Mỹ dàn trận tên lửa đánh chặn dư thừa đáp trả Triều Tiên

08:03, 16/03/2013
|

(VnMedia) - Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - ông Chuck Hagel hôm qua (15/3) thông báo, ông đã ra lệnh cho quân đội tăng cường sức mạnh cho hệ thống phòng thủ tên lửa nước này bằng việc triển khai cùng lúc 14 tên lửa đánh chặn hiện đại. Động thái này được ông Hagel tuyên bố là để đáp trả “những hành động khiêu khích vô trách nhiệm và bất cẩn” của phía Triều Tiên sau khi nước này đe dọa sẽ thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu hạt nhân vào Mỹ. 

Ảnh minh họa


“Chúng tôi sẽ củng cố hệ thống phòng thủ trong nước bằng cách triển khai thêm 14 tên lửa đánh chặn ở Fort Greely, Alaska. Như vậy, số lượng tên lửa đánh chặn mà chúng tôi triển khai hiện nay sẽ tăng từ 30 lên 44, trong đó có 4 tên lửa ở Căn cứ Không quân Vandenberg ở California”, Bộ trưởng Hagel cho biết trong một cuộc họp báo.
 
Những tên lửa đánh chặn mới được thiết kế để có thể hạ gục tên lửa tầm xa đang bay trước khi chúng chạm tới lãnh thổ nước Mỹ.
 
Theo ông James Miller, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề chính sách, loạt tên lửa sắp được triển khai sẽ giúp bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Mỹ. Ngoài 14 tên lửa đánh chặn bổ sung, Mỹ còn triển khai trạm radar phát hiện tên lửa thứ hai ở Nhật Bản.
 
"Chúng tôi sẽ củng cố năng lực phòng thủ trong nước đồng thời thực hiện cam kết bảo vệ các đồng minh và đối tác của mình. Chúng tôi muốn khẳng định rõ với thế giới rằng, Mỹ kiên quyết chống lại những hành động hiếu chiến, xâm lược”, tân Bộ trưởng Quốc phòng Hagel nhấn mạnh.
 
Được biết, tổng chi phí cho việc triển khai một loạt tên lửa ở Alaska sẽ tốn không ít hơn 1 tỉ USD và kế hoạch này cần phải được Quốc hội Mỹ thông qua.
 
Quyết định dàn trận tên lửa chống Triều Tiên được Washington đưa ra sau khi Triều Tiên hồi tuần trước "tung" ra một lời đe dọa đáng sợ, trong đó nói rằng nước này sẵn sàng tấn công phủ đầu Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Các nhà phân tích tin rằng, lời đe dọa này thực chất chỉ để thể hiện sự tức giận và thách thức của Bình Nhưỡng sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào họ sau vụ thử hạt nhân hồi tháng 2 của nước này bởi Triều Tiên còn phải mất nhiều năm nữa mới có thể có được trong tay vũ khí hạt nhân có khả năng tấn công lục địa Mỹ. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, lời đe dọa của Bình Nhưỡng chắc chắn cũng đã khiến Mỹ lo ngại nên nước này mới quyết định triển khai một số lượng lớn tên lửa lớn như vậy để đề phòng Triều Tiên.
 
Nga, Trung lo ngại trước động thái quân sự mới của Mỹ?
 
Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ đã thông báo cho Trung Quốc – đồng minh thân thiết nhất và cũng là nước láng giềng của Triều Tiên, về quyết định triển khai một loạt tên lửa đánh chặn nói trên. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc từ chối không cho biết phản ứng của Bắc Kinh khi nhận được thông báo này.
 
Các quan chức Mỹ dường như hiểu rằng, việc họ dàn trận tên lửa chống Triều Tiên sẽ gây lo ngại cho cả Trung Quốc và Nga nên đã nhanh chóng khẳng định, hành động của họ không nhằm chống lại số lượng lớn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong kho vũ khí của Trung Quốc hay Nga mà chỉ tập trung vào mối đe dọa xuất phát từ Triều Tiên hoặc có thể là Iran.
 
Đô đốc James Winnefeld – Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đã bày tỏ sự tự tin vào kế hoạch triển khai tên lửa mới, nói rằng bước đi này sẽ khiến Nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên – ông Kim Jong Un sẽ phải nghĩ lại hai lần trước khi hành động.
 
"Chúng tôi không chỉ có ý định thiết lập hệ thống để chống lại bất kỳ mục tiêu phóng tên lửa nào vào phía Mỹ từ phía Triều Tiên mà còn khiến họ phải trả giá nếu làm như vậy", ông Winnefeld tuyên bố đầy sắc lạnh.
 
"Và chúng tôi tin, Nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên sẽ bị chùn bước bởi điều đó. Nếu không, chúng tôi sẵn sàng hành động”, ông Winnefeld nói thêm.
 
Các quan chức Mỹ gần đây liên tục bày tỏ sự quan ngại về diễn biến tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Hôm 13/3, phóng viên hàng đầu về đối ngoại của NBC - Andrea Mitchell đã có cuộc trò chuyện với cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright về vấn đề Triều Tiên.
 
Ông này nói: “Những gì chúng ta thấy trong thời gian vừa qua là sự gia tăng thực sự trong những phát biểu đầy hiếu chiến của Nhà lãnh đạo mới của Triều Tiên. Ông ấy mới chỉ 28 tuổi, có thể ông ấy đang tìm cách gây ấn tượng với quân đội và đó là một hành động phô trương sức mạnh. Tuy nhiên, khi tôi nói chuyện với các quan chức an ninh hàng đầu, họ đều nói họ không biết liệu đó có phải là sự tình cờ hay là một tính toán sai lầm bởi việc hủy bỏ lệnh ngừng bắn đồng nghĩa với việc tình hình đang rất, rất căng thẳng ở khu vực biên giới. Hành động đó cho phép khả năng bất kỳ một hành động sai lầm nào của một binh lính trong quân đội hay của một bên nào đó cũng có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh. Và cuộc chiến tranh đó chắc chắn liên quan đến Mỹ”.
 
“Ông nói hoàn toàn đúng. Tôi cho rằng, tình hình đang rất đáng sợ”, bà Albright đã bình luận như vậy về phát biểu của phóng viên Mitchell.
 
Theo cựu Ngoại trưởng Mỹ, “quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc luôn căng thẳng nhưng ở thời điểm này, các bạn sẽ cảm thấy rằng, chúng ta không biết đủ về Nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên. Và tôi cho rằng, ông ấy đang đùa với lửa. Tôi nghĩ, đó là một tình huống nguy hiểm. Mỹ cần phải làm rõ về điều đó”.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc