(VnMedia) - Phương Tây do Mỹ dẫn đầu vừa “tung” ra một loạt đòn trừng phạt mới nhằm vào CHDCND Triều Tiên vì vụ thử hạt nhân mới nhất của nước này. Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng, Nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong Un sẽ không khó vượt qua thách thức mới này.
Các biện phát trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc được cho là sẽ không thể khiến Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này. Triều Tiên đã đối mặt với 7 năm chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và hơn 50 năm chịu vô số các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhưng những “đòn” này không thể thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân.
Dưới thời Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un, Triều Tiên dường như theo đuổi chương trình hạt nhân mạnh mẽ hơn rất nhiều, các chuyên gia ở Seoul đã nhận định như vậy. Vị tổng chỉ huy 30 tuổi mới lên cầm quyền chỉ hơn một năm nhưng dường như đã sẵn sàng “qua mặt” Trung Quốc – đồng minh lớn nhất và cũng là nhà tài trợ lớn nhất của Triều Tiên, một trong những chuyên gia của Hàn Quốc nhận xét.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 7/3 đã nhất trí thông qua một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên vì vụ thử hạt nhân mới nhất hồi tháng 2 vừa rồi. Đây là vụ thử hạt nhân thứ ba của Bình Nhưỡng kể từ năm 2006 và nó diễn ra chỉ vài tháng sau khi Triều Tiên vừa phóng đi một tên lửa tầm xa khiến các cường quốc tức giận.
Vụ thử hạt nhân mới cùng với vụ phóng tên lửa tầm xa trong tháng 12 năm 2012 và tháng 2 năm 2013 đã cho thấy, Triều Tiên đang đạt được tiến bộ trên con đường phát triển tên lửa tầm xa tới 10.000km và thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để đưa lên các tên lửa.
"Họ sẽ không bao giờ từ bỏ kế hoạch phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa có thể mang đầu đạn hạt nhân. Lập trường của họ sẽ rất kiên quyết", ông Kim Yeon-su – Giáo sư chuyên nghiên cứu về chính sách an ninh ở trường Đại học Quốc phòng ở thủ đô Seoul, nhận định.
Kể từ thời của Chủ tịch Kim Jong Il, Bình Nhưỡng đã luôn sử dụng chương trình hạt nhân, tên lửa của mình làm “lá bài” mặc cả trên bàn phán với các cường quốc. Chiến lược này của ông Kim Jong Il đã được Lãnh đạo trẻ Kim Jong Un tiếp thu và phát huy có phần tích cực hơn. Ngay sau khi vừa tiếp nhận quyền lực từ người cha hồi tháng 12 năm 2011, Nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong Un đã nhanh chóng phóng ngay một tên lửa tầm xa để thể hiện sự cứng rắn và thách thức của chính quyền Triều Tiên đối với các cường quốc phương Tây.
Liệu Trung Quốc có thể thuyết phục Triều Tiên?
Cũng như những lần trước, Trung Quốc ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên – đồng minh mà họ luôn bảo vệ bao lâu nay. Trung Quốc được tin là nước duy nhất có ảnh hưởng nhất định đến Bình Nhưỡng. Chính vì vậy, không phải vô cớ mà phương Tây và Mỹ lại đặt hy vọng vào Bắc Kinh, đặc biệt là lần này khi Trung Quốc thực sự cảm thấy khó chịu về các động thái gần đây của chính quyền Kim Jong Un..
Tuy nhiên, theo giáo sư Kim, mối quan hệ gần đây giữa Triều Tiên và Trung Quốc đã trở nên mong manh hơn. Một trong những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ có phần không còn nồng ấm giữa Trung Quốc và Triều Tiên là giới chức Trung Quốc gần đây ít có chuyến thăm đến Bình Nhưỡng kể từ sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hồi tháng 12 năm ngoái. Điều này trái ngược hoàn toàn với thông lệ bình thường dưới thời ông Kim Jong Il.
Một quan chức cấp cao Trung Quốc cũng từng nhận được sự tiếp đón không mấy nhiệt tình của chính quyền Nhà lãnh đạo Kim Jong Un khi ông này đến Bình Nhưỡng trước thềm vụ phóng tên lửa hồi cuối năm ngoái. Ngoài ra, Bắc Kinh còn cho triệu tập đại diện của Triều Tiên tại nước này đến để bày tỏ “sự không hài lòng lớn” trước vụ phóng tên lửa tầm xa của nước này. Đây cũng là những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đồng minh thân thiết Trung-Triều bắt đầu có những vết rạn.
Ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng dường như đã giảm đi rất nhiều. Bất chấp những lời cảnh báo mạnh mẽ một cách bất thường từ phía Trung Quốc, Triều Tiên vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 4 và thậm chí là thứ 5.
"So với cha mình, ông Kim Jong Un dường như đang đi theo một con đường riêng trong quan hệ với Trung Quốc”, giáo sư Kim đến từ trường Đại học Quốc phòng ở Seoul, cho hay.
Ngoài Trung Quốc, các cường quốc phương Tây khác chẳng có mấy ảnh hưởng đối với Triều Tiên do nước này có rất ít mối liên hệ với các nước bên ngoài.
Với những phân tích ở trên, các chuyên gia tin rằng, một loạt biện pháp trừng phạt mới mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vừa đưa ra dù có hà khắc hơn rất nhiều nhưng cũng sẽ khó lòng phát huy tác dụng đối với Triều Tiên. Và đương nhiên, gói biện pháp trừng phạt này chắc chắn sẽ không đủ sức khiến Bình Nhưỡng lay chuyển trong lập trường về vấn đề hạt nhân.
Trong nhiều năm qua, phương Tây đã dùng con đường trừng phạt để tìm cách khuất phục Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân nhưng rõ ràng không thể làm thay đổi tình hình. Có vẻ như, phương Tây cần phải tìm cách tiếp cận khác đối với Bình Nhưỡng.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc