc lạnh nhằm vào nước láng giềng Hàn Quốc và cường quốc Mỹ, Triều Tiên hồi cuối tuần vừa rồi tiếp tục “tung” ra lời cảnh báo ớn lạnh nhằm vào Nhật Bản.
Hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên – KCNA dẫn lời một tuyên bố được phát đi từ Bộ Ngoại giao Triều Tiên hôm 17/3 cho biết, sẽ là một sai lầm tai hại nếu Nhật Bản nghĩ rằng nước này sẽ an toàn khi một cuộc chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên.
Tuyên bố trên cảnh báo, Nhật Bản sẽ phải đối mặt với một cuộc tấn công khủng khiếp nếu nước này “thông đồng” với Mỹ.
Lời đe dọa mới nhất được chính quyền của Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un đưa ra chỉ vài ngày sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ - ông Tom Donilon cho biết, Washington sẵn sàng tổ chức “những cuộc đàm phán đích thực” với Bình Nhưỡng nếu nước này chịu thay đổi cách ứng xử.
Ý kiến bạn đọc