Mỹ e ngại sự cứng rắn của Triều Tiên

07:11, 19/03/2013
|

(VnMedia) - Nghị sĩ Mỹ Mike Rogers hôm qua (17/3) đã cho biết, Mỹ ngày càng quan ngại về năng lực hạt nhân của Triều Tiên dưới thời Nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhưng đầy cứng rắn – Kim Jong Un. 

Ảnh minh họa


Xuất hiện trên chương trình “Gặp gỡ Báo chí” của CNN, ông Rogers – Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, cho biết, mức độ lo lắng của Mỹ ngày càng tăng lên vì Triều Tiên dám công khai đe dọa tấn công phủ đầu nước này bằng vũ khí hạt nhân đồng thời tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 3 bất chấp những lời cảnh báo sắc lạnh từ các nước.
 
"Như bạn thấy, một Nhà lãnh đạo trẻ 28 tuổi đang cố gắng chứng minh bản thân trước quân đội trong khi quân đội đang háo hức muốn dương oai diễu võ vì lợi ích riêng của mình. Sự kết hợp của hai nhân tố trên thực sự rất, rất đáng sợ”, nghị sĩ Rogers đã phát biểu như vậy.
 
"Lời đe dọa ớn lạnh về việc họ sẽ tấn công hạt nhân nước Mỹ đã đủ là một vấn đề. Những hoạt động quân sự của họ dọc khu vực phi quân sự hóa lại gây ra một loạt vấn đề mới cho chúng ta. Triều Tiên là nước có quân đội lớn nhất thế giới”, ông Rogers nói thêm.
 
Ông Kim Jong Un chính thức tiếp nhận quyền lãnh đạo đất nước Triều Tiên khi cha ông – cựu Chủ tịch Kim Jong Il bất ngờ qua đời hồi tháng 12 năm 2011. Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ - ông James R. Clapper Jr. miêu tả Nhà lãnh đạo 28 tuổi là “trẻ” và “rất hiếu chiến”. Ông này hồi đầu tuần trước đã cảnh báo rằng, Triều tiên có thể sẽ tung ra “hành động khiêu khích nhằm vào Hàn Quốc”.
 
Bán đảo Triều Tiên trong những ngày này đang “căng như dây đàn” bởi một loạt những lời đe dọa và những bước đi quân sự đầy thách thức của Bình Nhưỡng. Đây là sự đáp trả của Triều Tiên trước việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào nước này vì vụ thử hạt nhân thứ ba hồi tháng 2. Triều Tiên đã đe dọa chiến tranh toàn diện với Hàn Quốc và tấn công phủ đầu hạt nhân Mỹ. Song song với đó, chính quyền của Nhà lãnh đạo Kim Jong Un còn hủy bỏ các thỏa thuận không xâm lược lẫn nhau với Hàn Quốc, vô hiệu hóa thỏa thuận đình chiến, tiến hành tập trận rầm rộ và sơ tán cơ quan chính phủ cũng như người dân.
 
Theo lời ông Rogers, lời đe dọa mà Bình Nhưỡng nhằm vào Mỹ “là điều mà chúng ta cần phải xem xét một cách nghiêm túc. Bạn có thể thấy, họ đang tìm cách gây khiêu khích. Điều rất, rất đáng lo ngại là chúng ta không lường được về Nhà lãnh đạo 28 tuổi. Chúng ta không tự tin về việc chúng ta biết ông ấy sẽ làm gì trong những bước tiếp theo”.
 
Triều Tiên đáng ngại hơn cả Iran
 
Nghị sĩ Rogers cho rằng, Triều Tiên sở hữu trong tay một tên lửa đạn đạo có thể bắn tới Mỹ. Đây là điều khiến Mỹ cần phải lo ngại thực sự.
 
"Họ chắc chắn đã có tên lửa đạn đạo có thể bắn tới bờ biển nước Mỹ”, ông Rogers nói nhưng không cho biết cụ thể là tên lửa đó có thể bắn tới các bang ở bên ngoài lục địa Mỹ như Alaska và Hawaii hay là tới được bờ biển phía tây của Mỹ.
 
Triều Tiên đã tiến hành thử tên lửa có thể bắn tới Hàn Quốc hay Nhật Bản nhưng vẫn chưa chứng minh được khả năng bắn tên lửa tầm xa có thể vươn tới lục địa Mỹ.
 
Hiện cũng chưa rõ Triều Tiên tiếng gần đến mức nào tới việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để đưa lên tên lửa.
 
Cùng chung quan điểm với ông Rogers, phóng viên kỳ cựu David  Sanger của tờ New York Times cho rằng, Mỹ cần phải quan ngại trước năng lực tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Theo ông Sanger, vấn đề xung quanh việc Bình Nhưỡng hủy bỏ lệnh đình chiến hay đe dọa tấn công hạt nhân “không có gì mới”. Cái mới chính là năng lực đáng ngại của Triều Tiên về vũ khí tên lửa và hạt nhân. "Họ hiện giờ đã tiến hành xong vụ thử hạt nhân thứ ba và mọi dấu hiệu ban đầu đều cho thấy, vụ thử này thực sự đã thành công. Họ cũng đã phóng tên lửa đến tận Philippines. Nếu bạn làm một phép toán, bạn sẽ thấy, tên lửa của họ đi được nửa đường đến lục địa Mỹ rồi”.
 
Phóng viên Sanger tin rằng, mối đe dọa từ Triều Tiên thậm chí còn đang ngại hơn từ Iran.
 
Khi Lầu Năm Góc đầu tư 1 tỉ USD vào các tên lửa đánh chặn nhằm đối phó với chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân phát triển hơn mong đợi của Triều Tiên, ông Sanger cho rằng, Mỹ không nên chỉ lập kế hoạch ngăn chặn Triều Tiên mà cần phải khuyến khích Trung Quốc hành động. Nhiều người tin rằng, nếu có bất kỳ nước nào có khả năng gây áp lực chứ không phải là kiểm soát Triều Tiên”, thì đó chính là Trung Quốc.
 
Với tư cách là đồng minh thân thiết nhất và là nhà tài trợ lớn nhất cho Triều Tiên, Trung Quốc được cho là nước duy nhất có thể gây áp lực để bước Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, Bắc Kinh được cho là cũng không có nhiều lựa chọn trong việc ứng xử với nước láng giềng gắn bó bao lâu nay của họ. Trung Quốc sẽ không thể mạnh tay với Triều Tiên bởi nước này đóng vai trò chiến lược vô cùng quan trọng đối với an ninh của cường quốc số 1 Châu Á. Trong khi đó, bản thân Triều Tiên dưới thời Nhà lãnh đạo Kim Jong Un dường như có vẻ độc lập hơn, sẵn sàng hành động mà không cần nhìn đến “người bạn lớn” ngay sát cạnh mình.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc