Mỹ, Nhật lên kế hoạch quân sự chống Trung Quốc

07:04, 23/03/2013
|

(VnMedia) - Nhật Bản và Mỹ được cho là đang cùng nhau phác thảo một kế hoạch chống lại bất kỳ hành động quân sự nào của phía Trung Quốc nhằm chiếm giữ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang nằm trong tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh.

Ảnh minh họa


Một quan chức quốc phòng Mỹ ở Washington hôm 20/3 cho biết, Tướng Shigeru Iwasaki – Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, đã có cuộc gặp ở Hawaii trong tuần này với người đứng đầu Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ - Đô đốc Samuel Locklear, để thảo luận về một kế hoạch đánh chiếm lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nếu nó bị Trung Quốc xâm lược.
 
Mỹ và Nhật Bản được cho là đã cập nhật kế hoạch chung nhằm bảo vệ quần đảo ở biển Hoa Đông đang nằm trong sự giành giật quyết liệt của Tokyo và Bắc Kinh.
 
Tuy nhiên, vị quan chức giấu tên của Mỹ nhấn mạnh, hành động cập nhật kế hoạch bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của họ là mang tính định kỳ, không thể hiện sự thay đổi trong lập trường của Mỹ về việc kêu gọi tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp. Trên thực tế, các nhà lập chính sách của Mỹ cho biết, trong những ngày này, họ cảm thấy phấn khởi khi thấy Bắc Kinh phát đi tín hiệu muốn làm dịu căng thẳng với Tokyo trong cuộc tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông.
 
Thông tin về việc Mỹ, Nhật cập nhật kế hoạch bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư được đăng tải lần đầu tiên trên tờ báo Nikkei của Nhật Bản hôm 20/3. Vị quan chức quốc phòng Mỹ nói trên cho biết, Mỹ “cảm thấy không vui” trước sự rò rỉ thông tin này bởi điều đó đe dọa sẽ gây ra sự hiểu lầm về lập trường của Mỹ đối với cuộc tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
 
Trung Quốc và Nhật Bản đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư trong khi Tokyo gọi là Senkaku. Trong nhiều tháng liên tục vừa qua, Bắc Kinh liên tục đưa tàu thuyền và máy bay vào khu vực tranh chấp nhằm thách thức sự kiểm soát của Tokyo đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
 
Washington – đồng minh thân thiết nhất của Tokyo, từ lâu đã thừa nhận,  hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật bao trùm cả quần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông. Cụ thể, nếu Nhật Bản bị bất kỳ một bên thứ ba nào xâm lược hay tấn công thì Mỹ phải có trách nhiệm bảo vệ Nhật Bản. Tuy nhiên, Washington cũng luôn khẳng định, một cuộc xung đột quân sự ở khu vực tranh chấp sẽ là sai lầm nghiêm trọng. Trong khi cam kết bảo vệ Nhật Bản, Mỹ tuyên bố đứng trung lập trong các cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
 
Các quan chức quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, Lầu Năm Góc thường xuyên định kỳ cập nhật các kế hoạch quân sự để đối phó với các cuộc xung đột tiềm năng. Giới quan chức Mỹ từ chối cho biết cụ thể họ đã cập nhật kế hoạch bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư như thế nào và kế hoạch mới có thay đổi thế nào so với kế hoạch cũ. Tuy nhiên, những kế hoạch kiểu này thông thường bao gồm một loạt kịch bản, từ việc nỗ lực ngăn chặn kẻ thù chiếm quần đảo đến việc đánh chiếm lại quần đảo sau một cuộc xung đột.
 
"Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chúng tôi có một kế hoạch nhằm bảo vệ đồng minh của mình trước một cuộc xâm lược trong tình hình căng thẳng”, một quan chức Mỹ cho biết.
 
Phản ứng quyết liệt của Trung Quốc
 
Trung Quốc chắc chắn là không thể không tức giận trước thông tin về việc Mỹ, Nhật lên kế hoạch chống lại họ ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
 
“Trung Quốc cực kỳ quan ngại trước những thông tin này. Chính phủ Trung Quốc có quyết tâm và có khả năng để duy trì chủ quyền lãnh thổ của quốc gia”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – ông Hồng Lỗi tuyên bố.
 
Ông này cũng nhấn mạnh thêm: "Không có bất kỳ áp lực nào từ bên ngoài có thể ảnh hưởng đến quyết tâm và ý chí của chính phủ và nhân dân Trung Quốc trong việc duy trì chủ quyền lãnh thổ”.         
 
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thề sẽ bảo vệ “vững chắc” sự toàn vẹn lãnh thổ. “Quyết tâm và ý chí của quân đội Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ là rất vững chắc. Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ hành động nào nhằm làm phức tạp thêm nữa tình hình”, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố.
 
Căng thẳng xung quanh cuộc tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã leo thang từ tháng 9 năm ngoái sau khi Tokyo mua lại 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp từ tay một người chủ sở hữu tư nhân. Kể từ đó, tình hình mỗi lúc một đáng quan ngại khi tàu thuyền hai nước thường xuyên chơi trò “mèo vờn chuột” đầy nguy hiểm ở vùng biển tranh chấp. Tiếp đó, máy bay hai nước cũng liên tiếp đối đầu, chặn đuổi nhau ở bầu trời trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Không ít lần thế giới gần như nghẹt thở vì những diễn biến hết sức nguy hiểm tưởng chừng như đã đẩy Trung Quốc và Nhật Bản vào một cuộc xung đột vũ trang. Trong một diễn biến được cho là đỉnh điểm của sự căng thẳng, hồi tháng 1 vừa rồi, tàu khu trục của Trung Quốc đã chĩa radar ngắm bắn tên lửa vào một tàu chiến của Nhật Bản.
 
Theo các quan chức Mỹ, sau nhiều tháng đối đầu quyết liệt, Trung Quốc gần đây có dấu hiệu dịu giọng. Điều đó được thể hiện qua phát biểu hồi tuần trước của Tướng Liu Yuan – một sĩ quan cấp cao thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa.
 
Tướng Liu cho biết, một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông sẽ có lợi nhất cho cả Trung Quốc và Nhật Bản. Ông này cũng nhấn mạnh, chiến tranh sẽ rất “thảm khốc và kinh khủng”. “Nếu có bất kỳ con đường nào khác để giải quyết vấn đề thì không cần thiết phải nhờ đến vũ lực”.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc